Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào ngày 25 tháng 2 bày tỏ mong muốn các nước tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình ổn định tại khu vực Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Kêu gọi lặp lại vừa nêu của bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra tại cuộc họp báo trực tuyến khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với việc chiến hạm Hoa Kỳ trong tháng 2 này đã đi qua gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông. Hoạt động này được ghi nhận là các hoạt động đầu tiên của Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại rằng Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và cũng là thành viên Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam tuân thủ các qui định của công ước này, kể cả những qui định liên quan hoạt động hàng hải, hàng không trên vùng biển được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.
Trước đó, vào ngày 17 tháng 2 vừa qua, chiến hạm USS Russell của Hoa Kỳ áp sát quần đảo Trường Sa nơi có những đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông.
Reuters loan tin cho biết khu trục hạm USS Russell thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải, gọi tắt theo tiếng Anh là FONOPS, phù hợp với luật quốc tế tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.
Vào ngày 9 tháng 2 vừa qua, hai hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng các hộ tống hạm của Hoa Kỳ cũng tiến hành tập trận chung trên Biển Đông. Hai nhóm hàng không mẫu hạm này được cho biết "đã tiến hành vô số cuộc tập trận nhằm tăng khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát".
Trước đó vào ngày 5 tháng 2, khu trục hạm USS John McCain đi vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa để khẳng định quyền tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế.