Quỹ Nhi đồng LHQ lên tiếng vụ bé 8 tuổi bị người tình của cha đánh đến chết

RFA
2021.12.29
Quỹ Nhi đồng LHQ lên tiếng vụ bé 8 tuổi bị người tình của cha đánh đến chết Người dân tưởng niệm cái chết của bé gái 8 tuổi bị người tình của cha hành hạ đến chết
Chụp màn hình video/RFA edited

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) hôm 29/12/2021 bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong gây xôn xao dư luận những ngày qua. 

"Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em, một hệ thống với các nhân viên công tác xã hội được đào tạo, không phải các tình nguyện viên hay các cán bộ phúc lợi không được đào tạo, mà cần có các nhân viên chuyên nghiệp có trình độ, những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng với nhu cầu và bảo vệ trẻ em và phụ nữ.

Trên cơ sở vì lợi ích tốt nhất của trẻ và để bảo vệ phụ nữ - chứ không phải bảo vệ kẻ gây ra bạo lực, cần có một hệ thống với lực lượng công an được đào tạo, với các thẩm phán và tòa án thân thiện với trẻ em, cần có thái độ không khoan nhượng đối với bạo lực của tất cả các nhà chức trách, trong tất cả các trường học, trên toàn cộng đồng." - Thông cáo báo chí của quỹ cứu tế được thành lập bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho biết. 

UNICEF giải thích thêm, không khoan nhượng có nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền và yêu cầu công an phải hành động để bảo vệ nạn nhân; có nghĩa là công an sẽ phải chịu trách nhiệm và có những hành động kịp thời, các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ báo cáo ngay, có nghĩa là những giải pháp dựa vào cộng đồng cần được thực hiện để  trẻ em hoặc phụ nữ có thể tiếp tục sống an toàn ở nhà trong khi thủ phạm phải bị chuyển đi.  

Và điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa, đứng lên bảo vệ những người dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em rằng bất kỳ hình thức bạo lực nào cũng không thể chấp nhận được và họ cần tìm kiếm sự  giúp đỡ để ngăn chặn bạo lực, cũng theo Quỹ nhi đồng LHQ. 

UNICEF cho hay, họ hỗ trợ việc xây dựng một hệ thống bảo vệ có sự điều phối giữa các bên liên quan, tuy nhiên cần có sự đầu tư nguồn lực, cam kết mạnh mẽ của chính phủ để đảm bảo có được sự thay đổi cho những người cần nhất, để đạt được mức độ nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em và phụ nữ trên khắp Việt Nam. 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
29/12/2021 09:43

Ở quốc gia nào cũng có những trường hợp hành hạ chính con đẻ của mình. Câu chuyện là việc ngăn chặn, việc xử lý nghiêm minh khi sự việc xảy ra có được thực thi không. Việt Nam có cả rừng luật, có các loại hội đoàn, cơ quan chịu trách nhiệm về việc này chứ không phải không có.
Hiện tại, báo chí liên tục giật tít về sự vô cảm của hàng xóm để đánh lạc hướng dư luận mà thôi. Xâu chuỗi sự việc, từ việc tòa án kết luận mẹ của cô bé bị tâm thần không đủ năng lực nuôi con, đến đơn đưa ra tòa vì không được gặp con chưa được giải quyết, thử hỏi hàng xóm lên tiếng liệu có phản hồi không. Trong khi đó, không ai đặt câu hỏi là ông bà nội của cháu bé có biết chuyện này không, thái độ của họ về việc này thế nào. Các cơ quan công quyền và các hội đoàn không lên tiếng ngay, mà còn "nghe" rồi mới lên tiếng. Giang hồ thì đồn, bảo vệ đưa bé đi bệnh viện, còn ông bố bảo người tình khi cô này giục đưa bé đi bệnh viện là "đưa đi viện cho đi tù à"!
Chưa cơ quan nào công bố kết quả học của bé, như cô nhân tình bảo là học kém. Rất có thể, dưới con mắt của ông bà nội và ông bố, cô bé không nên có mặt trên đời làm xấu mặt gia đình "có cước sắc".

Anonymous
30/12/2021 17:15

UNICEP góp ý hoàn toàn chính xác.

Ở VN, trong bộ máy chính quyền các cấp, không có bộ phận chuyên trách nào có trách nhiệm chăm lo cho sự sống, quyền lợi của thiếu niên, nhi đồng.
Việc đó chỉ là những việc phụ, không làm cũng được, của nhửng Sở, những Phòng Lao động - Thương binh -Xã hội,
Ngược lại, bên cạch chính quyền các cấp ở VN, lại có những cơ quan "Đoàn - Đội" từ xã đến trung ương, cho đến từng trường học - chỉ lả nơi chăm lo "tư tưởng" của các cháu.

(Ở nước ngoài, trong chính quyền họ có phòng ban chăm sóc trẻ em, làm việc chặt chẽ với nhà trường, với công an.
Trẻ nào bị cha mẹ ngược đãi, ra tòa, họ tước quyền nuôi con của cha mẹ.
Trong những giờ trẻ em phải đến trường, trẻ nào lang thang ngoài phố là được công an đưa lên xe, chở về trường).

Xuyên Đảo Phương Tử
30/12/2021 20:24

Đánh bạo hành một đứa trẻ không có khả năng tự vệ đến chết rõ là một tội ác không có gì chối cãi!