Việt Nam đứng thứ ba về chip xuất khẩu sang Mỹ, nhưng công nghiệp chip vẫn chủ yếu là đóng gói và thử nghiệm

2023.05.09
Việt Nam đứng thứ ba về chip xuất khẩu sang Mỹ, nhưng công nghiệp chip vẫn chủ yếu là đóng gói và thử nghiệm Tấm wafer kích cỡ 12 inch được sử dụng trong vi mạch tại nhà máy TSMC ở Đài Loan (minh họa)
Reuters

Báo Nhà nước Việt Nam hôm 9/5 đồng loạt đưa tin Việt Nam đứng thứ ba về chip xuất khẩu vào Mỹ với doanh số tăng gần 75% từ năm 2022 đến 2023, chỉ sau Malaysia và Đài Loan.

Báo Nhà nước trích dẫn báo cáo lĩnh vực công nghệ ICT của Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tuần qua cho biết, Việt Nam cũng thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia.

Cụ thể, doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip Việt Nam tăng 74,9%, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2/2022 lên 562,5 triệu USD tháng 2 năm nay, chiếm 11,6% thị phần. Đây cũng là tháng thứ bảy liên tiếp chip "Made in Vietnam" đạt hơn 10% thị phần tại xứ cờ hoa.

Ngoài Việt Nam, hai thị trường khác cũng có tăng trưởng mạnh là Campuchia – tăng gần bảy lần từ 20,8 triệu đô la lên 166,3 triệu đô la; Ấn Độ tăng 34 lần lên mức hơn 152 triệu đô la vào tháng 2.

Một số tập đoàn lớn của thế giới đã đầu tư vào sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam thời gian qua bao gồm Intel, Samsung, Synopsys. IPV – nhà máy chip của Intel tại Việt Nam - đạt doanh thu xuất khẩu 11,5 tỷ USD năm 2022.

Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy việc phát triển sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam nằm trong chiến lược chuyển đổi số nền kinh tế. Một số những biện pháp hấp dẫn nhà đầu tư sản xuất chip đã được Chính phủ giới thiệu bao gồm giảm tiền thuê đất, mặt nước, đặc biệt giảm đến 50% nếu thuê đất tại các khu công nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn bị bỏ xa so với Đài Loan về đầu tư và công nghệ. Các nhà sản xuất chip ở việt Nam vẫn lệ thuộc vào vật liệu nhập khẩu từ nước ngoài, phần lớn các nhà sản xuất ở Việt Nam mới chỉ giới hạn ở đóng gói chip và thử chip.

Hồi giữa tháng 4 vừa qua, FPT công bố thiết kế và sản xuất ba dòng chip nguồn và có hợp đồng cung cấp chip đầu tiên cho đối tác với quy mô 25 triệu chip, dự kiến xuất khẩu vào năm 2024 – 2025. Trước đó, vào tháng 8/2022, Viettel đề xuất tham gia nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.