Bộ Công thương Việt Nam được giao nghiên cứu để phát triển điện hạt nhân
Thường trực Chính phủ Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới để đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới.
Nội dung trên nằm trong Thông báo số 412 của Văn phòng Chính phủ phát hành ngày 12/9/2024 về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 5/9 về việc tháo gỡ khó khăn cho các Dự án điện khí, điện gió ngoài khơi.
Báo điện tử Chính phủ dẫn văn bản cho hay, trong trường hợp Cục Dữ trự Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất, nền kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng trên 7% trong giai đoạn tới - theo các đánh giá và dự báo của các tổ chức nghiên cứu kinh tế thế giới.
Do đó, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng điện đạt từ 12-15%/năm, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống Nhân dân, nhất là cam kết với nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần đã cam kết là nhất định thực hiện.
Trong cuộc họp với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Chính phủ giao cho Bộ Công thương nghiên cứu phát triển điện hạt nhân góp phần bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường.
Đề xuất của Bộ Công thương sẽ được trình lên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN xem xét, quyết định nhưng không nêu rõ mốc thời gian.
Văn bản được đưa ra sau khi hãng tin Reuters dẫn ba nguồn thạo tin giấu tên cho biết công ty sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu của Ý là Enel đang chuẩn bị rút khỏi Việt Nam, đây sẽ là động thái mới nhất của một công ty phương Tây nhằm hủy bỏ các dự án điện tái tạo tại quốc gia đang phải vật lộn để thực hiện các kế hoạch phi carbon hóa của mình.
Tháng trước, hãng thông tấn có trụ sở tại Anh cũng đưa tin rằng công ty Equinor của Na Uy đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi của Việt Nam, trong khi Orsted của Đan Mạch cho biết năm ngoái họ sẽ tạm dừng kế hoạch đầu tư vào các trang trại điện gió lớn ngoài khơi tại quốc gia này.
Hồi năm 2009, Việt Nam đã có kế hoạch phát triển hai nhà máy điện hạt nhân nhưng sau đó không thực hiện sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật hồi năm 2016.
Các dự án nhà máy điện này theo dự kiến có công suất bốn gigawatts và do Rosatom của Nga và Atomic Power Co của Nhật xây ở tỉnh Ninh Thuận.