Việt Nam trao công hàm yêu cầu Indonesia thả 12 ngư dân đang bị bắt giữ

RFA
2019.05.02
000_1G09OG_960.jpg Ảnh chụp màn hình đoạn video do Indonesia cung cấp cho thấy tàu kiểm ngư Việt Nam đụng tàu Hải quân Indonesia hôm 27/4/2019
AFP

Việt Nam vừa trao công hàm cho Indonesia bày tỏ quan ngại việc Hải quân nước này liên tục khống chế, lai dắt tàu cá, và bắt giữ ngư dân trong vùng biển Việt Nam thời gian gần đây.

Đây là nội dung trong bản tin được đăng trên Cổng thông tin Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao vào ngày 1/5, sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam mời Đại sứ quán Indonesia đến làm việc và trao công hàm trong cùng ngày.

Đây là công hàm thứ hai Việt Nam gửi cho Đại sứ quán Indonesia. Trước đó, Việt Nam đã gửi công hàm yêu cầu Indonesia điều tra làm rõ vụ việc Hải quân nước này bắt giữ 12 ngư dân Việt, tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam, và lai kéo tàu cá Việt trong lãnh hải Việt Nam vào ngày 27/4. Đồng thời yêu cầu Indonesia thả ngay 12 ngư dân này và đền bù thỏa đáng cho họ.

Vào ngày 30/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng yêu cầu Indonesia thả 12 ngư dân Việt bị Indonesia bắt khi đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam, thuộc khu vực Việt Nam và Indonesia đang phân định vùng đặc quyền kinh tế, đã bị tàu của Indonesia bắt và lai kéo với tốc độ cao khiến tàu cá Việt Nam bị chìm. Tàu kiểm ngư của Việt Nam khi đó đang thực thi pháp luật tại khu vực đã phát hiện kịp thời và cứu được hai ngư dân trên biển, đồng thời yêu cầu tàu của Indonesia rời khỏi vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên vào ngày 28/4 thì phía Hải quân Indonesia đã công bố một đoạn video cho thấy một tàu kiểm ngư của Việt Nam đã đâm vào tàu của Indonesia. Theo đó, Indonesia cho biết 2 tàu kiểm ngư của Việt Nam đã đụng tàu Hải quân Indonesia để giải cứu cho các ngư dân đang đánh cá trộm trong vùng nước của Indonesia.

Hiện Việt Nam và Indonesia vẫn đang đàm phán phân định vùng chồng lấn trên biển gần Natuna của Indonesia và đảo Hòn Cau của Việt Nam.

Trong thời gian qua, Indonesia đã gia tăng việc bắt giữ các ngư dân nước ngoài đánh bắt cá tại gần khu vực Natuna mà Indonesia đổi tên thành biển Bắc Natuna để khẳng định chủ quyền.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.