Việt Nam phản ứng về thư bảy Dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi công lý cho nạn nhân Formosa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào ngày 3/11 bị báo giới chất vấn về thư kêu gọi công lý cho nạn nhân thảm họa môi trường Formosa mà bảy Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ gửi cho phía Đài Loan vào cuối tuần qua.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin dẫn trả lời một cách chung chung của bà Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 3/11 ở Hà Nội về bức thư liên quan rằng: “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn coi bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu, không đánh đổi môi trường, lấy tăng trưởng kinh tế."
Bức thư đề ngày 27/10 do bảy Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ đồng ký tên gồm các ông Ro Khanna, Alan Lowenthal, Chris Smith, Luis Correa, Gerald Connolly và hai bà dân biểu Zoe Lofgren và Katie Porter.
Thư ngỏ gửi cho giới chức cấp cao Đài Loan yêu cầu chính quyền Đài Bắc quan tâm, hỗ trợ những người Việt từng là nạn nhân của thảm họa môi trường do Nhà máy Thép Hưng Nghiệp Formosa ở Vũng Áng gây nên hồi năm 2016. Nhà máy này thuộc Tập đoàn Formosa Plastics Đài Loan.
Theo nội dung thư, trách nhiệm về thảm họa được Nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng thừa nhận. Tuy nhiều từ năm 2016 đến nay, nhiều nạn nhân và gia đình chưa được bồi thường thỏa đáng.
Vào tháng 9, nhiều nạn nhân đến tòa án huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩn nộp đơn kiện; nhưng đơn của họ bị từ chối và khi đến tòa đòi hỏi quyền lợi họ lại bị bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn, thậm chí có người bị án tù nặng từ năm đến 20 năm. Hiện có hơn 20 nạn nhân đang phải thi hành những án tù đó.
Tuy nhiên, vào tháng 6/2019 gần 7.900 nạn nhân tiếp tục khởi kiện Formosa tại tòa án Đài Loan. Lúc đầu đơn của họ bị bác tại hai tòa cấp dưới ở Đài Loan. Tuy nhiên, khi đơn dược chuyển đến Tối Cao Pháp viện lại nhận được phán quyết là các nạn nhân người nước ngoài vẫn có thể kiện công ty Đài Loan.
Một khó khăn hiện các nạn nhân gặp phải là hệ thống tư pháp Đài Loan đòi họ phải có Giấy Ủy quyền để đại diện nộp cho cơ quan Đài Loan liên quan. Giấy ủy quyền này phải được phía Công an và Ngoại giao Việt Nam chứng thực.
Các vị Dân biểu bày tỏ sự tôn trọng đối với sự độc lập của tư pháp Đài Loan. Tuy nhiên, theo họ, yêu cầu vừa nêu là khó có thể đạt được tại một thể chế toàn trị bất dung tiếng nói bất đồng và hoạt động đòi hỏi quyền lợi.
Do thực tế không hợp tác từ phía các cơ quan chức năng Việt Nam, các Dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi phía tư pháp Đài Loan miễn trừ yêu cầu chứng thực vào Giấy Ủy quyền. Họ cũng kêu gọi chính phủ Đài Bắc cần thực hiện mọi biện pháp thích hợp và đúng luật để bảo đảm tòa án Đài Loan mang lại công lý cho những nạn nhân của thảm họa môi trưởng biển mà Formosa gây nên.