Việt Nam cấp phép sử dụng thương mại vắc-xin dịch tả lợn Châu Phi nội địa

2023.07.25
Việt Nam cấp phép sử dụng thương mại vắc-xin dịch tả lợn Châu Phi nội địa Các lọ vắc-xin ngừa tả lợn Châu Phi được giới thiệu tại Hà Nội hôm 3/6/2022
AFP

Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Việt Nam vào ngày 24/7 ra công văn về việc cho phép sử dụng hai loại vắc-xin phòng dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) do trong nước sản xuất.

Đó là vắc-xin NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE. Theo Bộ NN- PTNT Việt Nam, từ tháng 11/2019 đến nay các nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ, hợp tác kỹ thuật, chuyển giao khoa học, công nghệ; đặc biệt chuyển giao chủng giống vi-rút sản xuất vắc-xin DTLCP cho các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn thú y của Việt Nam để nghiên cứu, sản xuất vắc-xin DTLCP tại Việt Nam.

NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương NAVETCO và các nhà khoa học Hoa Kỳ cùng nghiên cứu, sản xuất; vắc-xin AVAC ASF Live do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu sản xuất với sự hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ như vừa nêu.

Hai loại vắc-xin này được cho là những vắc-xin phòng bệnh DTLCP thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành; đặc biệt trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vắc-xin thương mại trong phòng bệnh DTLCP được cấp phép trên thế giới.

Theo Bộ NN-PTNT Việt Nam, có hơn 650.000 liều vắc –xin phòng DTLCP được thử nghiệm cho lợn tại 40 tỉnh trên cả nước và hiệu quả đạt 95%.

Dịch tả lợn Châu Phi suốt nhiều năm qua gây tổn hại cho thị trường thị lợn trị giá 250 tỷ USD. Trong đợt bùng phát vào thời điểm 2018-2019, DTLCP làm chết hơn phân nửa đàn lợn tại Hoa Lục, nhà cung ứng thịt lợn lớn nhất thế giới với tổn thất ước tính hơn 100 tỷ USD.

Cục Thú y Việt Nam vào thời điểm đó cho biết DTLCP xảy ra tại Việt Nam gây tổn thất hơn 30.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến sinh kế của trên 3,5 triệu hộ chăn nuôi, hàng trăm doanh nghiệp; tác động trực tiếp đến chỉ số tiêu dùng (CPI) và xuất khẩu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.