Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 7/4 có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an ninh mạng. Công điện được đưa ra vào lúc có nhiều thông tin cho thấy Việt Nam đang bị tấn công mạng mạnh, đặc biệt là mã độc tống tiền.
Truyền thông trong nước dẫn công điện của Chính phủ cho biết, “dù thời gian qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường đảm bảo an toàn thông tin mạng, một số ngành, lĩnh vực chưa quán triệt, ưu tiên nguồn lực triển khai, để xảy ra sự cố gây mất an toàn thông tin mạng và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn không gian mạng Việt Nam.”
Theo dự án “Chống Lừa Đảo” thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH) Doanh nghiệp Chống Lừa Đảo, số vự lừa đảo và tấn công mạng tại Việt Nam tăng không ngừng trong quý một năm nay. Số liệu báo cáo của dự án này cho thấy trong tháng 1 năm nay, Việt Nam ghi nhận gần 8.700 vụ; sang tháng 2 là hơn 9.100 vụ và tháng 3 gần 11.500 vụ.
Liên quan tấn công mã độc tại Việt Nam, trong ngày 8/4, trung tá Lê Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Quốc gia, Cục an ninh mạng (A05) Bộ Công an cho biết vào tháng 11/2023, một đơn vị trong lĩnh vực năng lượng đã bị tấn công và toàn bộ khoảng 1.000 máy chủ của họ đã bị mã hóa; vào tháng 12/2023, một đơn vị trong ngành tài chính ngân hàng đã bị tin tặc tấn công trong thời gian dài và đã rất thành thạo trong việc xâm nhập vào hệ thống, gây ra tổn thất gần 200 tỷ đồng. Đến tháng 3/2024, các đơn vị như VNDirect, PVOil, cùng hai nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã bị tấn công bằng ransomware.
Mới đây, nhóm Cisco Talos thuộc công ty Cisco của Mỹ cho biết nhóm này đang điều tra một nhóm tin tắc có tên CoralRaider của Việt Nam đang đánh cắp dữ liệu cá nhân và tài chính tại nhiều nước khu vực Châu Á. Khu vực được chú ý bao gồm các nước Trung Quốc, Nam Hàn, Bangladesh, Pakistan, Indonesia và Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ cấp thiết trước tình trạng tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền tăng mạnh và có thể diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.