Hoa kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay cho bà Tạ Phong Tần

Hoa kỳ kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho bà Tạ Phong Tần một blogger hiện đang thọ án tù 10 năm vì đã dám vạch trần tham nhũng của chính phủ. Văn phòng Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Washington ra tuyên bố báo chí hôm 5/5/2015 cho biết như vừa nêu.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày tự do báo chí thế giới, bà Tạ Phong Tần được Ngoại trưởng John Kerry nhắc tới trong danh sách những nhà báo trên thế giới bị nhà cầm quyền nước họ bỏ tù một cách sai trái.

Trong chiến dịch đòi trả tự do cho báo chí vừa được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát động, có tên Tạ Phong Tần của Việt Nam và Cao Du của Trung Quốc.

Được biết nhà báo công dân Tạ Phong Tần và Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cùng thuộc nhóm Câu lạc bộ nhà báo tự do bị bắt và kết án vào năm 2012. Lúc đó Điếu Cày bị y án 12 năm tù và Tạ Phong Tần 10 năm tù. Tháng 10 năm 2014 Hà Nội trả tự do cho Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và buộc ông phải rời khỏi Việt Nam.

Hôm 1/5/2015 vừa qua, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải ở trong số 3 nhà báo từng bị bức hại đã được mời vào Nhà Trắng ở Thủ đô Washington để hội luận về vấn đề tự do báo chí thế giới với Tổng thống Barack Obama. Trong dịp này Điếu Cày đã trao một danh sách các tù nhân lương tâm ở Việt Nam cần được Tổng thống Hoa Kỳ quan tâm, trong đó có tên Tạ Phong Tần, Việt Khang và Ba Sàm.

Trong diễn biến khác thì phiên họp đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 19 sẽ diễn ra vào ngày 7/5/2015 tại Hà Nội. Phái đoàn Hoa Kỳ do Đại sứ Ted Osius và ông Tom Malinowski Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách dân chủ nhân quyền và lao động dẫn đầu. Phía Việt Nam do ông Vũ Quang Anh Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế làm trưởng đoàn.

Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt sẽ thảo luận rộng rãi về các vấn đề nhân quyền, bao gồm cải cách pháp luật, pháp quyền, tự do hội họp và ngôn luận, tự do tôn giáo, các quyền về lao động và quyền của người khuyết tật. Phái đoàn Hoa Kỳ sẽ viếng thăm vùng cao nguyên Tây Bắc Việt Nam và sẽ thảo luận với các giới chức chính quyền địa phương, cũng như các thành viên của các tổ chức xã hội dân sự.

Cải thiện nhân quyền hiện vẫn là chủ thuyết của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ và là một phần nội dung đối thoại trong khuôn khổ đối tác toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam.