Liên Hiệp Quốc: Việt Nam bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, nhấn mạnh việc thực hiện UNCLOS

Tại phiên họp lần thứ 31 của các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS) hôm 23/4 ở New York, đại diện Việt Nam đã lên tiếng khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ UNCLOS, đồng thời bày tỏ quan ngại về những diễn tiến gần đây ở Biển Đông.

Theo truyền thông Nhà nước, Đại sứ thường trực Việt Nam tại UN là ông Đặng Đình Quý, trong bài phát biểu của mình tại phiên thảo luận ngày 23/6, tái khẳng định, UNCLOS là khuôn khổ toàn diện điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, góp phần vào việc bảo đảm an toàn, an ninh, tự do hàng hải, duy trì hoà bình và an ninh quốc tế và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Ông Quý cũng bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra trên Biển Đông thời gian gần đây mà ông xác định là vi phạm quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đại sứ Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không quân sự hóa hoặc tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình, gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có nội dung thực chất và có hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Mặc dù ông Quý không nêu tên cụ thể nước nào đã xâm phạm vùng biển Việt Nam, nhưng trong các tháng qua, Trung Quốc đã liên tục điều các tàu cá, tàu hải cảnh và tàu nghiên cứu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tới các thực thể ở khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với các nước.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Việt Nam đưa vấn đề căng thẳng Biển Đông ra một diễn đàn thuộc UN dù chưa bao giờ chỉ đích danh Trung Quốc. Hồi tháng 9 năm 2019, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã đưa vấn đề căng thẳng Biển Đông, cụ thể là ở Bãi Tư Chính ra Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA).