Người Việt biểu tình trước ĐSQ Trung Quốc ở Hoa Kỳ nhân dịp tưởng niệm thảm sát Gạc Ma
2023.03.21
Hơn 100 người Việt ở Hoa Kỳ và Canada đã biểu tình trước toà đại sứ Trung Quốc và Việt Nam ở Washington DC (Hoa Kỳ) vào sáng 18/3 để phản đối Bắc Kinh xâm chiếm hải đảo của Việt Nam ở Biển Đông và yêu cầu Hà Nội có những hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Cuộc biểu tình do Việt Nam Canh tân Cách mạng Đảng (tức đảng Việt Tân) tổ chức, thu hút sự tham gia của nhiều người gốc Việt đến từ nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ như California, Florida, vùng Washington DC và phụ cận, và có một nhóm đến từ Toronto (Canada) trên một xe buýt.
Sự kiện này diễn ra nhân dịp 35 năm tưởng niệm vụ thảm sát Gạc Ma, khi quân đội Trung Quốc tấn công lực lượng hải quân Việt Nam bảo vệ đảo này và giết chết 64 chiến sỹ công binh và bắt giữ nhiều người khác.
Cuộc biểu tình bắt đầu vào khoảng 10 giờ trước Toà Đại sứ Trung Quốc khi mọi người giơ các biểu ngữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phản đối việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa (1974) và một số đảo mà Việt Nam đang kiểm soát ở Trường Sa, bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông…
Ông Hoàng Tứ Duy, Tổng bí thư đảng Việt Tân, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong cuộc phỏng vấn ở hiện trường:
“Chúng ta có mặt ở trước Đại Sứ quán Trung Cộng vào dịp kỷ niệm 35 năm Trung Quốc tấn công vào các đảo Gạc Ma và một số đảo khác tại Trường Sa của Việt Nam và để đánh dấu sắp sửa 50 năm Trung Quốc tấn công Hoàng Sa thì người Việt Nam hôm nay có mặt ở Đại Sứ quán Trung Cộng để nói rằng người Việt Nam không chấp nhận hành động tấn công như vậy và chúng ta sẽ tiếp tục lên tiếng tại các diễn đàn quốc tế ở mọi nơi để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.”
Cho rằng việc Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông bằng đường lưỡi bò phi pháp không chỉ gây hại cho Việt Nam và các quốc gia ở khu vực như Philippines, Malaysia, Brunei, mà còn ảnh hưởng đến an ninh khu vực và hoà bình thế giới, ông Duy nói:
“Đây là lúc người Việt Nam chúng ta cùng các quốc gia dân chủ lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của Trung Quốc xâm lược.”
Ông Nguyễn Sỹ Tiến, một người gốc Việt từ Florida, cho biết ông cùng một nhóm bạn đi đến Washington DC bằng xe hơi riêng từ chiều 17/3 và sau gần 15 giờ đi liên tục đã có mặt ở cuộc biểu tình trước khi sự kiện này diễn ra. Ông nói với RFA:
“Không những những nước láng giềng của Trung Quốc nghĩ rằng Trung Quốc là hiểm hoạ, là mối nguy, mà cả thế giới ngày hôm nay, đặc biệt là Hoa Kỳ và Âu Châu, người ta càng ngày càng thấy rằng Trung Quốc có những hành vi quá khích rất trắng trợn như vậy thì tôi nghĩ đã đến lúc không phải chỉ Việt Nam và các nước láng giềng lên tiếng mà cả thế giới phải lên tiếng để mọi người thấy rằng Trung Quốc là mối hiểm hoạ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của tất cả các quốc gia.”
Sau khi một số diễn giả kể tội Trung Quốc trong thảm sát Gạc Ma (1988) và hải chiến Hoàng Sa (1974), đoàn biểu tình tuần hành vài vòng trên con phố nơi có Toà Đại sứ Trung Quốc.
Sau đó đoàn biểu tình di chuyển đến khu vực Toà Đại sứ Việt Nam cách đó khoảng 5 km. những người biểu tình giương cao các khẩu hiệu đòi Hà Nội phải kiện Bắc Kinh ra toà quốc tế về vấn đề Biển Đông và đòi trả tự do cho những người đang bị cầm tù vì lên tiếng bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông và phản đối Trung Quốc.
