Các nhà máy ở Việt Nam gặp khó khăn vì thiếu lao động và nguồn cung

RFA
2022.04.12
Các nhà máy ở Việt Nam gặp khó khăn vì thiếu lao động và nguồn cung Hình minh hoạ: Công nhân ồ ạt bỏ TPHCM về quê sau khi lệnh phong toả được gỡ bỏ vào ngày ngày 1/10/2021
AFP

Hoạt động của nhiều nhà máy ở Việt Nam đang gặp khó khăn vì thiếu lao động và nguồn cung nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine.

Một phóng sự mới đây của Nikkei Asia cho thấy nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi tìm mua các nguyên vật liệu từ Trung Quốc vào khi quốc gia láng giềng đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 mới, một số nơi tại Trung Quốc đã phải phong toả để thực hiện chính sách Không COVID mà điển hình là Thượng Hải.

Trong khi đó, theo Nikkei, nhiều doanh nghiệp làm hàng gia công cho các hãng lớn đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh vào năm ngoái nay cũng đang đối mặt với tình trạng công nhân nhiễm COVID-19 dù các ca không còn nặng như trước kia do độ bao phủ của vắc-xin.

Bắc Giang, tỉnh có các nhà máy lớn của Foxconn và Lens Technology chuyên cung cấp cho Apple, cho biết 22.000 công nhân của họ đã phải nghỉ nhà vì nhiễm COVID-19 vào đầu tháng ba vừa qua.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2022, cả nước có hơn 16,9 triệu người mất việc, tạm dừng công việc, giảm thu nhập vì dịch COVID-19.

Hồi đầu tháng 10 vừa qua, sau khi Chính phủ Việt Nam gỡ bỏ lệnh phong toả tại nhiều thành phố, công nhân tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đã ồ ạt bỏ về quê sau nhiều tháng kiệt quệ. Dù tới nay đa phần các công nhân này đã trở lại làm việc nhưng theo điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động, Long An - tỉnh có nhiều khu công nghiệp cạnh TPHCM - vẫn cần khoảng 51.000 lao động.

Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực à thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), trong quý hai này, thành phố đông dân nhất Việt Nam cần khoảng 59.600-65.500 lao động.

Hôm 5/4, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 5,3% trong năm nay do tình hình gia tăng các ca nhiễm COVID-19 trong quý một và sự tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.