Phản ứng của người dân trước vấn nạn ô nhiễm môi trường
2016.04.27
Hôm nay (27/4/2016), trên mạng xã hội đã lan truyền một lời kêu gọi xuống đường vì môi trường vào ngày 1 tháng 5 tới tại các thành phố và tỉnh thành của Việt Nam.
Những người kêu gọi xuống đường nêu lên tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội do phát hiện thủy ngân mới đây, nạn cá tôm chết ở biển miền Trung, tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và hạn hán ở Tây Nguyên.
Bức thư có đoạn viết ‘chưa khi nào Việt Nam phải đối mặt cùng lúc với nhiều thảm họa về môi trường đến thế. Vì nhiều lý do như: đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế, thay đổi khí hậu… và nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu sự quan tâm của chính mỗi người dân đến môi trường sống của mình’.
Lời kêu gọi cũng gợi ý những khẩu hiệu mà người biểu tình mang theo như ngoài khơi tàu lạ tấn công gần bờ cá chết sao không đoái hoài, yêu cầu minh bạch việc sử dụng tiền thuế bảo vệ môi trường, yêu cầu chính phủ công khai trách nhiệm với nhân dân vụ Formosa.
Trong khi đó, hôm qua những người quan tâm đến vấn nạn ô nhiễm môi trường ở biển miền Trung đã ký vào một thỉnh nguyện thư gửi Nhà Trắng đề nghị chính phủ Mỹ giúp cung cấp cho Việt Nam những đánh giá môi trường độc lập đối với nhà máy thép của Formosa.
Thỉnh nguyện thư cũng đề nghị Tổng thống Obama nêu vấn đề này đối với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5 tới.
Hiện tại, bức thỉnh nguyện thư đã nhận được hơn 50.000 chữ ký. Bản thỉnh nguyện thư cần nhận được ít nhất 100.000 chữ ký chậm nhất là vào ngày 26 tháng năm tới để có thể nhận được hồi đáp từ nhà Trắng.
Cũng vào ngày hôm qua 26 tháng 4, một nhóm các luật sư tại Việt Nam và luật sư tham gia liên danh phục vụ Công lý đã gửi một bức thư ngỏ tới Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ miễn phí giúp ngư dân các tỉnh miền Trung thu thập chứng cứ và chuẩn bị hành trình pháp lý. Các luật sư cũng đề nghị Formosa công khai minh bạch thông tin trước dư luận cho rằng công ty này đã xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Thư ngỏ đề nghị những luật sư trong cả nước, đặc biệt là các luật sư ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế tình nguyện hướng dẫn ngư dân thu nhập chứng cứ và thiệt hại cùng những trợ giúp pháp lý khác có liên quan.
Thư ngỏ yêu cầu liên đoàn luật sư Việt Nam sớm có văn bản gửi 4 đoàn luật sư và các luật sư trong cả nước đề nghị trợ giúp pháp lý cho các ngư dân.
Luật sư Trần Vũ Hải thuộc văn phòng luật sư Trần Vũ Hải, đại diện cho các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư tham gia Liên danh phục vụ Công lý cho báo giới biết các luật sư cũng đề nghị Bộ Công An điều tra thảm họa, cân nhắc khởi tố vụ án hình sự về những hành vi gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo các điều 182 và 188 Bộ luật hình sự.