Người Việt biểu tình trước ĐSQ Việt Nam ở Washington DC trưa ngày 18/3/2023 (RFA)
Ông Hoàng Tứ Duy cho biết mục tiêu biểu tình trước cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở Hoa Kỳ:
“Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là một chính quyền hèn với giặc ác với dân. Họ rất nhu nhược trước sự xâm lược của Trung Cộng, không có những lên tiếng cụ thể và mạnh mẽ như kiện Trung Quốc ở các toà án quốc tế; đồng thời dập tắt những tiếng nói của những nhà dân chủ trong nước, những người yêu nước phải đi tù mặc dù họ chỉ lên tiếng về chủ quyền Việt Nam và bảo vệ lãnh thổ Việt Nam.”
Năm 2016, Philippines đã kiện yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc lên Toà Trọng tài quốc tế (PCA) và toà này đưa ra phán quyết yêu sách này của Bắc Kinh là vô giá trị.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần tuyên bố Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ để kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế, tuy nhiên, cho đến nay chưa có một hành động pháp lý cụ thể nào từ phía Hà Nội.
Không những thế, nhiều nhà hoạt động và người bất đồng chính kiến phản đối việc Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam bị bỏ tù, như các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Đình Lượng, Trịnh Bá Phương…
Trong các năm trước, nhà nước Việt Nam hoàn toàn im lặng về thảm sát Gạc Ma và hải chiến Hoàng Sa, thậm chí còn đàn áp giới bất đồng chính kiến khi họ tổ chức tưởng niệm các chiến sỹ hải quân bị quân Trung Quốc sát hại khi họ đang bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông.
Năm nay, tuy báo chí nhà nước có nói nhiều về sự kiện Gạc Ma và tổ chức lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma ở một số nơi, nhưng nhà cầm quyền ở một số địa phương như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn không cho người hoạt động và giới bất đồng chính kiến có các hoạt động tưởng niệm.
Ông Hoàng Tứ Duy nói:
“Nếu Nhà nước Việt Nam muốn thực sự đòi lại chủ quyền ở Biển Đông thì phải tôn trọng chính người Việt Nam, phải ghi nhận sự hy sinh của người Việt Nam và phải có biện pháp ở các diễn đàn quốc tế để khẳng định chủ quyền Việt Nam. Một cách cụ thể là phải kiện Trung Quốc tại toà án quốc tế.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Nhà nước cộng sản Việt Nam đến ngày hôm nay vẫn chưa kiện Trung Quốc tại toà án quốc tế.”
Ông Tiến cho biết:
“Với tôi, một người tị nạn cộng sản Việt Nam và tôi nghĩ rằng mình có trách nhiệm và bổn phận để lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Chúng tôi hy vọng đồng bào trong nước và dư luận thế giới biết rằng việc lên tiếng không chỉ phải của người dân mà việc lên tiếng cũng phải là trách nhiệm của nhà cầm quyền, những người đang chịu trách nhiệm trước lịch sử. Họ phải lên tiếng để khẳng định chủ quyền của Việt Nam mạnh mẽ hơn.”
Theo Việt Tân, cuộc biểu tình của người gốc Việt ở thủ đô của Hoa Kỳ vào thứ bảy vừa qua là một phần của chiến dịch biểu tình do đảng này khởi xướng trong tháng ba. Trước đó, vào ngày 11/3, nhiều người gốc Việt từ các quốc gia như Pháp, Bỉ, Đức, Đan Mạch và Na Uy… đã biểu tình ở thành phố Den Haag (The Hague) ở Hà Lan.
Nhiều người gốc Việt cũng tuần hành trước cơ quan ngoại giao của Trung Quốc ở Sydney và Tokyo trong dịp cuối tuần vừa qua.
Giữa tháng ba, 136 tổ chức và nhóm hội người Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới đã ký một thư ngỏ kêu gọi mọi người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước phản đối các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thư cũng kêu gọi mọi người cùng hành động để yêu cầu Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho những người Việt Nam yêu nước đang bị giam cầm vì chống Trung Quốc cũng như chấm dứt chính sách ngăn chặn các sinh hoạt quần chúng nhằm phản đối hành vi xâm lược của Bắc Kinh hay vinh danh sự hy sinh của các binh sĩ trong khi bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Hoàng Sa, Trường Sa, và biên giới phía Bắc.
Các tổ chức trên cũng lên tiếng đòi Nhà nước Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa.