CPJ phản đối bản án đối với nhà báo công dân Đỗ Công Đương

RFA
2018.10.15
docongduong_960.jpg Ảnh chụp màn hình. Nhà báo Đỗ Công Đương
Ảnh chụp màn hình

Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả- CPJ vào ngày 15 tháng 10 ra thông cáo lên án  cơ quan chức năng Việt Nam tuyên lần thứ hai mức án 5 năm tù đối với nhà báo công dân Đỗ Công Đương. CPJ đồng thời mạnh mẽ lặp lại kêu gọi chính phủ Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với ông này.

Thông cáo của CPJ phát đi ngày 15 tháng 10 với nội dung vừa nêu và nhắc lại phiên xử diễn ra chỉ nửa ngày vào hôm 12 tháng 10 tại tỉnh Bắc Ninh. Tòa tuyên án ông Đỗ Công Đương 5 năm tù giam với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ theo điều 133, Bộ Luật Hình Sự sửa đổi năm 2015 của Việt Nam. Chưa rõ ông Đỗ Công Đương có kháng cáo bản án thứ hai này đối với bản thân ông hay chưa.

Vào tháng 9 vừa qua, ông Đỗ Công Đương bị tòa án tỉnh Bắc Ninh đưa ra xét xử trong một phiên khác với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 38 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Theo tin được CPJ dẫn lại thì ông Đỗ Công Đương bị kết án do những bài viết mang tính phê phán đăng trên tài khoản Facebook cá nhân về tệ nạn tham nhũng và các vụ tranh chấp đất đai tại Việt Nam.

Trong vụ án ‘gây rối trật tự’ đối với ông Đỗ Công Đương, bắng chứng đưa ra là việc ông này quay phim và chụp ảnh lực lượng chức năng đến cưỡng chế đất tại Từ Sơn, Bắc Ninh.

CPJ dẫn nguồn của tổ chức Dự án 88, chuyên theo dõi tình hình tù nhân chính trị tại Việt Nam, rằng ông Đỗ Công Dương trước khi bị bắt còn thực hiện những video truyền trực tiếp trên mạng xã hội Facebook qua chương trình với tên ‘Tiếng Dân TV’.

Ông Shawn Crispin, đại diện cho CPJ tại khu vực Đông Nam Á, cho rằng nhà báo công dân Đỗ Công Đương chỉ thực thi hoạt động của một nhà báo nên cần phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông này. Song song đó, ông Shawn Crispin cũng yêu cầu Việt Nam chấm dứt ngay biện pháp tùy tiện sử dụng những điều luật mơ hồ về chống nhà nước để bỏ tù các nhà báo.

CPJ cho biết có liên lạc qua điện thoại với Bộ Công An Việt Nam để hỏi về vụ việc ông Đỗ Công Đương nhưng không được.

Thống kê năm 2017 của CPJ cho thấy có ít nhất 10 nhà báo tại Việt Nam đang bị cầm tù. Tất cả đều bị vướng vào vòng lao lý với cáo buộc chống nhà nước khi thực thi công việc phóng viên của họ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.