Việt Nam sắp ban hành bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

RFA
2021.11.19
Việt Nam sắp ban hành bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội ngày 21 tháng 9 năm 2021.
AFP PHOTO

Việt Nam sắp ban hành Dự thảo bộ quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet. Truyền thông nhà nước loan tin vừa nói hôm 18/11 và cho biết dự thảo này quy định trách nhiệm của năm nhóm cần tuân thủ.

Trong bộ quy tắc, trẻ em là nhóm đầu tiên cần được bảo vệ trước các nguy cơ: bị xâm hại, nghiện game và máy tính… Nhóm này phải cẩn thận khi tham gia các hoạt động trên internet, không cung cấp thông tin cá nhân, không truy cập vào các đường dẫn, nội dung có nguồn gốc không rõ ràng, do người lạ gửi... không tham gia các hoạt động kéo bè, công kích, mạo danh, bắt nạt, hạ nhục bạn bè...

Nhóm thứ hai là cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, cần tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ trên không gian mạng; đồng thời hướng dẫn kỹ năng cần thiết cho trẻ em lên mạng an toàn.

Nhóm ba là người trưởng thành dùng mạng, không chia sẻ các thông tin không lành mạnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em như bạo lực, khiêu dâm, tệ nạn...

Nhóm thứ tư trong dự thảo là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên không gian mạng... cần xây dựng các nội dung truyền thông phù hợp, lành mạnh với trẻ em.

Nhóm đối tượng cuối cùng là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và nền tảng internet, phải tuyên truyền các tiêu chuẩn cộng đồng, đạo đức về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn các nội dung, hành vi xâm hại trẻ em khi người dùng phản ánh, kiểm soát độ tuổi và tần suất sử dụng các sản phẩm trên internet của trẻ em...

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.