Sản lượng dầu thô Việt Nam sẽ giảm 10% mỗi năm đến 2025
2018.10.24
Sản lượng dầu thô của Việt Nam dự kiến sẽ giảm 10% một năm cho đến năm 2025 do trữ lượng giảm tại các mỏ hiện có.
Reuters ghi nhận thông tin vừa nêu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) hôm 24 tháng 10 năm 2018.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, do thiếu ngân sách nên không thể thúc đẩy hoạt động thăm dò.
Cũng theo PetroVietnam, tỷ lệ gia tăng trữ lượng có thể phục hồi đã chậm lại một cách đáng báo động, ảnh hưởng đến tính bền vững sự phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 4 năm 2018, PetroVietnam từng cảnh báo căng thẳng ở Biển Đông sẽ làm ảnh hưởng các hoạt động khai thác ngoài khơi trong năm nay.
Theo số liệu chính phủ Việt Nam công bố vào tháng 3 năm 2018, sản lượng dầu thô của Việt Nam trong năm 2018 dự kiến sẽ giảm 14,7% xuống 11,3 triệu tấn, tương đương 227.130 thùng / ngày.
Tổng cục Thống kê Việt Nam thì cho biết xuất khẩu dầu thô của Việt Nam trong chín tháng đầu năm 2018 đạt 2,97 triệu tấn, giảm 45,2% so với năm 2017.
Từ đầu năm đến 15 tháng 9, tổng thu ngân sách của Việt Nam ước tính là 898,3 nghìn tỷ đồng, trong đó 43,5 nghìn tỷ đồng đến từ dầu thô, tương đương 5%.
Cũng tin liên quan, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) một cơ quan tư vấn chính phủ cho biết ngân sách nhà nước phụ thuộc quá mức vào dầu thô, một nguồn thu nhập không bền vững, cả trong ngắn và dài hạn.
Theo NFSC, trong ngắn hạn, doanh thu dầu thô có thể bị ảnh hưởng bởi giá dầu thế giới và sản lượng khai thác; và ngân sách nhà nước đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những biến động như vậy trong những năm qua.
Về lâu dài, nguồn thu nhập này cũng không bền vững do dự trữ quốc gia còn hạn chế.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu tại một cuộc họp của Quốc hội rằng, Việt Nam cần phải ngừng dựa vào dầu thô và tập trung vào du lịch để đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ việc đón được một triệu du khách tốt hơn là cố gắng khai thác cho được một triệu tấn dầu thô, vì du lịch sinh thái thân thiện và an toàn hơn cho nền kinh tế.