VCCI đề nghị chi 2.000 tỷ đồng từ Quỹ PCTT còn tồn để cứu dân

2024.09.20
VCCI đề nghị chi 2.000 tỷ đồng từ Quỹ PCTT còn tồn để cứu dân Khung cảnh hoang tàn tại Hạ Long sau khi bão Yagi quét qua
AFP

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hôm 18/9 có nhiều đề xuất với chính phủ để giúp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão Yagi.

Theo bài viết trên trang web của tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, chủ lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, mức độ tổn hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất nặng nề, ước tính hàng tỷ tỷ đồng sau ảnh hưởng của cơn bão số 3.

"Đây là thời điểm rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiệt hại về lâu dài của cơn bão, bảo đảm sinh kế cho người dân”, VCCI kiến nghị Thủ tướng.

Tổ chức này cho biết, Quỹ phòng chống thiên tai thành lập từ năm 2021 do doanh nghiệp và người lao động đóng góp nhưng đến năm 2023 còn kết dư gần 2000 tỷ đồng.

VCCI đề nghị Thủ tướng chỉ đạo việc chi dùng quỹ này để cứu trợ và khắc phục hậu quả của bão Yagi.

Mạng báo Thanh niên dẫn các báo cáo về tình hình thu chi của Quỹ Phòng chống thiên tai, cho hay đến tháng 5/2023, tổng thu của quỹ là 5.258,6 tỷ, tăng 2.455 tỉ so với năm 2019.

Cùng thời điểm, quỹ đã chi được 3.296,6 tỉ đồng. Số tồn dư đến thời điểm này là 1.961,9 tỷ đồng.

Hồi năm 2021, Chính phủ ra Nghị định 78 về việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai, trong đó cho biết đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Quỹ hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo nghị định trên, quỹ được sử dụng để chi cứu trợ, hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai khẩn cấp khi vượt quá khả năng ứng phó của địa phương; trong đó ưu tiên cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học và xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai.

Quỹ cũng được dùng hỗ trợ các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương chịu thiệt hại bởi thiên tai vượt quá khả năng khắc phục của địa phương; hỗ trợ, trợ cấp đột xuất cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị thiệt hại do thiên tai và người bị tai nạn, thiệt hại khi tham gia phòng, chống thiên tai...

Điều 12 của Nghị định 78 cũng quy định, mức đóng góp bắt buộc từ các tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn một năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31/12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan Thuế nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức.

Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường cũng được quy định các mức đóng góp khác nhau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.