Việt Nam bắt đầu nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc

RFA
2020.01.03
AP_19120821445269_960.jpeg Hình minh họa. Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc hôm 30/4/2019
AP

Ngày 2/1/2019, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ 2020 – 2021 tại buổi lễ diễn ra ở trụ sở của Liên Hiệp quốc (UN) tại New York.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực của Việt Nam tại UN Đặng Đình Quý phát biểu tại buổi lễ rằng đây là một vinh dự cho Việt Nam. Ông Quý nói Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp vào công việc của Hội đồng Bảo an nhằm bảo đảm việc tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp quốc và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Ông đồng thời cũng bày tỏ mong muốn có được sự ủng hộ của các nước đối với những nỗ lực của Việt Nam không chỉ trong Tháng Chủ tịch mà trong cả thời gian tới.

Trong cùng ngày, Hội đồng Bảo an đã thông qua chương trình làm việc của tháng 1/2020 do Việt Nam đề xuất bao gồm 12 cuộc họp công khai và 15 cuộc họp kín. Các vấn đề được thảo luận bao gồm tình hình Trung Đông, Syria, Yemen, Tây Phi, Sahel, Mali, Libi, Trung Á và Síp.

Trọng tâm của các hoạt động của Hội đồng Bảo an trong tháng 1 là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp quốc và tăng cường hợp tác giữa Liên Hiệp quốc và ASEAN.

Cũng trong năm 2020, Việt Nam nhận ghế Chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Việt Nam đảm nhận hai vai trò quan trọng vào khi đang có những căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Một số chuyên gia cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam đưa các vấn đề về vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc ra diễn đàn quốc tế.

Hồi tháng 9 năm 2019, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề cập đến căng thẳng Biển Đông với Trung Quốc trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, dù không nêu tên Trung Quốc trực tiếp.

Đây là lần thứ hai Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an kể từ năm 2008.

Việt Nam nhận được 192/193 phiếu thuận tại lần bầu chọn vào ghế thành viên không thường trực nhiệm kỳ này hồi năm ngoái.

Cùng với Việt Nam, còn có 4 quốc gia khác cũng được bầu vào ghế thành viên không thường trực nhiệm kỳ này là Estonia, Niger, Tunisia Saint và Grenadines.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.