Việt Nam đề nghị tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng, thương mại quân sự với Trung Quốc

2024.10.25
Việt Nam đề nghị tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng, thương mại quân sự với Trung Quốc Đại tướng Phan Văn Giang và Thượng tướng Trương Hựu Hiệp bước vào phòng hội đàm sau Lễ đón.
Photo: RFA

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã đề nghị quân đội của Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghiệp quốc phòng và thương mại quân sự.

Báo Quân đội Nhân dân đưa tin Đại tướng Giang đưa ra đề nghị trên trong cuộc hội đàm tại Hà Nội ngày 24/10 với Thượng tướng Trương Hựu Hiệp-Phó bí thư Đảng uỷ Quân sự Trung ương Trung Quốc, người đang có chuyến viếng thăm Việt Nam vào các ngày 24-26/10.

Cụ thể, ông Giang đề nghị hai bên hợp tác toàn diện, tiếp tục duy trì tiếp xúc cấp cao thường xuyên, các cơ chế hợp tác như giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng, Hải quân, Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng/Phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp hai nước...

Bên cạnh việc thúc đẩy tăng cường hợp tác về công nghiệp quốc phòng và thương mại quân sự, ông Giang được cho là đề nghị tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi học giả, hậu cần, quân y…

Đại tướng Giang, người có hai chuyến đi Mỹ vào tháng trước, khẳng định Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Báo cũng dẫn lời Thượng tướng Trương Hựu Hiệp cho rằng quan hệ hợp tác quốc phòng song phương tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực và ngày càng phát triển vững chắc.

Cũng trong cuộc gặp này, đại tướng Phan Văn Giang đã đề cập đến căng thẳng ở Biển Đông và nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Đây là khu vực hai nước vẫn đang có tranh chấp. Vào cuối tháng 9 vừa qua, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị tàu chấp pháp của Trung Quốc tấn công và tịch thu hải sản ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp. 10 ngư dân Việt Nam đã bị thương trong vụ tấn công này. 

Một cựu sỹ quan quân đội ở Hà Nội, người muốn ẩn danh vì lý do an ninh, cho rằng đề nghị tăng cường hợp tác trong công nghiệp quốc phòng và thương mại quân sự của ông Giang “chỉ là lời nói đãi bôi thôi chứ Việt Nam sẽ không tăng cường mua sắm những vũ khí, trang thiết bị quân sự quan trọng từ Trung Quốc.”

Việt Nam là một trong 15 nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, theo số liệu của Cơ quan Thương mại Quốc tế của Mỹ (ITA). Khoảng 80% nguồn cung vũ khí của Việt Nam đến từ Nga, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Hiện Việt Nam cũng đang tìm cách đa dạng nguồn cung vũ khí để tránh lệ thuộc vào Nga vào khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang diễn ra.

Việt Nam hiện cũng đang xem xét một bộ luật về công nghiệp quốc phòng và an ninh - một khung khổ pháp lý có thể mở đường cho các công ty nước ngoài thâm nhập vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng đang phát triển nhanh chóng của quốc gia này.

Cho đến nay, chỉ có các công ty trong nước thuộc sở hữu của quân đội mới được phép đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh trị giá nhiều tỷ đô la và có tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam.

Báo Nhà nước hồi đầu năm nay dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cho biết Bộ Quốc phòng đang "chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp”.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Duy Hữu, USA
26/10/2024 07:09

Việt Cộng, Tàu Cộng, cùng chung cộng đồng, cờ đỏ, búa liềm, độc đảng, độc tài, độc quyền, độc ngu, ngu độc,
cùng chung vận mệnh, cùng chung định mệnh, cùng chung số phận, chết chùm cùng chung, vì " 4 Không, 4 Ngu ".