Việt Nam phản bác phát ngôn của Trung Quốc về tàu Hướng Dương Hồng 10

RFA
2023.06.10
Việt Nam phản bác phát ngôn của Trung Quốc về tàu Hướng Dương Hồng 10 Sơ đồ hoạt động của Hướng Dương Hồng từ 7/5/2023 trong EEZ của VN
Marine Traffic

Việt Nam lên tiếng phản đối việc Trung Quốc tuyên bố rằng “không có việc tàu Hướng Dương Hồng 10 tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước khác”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trong ngày 10/6 khi được phóng viên đề nghị bình luận, về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân khi người này cho rằng ““không có việc tàu Hướng Dương Hồng 10 tiến vào EEZ của nước khác”, đã khẳng định "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa".

Bà Hằng đồng thời cho biết, "quy chế pháp lý của quần đảo Trường Sa cũng như các thực thể của quần đảo này đã được xác định rõ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của một quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nước ven biển, "trong đó có Việt Nam phải được tôn trọng".

"Đây chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm, xây dựng và đóng góp thiết thực của các nước liên quan vào hoà bình, ổn định, hợp tác và thượng tôn pháp luật ở khu vực, trong đó có khu vực Biển Đông", bà Hằng nhấn mạnh.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối Trung Quốc bằng những luận chứng như trên mà đã nhiều lần nêu rõ lập trường của Việt Nam trước các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc trong vùng biển được Việt Nam xác lập phù hợp với luật pháp quốc tế.

Liên quan đến việc tàu Hướng Dương Hồng 10, Bộ Ngoại giao VN đã ba lần lên tiếng phản đối Trung Quốc. Trong đó, ngày 25/5, bà Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam đã "giao thiệp nhiều lần với phía Trung Quốc".

Bà Hằng cũng nhấn mạnh: "Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hai nước".

Trước đó, trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 6/6, người phát ngôn Bộ này -ông Vương Văn Bân trả lời câu hỏi của Reuters về "lý do" tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc "rời vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam đêm 5/6”, cho rằng nước này có quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với cái gọi là "vùng biển liên quan của quần đảo Nam Sa". Nam Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ông này cũng tuyên bố rằng "không có việc tàu Trung Quốc tiến vào EEZ của nước khác" và khẳng định hoạt động của tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hộ tống là "chính đáng và hợp pháp".

Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung Quốc và đoàn tàu hộ tống gồm tàu hải cảnh và dân quân biển đã rời vùng biển Việt Nam sau 28 ngày liên tục đi lại trong vùng nước này.

Chuyên gia Raymond Powell, người đứng đầu dự án Myoushu thuộc Trung tâm Gordian Knot về An ninh Quốc gia thuộc Đại học Standford, Mỹ, cho biết thông tin này trên Twitter với hình ảnh theo dõi đoàn tàu được cập nhật.

Thông tin tàu khảo sát Trung Quốc rời vùng biển Việt Nam xảy ra vào khi Đối thoại an ninh thường niên Shangri-La đang diễn ra ở Singapore. Phát biểu tại diễn đàn này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc nói “Nhờ những nỗ lực chung của các nước trong khu vực, tình hình Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định, các trao đổi và hợp tác đã phát triển mạnh hơn”.

Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn vẽ sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng. Toà Trọng tại Quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường này nhưng Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của toà.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
10/06/2023 11:11

Tập đoàn nhà nước Tàu Cộng của tập đoàn đảng giặc cờ đo búa liềm Tàu Cộng, độc đảng, độc tài, tài phiệt, độc địa, độc ác, độc hại... độc quyền bá đạo, bá vương, bá quyền... bất cần, bất chấp, bất tuân Luật pháp Quốc tế... độc diễn tuyên bố...

Tao về tao tắm ao tao... dù trong, dù đục... ao nhà mày... là ao nhà tao... làm gì tao... làm gì được tao... mày là đàn em tao.
Tao về đánh cá biển tao... cá nhiều, cá ít... biển nhà mày... là biển nhà tao... làm gi tao... làm gì được tao... mày là đàn em tao.

Tao về thăm dò biển tao... biển sâu, biển cạn... biển nhà mày... là biển nhà tao... làm gì tao... làm gì được tao... mày là đàn em tao.
Tao về bịt mắt, bịt tai, bịt miệng dân tao... bắt dân tao cướp biển nhà mày... làm biển nhà tao... làm gì tao... làm gì được tao.