Thời tiết Việt Nam diễn biến phức tạp từ giờ đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021

RFA
2020.09.25
000_Hkg5457726 Những ngôi nhà bị ngập lụt ở phía nam đồng bằng sông Cửu Long thuộc tỉnh Long An Bức vào ngày 12 tháng 10 năm 2011.
AFP

Thời tiết tại các khu vực ở Việt Nam sẽ có diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời Tiến sĩ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, loan tin ngày 25/9.

Theo lời ông Mai Văn Khiêm, trạng thái La Nina có xác suất 65-70% sẽ tác động đến thời tiết tại Việt Nam với những đặc trưng như không khí lạnh có xu hướng hoạt động sớm; bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ảnh hưởng đến đất liền nhiều hơn so với bình thường. Mùa bão thường kéo dài về những tháng cuối năm. Mưa có xu hướng gia tăng hơn ở miền Trung và Nam bộ. Đáng lưu ý là do tác động của La Nina, khu vực Tây Nguyên và Nam bộ sẽ xuất hiện mưa trái mùa nhiều hơn vào mùa khô tới.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi 4-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới từ khu vực Biển Đông từ nay đến hết năm 2020, chủ yếu tập trung nhiều ở miền Trung và miền Nam.

Trong tháng đầu năm 2021, khu vực Nam Trung bộ và Nam bộ vẫn có khả năng bị ảnh hưởng bởi xoáy thuận nhiệt đới ở Nam Biển Đông.

Cũng trong ngày 25/9, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Bắc Bộ Bùi Đình Lập thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ từ ngày 26-28/9 có khả năng gây ra lũ tại các các sông, suối. Từ đó có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt vùng trũng tại miền núi Bắc Bộ.

Do đó, người dân cần cảnh giác trước và sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết do mùa mưa năm 2020 trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện muộn cùng với lượng mưa thiếu hụt mạnh nên khu vực này có nguy cơ bị thiếu khoảng 130 tỷ m3 nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.