Việt Nam đưa 780 công dân từ Myanmar về nước
Việt Nam vừa đưa 780 công dân bị kẹt lại tại Myanmar về sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội trong sáu chuyến bay và dự kiến sẽ tổ chức thêm một số chuyến bay thuê riêng vào tuần này để tiếp tục đưa những công dân khác về nước. Trong số những người được đưa về nước có một người ở Kiên Giang đã được RFA đưa tin hồi đầu tháng này, người còn lại hiện vẫn chưa về nước.
Truyền thông Nhà nước hôm 5/12 trích dẫn lời của đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) Bộ công an cho biết A08 đã chủ động phối hợp với Cục lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar xác minh, cấp hộ chiếu, phục vụ công tác bảo hộ công dân và tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Myanmar về nước. Tổng cộng có 1.068 người được xác minh thông tin và cấp hộ chiếu.
Nhóm công dân đầu tiên được đưa về hôm 4/12. Theo truyền thông Nhà nước, phần lớn những người này là thanh niên trẻ, trong đó có cả thiếu niên, trẻ em sơ sinh và phụ nữ mang thai ra nước ngoài làm việc trong các cơ sở đánh bạc trực tuyến ở các bang phía bắc Myanmar, bị chủ lao động bỏ rơi và bị mắc kẹt do giao tranh giữa quân đội Myanmar và các nhóm dân tộc thiểu số ở khu vực này.
Đại diện A08 cho biết, vào ngày 2/12, lãnh đạo Bộ Công an đã cử lãnh đạo và cán bộ tham gia đoàn công tác liên ngành do Bộ Ngoại giao chủ trì hỗ trợ đưa công dân từ Myanmar về nước.
Hồi đầu tháng này, một số người Việt bị mắc kẹt lại tại vùng chiến sự ở khu vực biên giới giữa Myanmar và Trung Quốc cho RFA biết họ đã bị kẹt lại tại đây 40 ngày trong tình cảnh thiếu điện, nước và đói.
Những người Việt này đã làm video đưa lên mạng xã hội kêu cứu.
Những người Việt Nam này nằm trong số 166 người Việt bị lừa sang làm việc cho những công ty cờ bạc trực tuyến ở phía bắc Myanmar, được quân đội của chính quyền quân sự giải cứu vào ngày 20/10 vừa qua, và sau đó được bố trí sống tạm trong một trường học bị bỏ hoang.
Sau khi được cứu, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã xác nhận thông tin các nạn nhân nhưng không đến thăm gặp họ.
Bộ Ngoại giao một lần nữa khuyến cáo công dân Việt Nam cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm "việc nhẹ lương cao", không yêu cầu về bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không thông qua doanh nghiệp, tổ chức phái cử lao động… Công dân cần tìm hiểu kỹ về nội dung công việc, đơn vị, địa điểm dự kiến làm việc, nhân thân người giới thiệu, chế độ bảo hiểm, quyền lợi được hưởng… trước khi quyết định việc ra nước ngoài.