Bộ Giáo dục- Đào tạo Việt Nam rút lại đề nghị tăng học phí
2020.11.13
Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa xin ý kiến Chính phủ về đề xuất giữ nguyên mức học phí hiện hành cho tất cả cấp học trong năm học 2020-2021.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 13/11, dẫn lời của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết như vừa nêu.
Một ngày trước, báo chí Nhà nước Việt Nam cũng loan tin Bộ GD-ĐT đưa ra đề xuất tăng học phí từ bậc mầm non cho đến bậc đại học, ở mức từ 7,5% lên đến 12,5%, bắt đầu từ năm học tới.
Tuy nhiên, đề xuất tăng học phí của Bộ GD-ĐT vấp phải sự phản đối của dư luận xã hội, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và lũ lụt nghiêm trọng ở khu vực miền Trung.
Lý giải về quyết định thay đổi nhanh chóng liên quan việc giữ nguyên học phí trong năm học 2020-2021, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói với báo giới rằng do Nghị định số 86 chỉ có thời hạn hiệu lực đến hết năm học 2020 - 2021, nên để có căn cứ pháp lý cho các cơ sở GD-ĐT thực hiện từ năm học 2021-2022 và các năm tiếp theo thì cần phải xây dựng nghị định thay thế.
Ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết thêm rằng trước sự phản ánh của dư luận, Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản báo cáo đến Chính phủ về đề xuất giữ nguyên mức học phí trong năm học 2021-2022. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng xin phép được lùi thời gian trình ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 86 sang năm 2021, thay vì theo đúng thời hạn vào tháng 12/2020. Việc đề nghị lùi thời hạn nhằm mục đích có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết thêm rằng nếu đề xuất của Bộ GD-ĐT về việc lùi thời gian trình ban hành nghị định mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì đến năm học 2022-2023 mới áp dụng tăng học phí và lộ trình tăng thêm hàng năm chỉ khoảng 2,5%/năm so với mức tăng hàng năm của Nghị định số 86 đã ban hành.
Dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định số 86 được cho biết hiện tại được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xin ý kiến nhân dân.