Cuộc thảm sát Gạc Ma 34 năm trước trên truyền thông Nhà nước
2022.03.14
Cuộc thảm sát Gạc Ma giết 64 lính công binh Việt Nam vào ngày 14/3/1988 được truyền thông Nhà nước Việt Nam nhắc lại nhân kỷ niệm 34 năm cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhật báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, có bài viết ‘Vinh quang đời đời những người giữ biển’. Nội dung nhắc lại cuộc chiến đấu diễn ra ngày 14/3/1988 với mục đích được cho biết nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa tại Biển Đông.
64 người tham gia cuộc chiến bị giết chết là những cán bộ, chiến sĩ hải quân các tàu vận tải và công binh Việt Nam đang tham gia xây dựng đảo. Phương tiện và vũ khí của lực lượng đó được cho biết còn hạn chế, chỉ có súng bộ binh và các dụng cụ như cuốc, xẻng…
Cuộc chiến đấu được mô tả chi tiết như sau: Vào 16 giờ ngày 13/3/1988, tàu HQ 604, HQ 505 cơ động đến thả neo tại vị trí quy định ở hai bãi đá Cô Lin và Gạc Ma. Đến sáng sớm ngày 14/3, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Công binh 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83) trên tàu HQ 604 bắt đầu chuyển vật tư lên bãi đá Gạc Ma để xây dựng công trình bảo vệ đảo. Lúc đó, ba chiến hạm Trung Quốc tiến đến uy hiếp tàu HQ 604 bằng cách chĩa pháo vào và phát loa yêu cầu phía Việt Nam phải ra khỏi khu vực Gạc Ma.
Đến 6 giờ ngày 14/3, phía Trung Quốc cho ba xuồng nhôm chở 40 lính cùng vũ khí, trang bị đổ bộ lên bãi đá Gạc Ma. Tiếp đến chiến hạm Trung Quốc nã pháo vào tàu HQ 604 và những cán bộ, chiến sĩ Việt Nam trên đảo. Tàu HQ 604 bị trúng đạn rồi bị cháy và chìm xuống biển.
Tại bãi đá Cô Lin, tàu HQ 505 cũng bị phía Trung Quốc bắn và phải lao lên bãi đá này.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam cũng loan tin về hoạt động tưởng nhiệm nhân dịp 34 năm cuộc thảm sát xảy ra tại Gạc Ma. Cụ thể, vào chiều ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đến khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại tỉnh Khánh Hòa dâng hương tưởng niệm những người lính bỏ mình trong vụ Trung Quốc tiến chiếm nhóm đảo Gạc Ma- Cô Lin- Len đạo thuộc Trường Sa hồi năm 1988.
Báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng có bài viết có tựa "34 năm sự kiện Gạc Ma: Giữ vĩnh cửu ngọn lửa yêu nước". Tuy nhiên, một số người đọc tại Việt Nam phát hiện trang điện tử của báo đã không gọi tên Trung Quốc là nước gây chiến mà gọi "nước ngoài". Sau đó báo này đã sửa chữ "nước ngoài" thành Trung Quốc, tuy nhiên bản in của báo vẫn còn chữ "nước ngoài" thay cho chữ Trung Quốc.
Trong ngày 14/3 nhiều đoàn cựu chiến binh, viên chức cũng được tiến hành các hoạt động tưởng niệm vụ thảm sát Gạc Ma cách đây 34 năm.