TBT Tô Lâm cảm ơn Mỹ đã giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi, khẳng định luôn là đối tác tốt

2024.09.23
TBT Tô Lâm cảm ơn Mỹ đã giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi, khẳng định luôn là đối tác tốt Chủ tịch tô Lâm phát biểu tại Thượng đỉnh Tương Lai tại Đại hội đồng LHQ ở New York hôm 22/9/2024
ANGELA WEISS / AFP

Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm hôm 22/9 đã bày tỏ lòng cảm ơn đến tới chính phủ và nhân dân Mỹ vì đã giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi vừa qua, đồng thời bày tỏ mong muốn hai nước luôn là đối tác tốt của nhau.

Ông Tô Lâm phát biểu điều này tại Lễ kỷ niệm một năm Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và hướng tới kỷ niệm 30 năm Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được tổ chức ở New York vào tối ngày 22/9 (giờ địa phương).

Ngay sau khi bão Yagi (cơn bão số ba) tràn qua các tỉnh miền Bắc Việt Nam vào ngày 7/9 gây mưa lũ và sạt lở khiến hàng trăm người chết và mất tích, chính phủ Mỹ đã viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam một triệu đô la để khắc phục hậu quả của bão.

Truyền thông Nhà nước hôm 23/9 đăng bài phát biểu của ông Tô Lâm, theo đó, người đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề cao quan hệ Việt - Mỹ có từ 80 năm qua ngay từ dưới thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Tô Lâm nói:

"Gần 80 năm trước, Việt Nam độc lập đồng minh hội, theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chủ động tìm cách hỗ trợ các phi công Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ II.

Trong Cách mạng Tháng 8, những người bạn Mỹ là lực lượng nước ngoài duy nhất bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được mời tham dự Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 và chứng kiến Hồ Chủ tịch trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Hôm đó, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu "Hoan nghênh phái đoàn Mỹ".

Ông Tô Lâm cũng nói đến việc ông Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư đến các lãnh đạo Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ cho cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, do những điều kiện, hoàn cảnh của lịch sử, mong muốn ấy đã phải trải qua nhiều thử thách: 20 năm chiến tranh và 20 năm tiếp theo quan hệ bị đóng băng.

"Để rồi bằng những nỗ lực không mệt mỏi của các nhà Lãnh đạo hai nước qua các thời kỳ, với vai trò quan trọng của những nhân vật lịch sử, "những người phá băng" của cả Việt Nam và Mỹ (như người bạn John Kerry của chúng tôi cũng đang có mặt tại đây), ngày 11/7/1995, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt và Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã công bố việc hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao", ông Tô Lâm nhắc lại.

Ông Tô Lâm, người kế nhiệm TBT Nguyễn Phú Trọng qua đời cách đây hơn hai tháng, đề nghị năm điều cả hai phía cần thực hiện để tiếp tục triển khai hiệu quả khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện mà hai nước vừa đạt được vào tháng 9 năm ngoái nhân chuyến thăm đến Hà Nội của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Người từng giữ chức Bộ trưởng Công an trong tám năm, sau đó trở thành Chủ tịch nước và TBT đề nghị cần duy trì nhịp độ phù hợp và triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã có về hợp tác quốc phòng - an ninh, trong đó ưu tiên cao trong việc tập trung tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật, tìm kiếm, quy tập và định danh hài cốt liệt sĩ Việt Nam và nước này sẽ tiếp tục hợp tác đầy đủ với Mỹ trong việc tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Ông Tô Lâm cũng nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ vào năm 2015: "Chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tầm nhìn tươi sáng cho quan hệ hai nước trong tương lai, để hai dân tộc chúng ta, con cháu chúng ta luôn là bạn và đối tác tốt của nhau".

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Nguyễn Trí Tín
23/09/2024 18:47

Ông Tô Lâm có bài phát biểu và trả lời các câu hỏi của sinh viên tại trường đại học Columbia, NY, Mỹ. Tôi không thấy có gì mới trong quan điểm của lãnh đạo cao nhất của VN, phát biểu của ông Lâm bằng tiếng Việt, nhưng khi phát sóng thì hoàn toàn bằng tiếng Anh, trong đó nêu nhiều quan điểm của VN đối với quốc tế, nhưng không một từ nào đề cập đến nhân quyền, điều đó làm cho giới học giả quốc tế khó có thể kiểm chứng được lời nói bằng tiếng Việt có được dịch đúng sang tiếng Anh hay không, hay đó chỉ là phần được chuẩn bị sẵn bằng tiếng Anh; điều thứ hai là giới chính trị trong đảng csvn trong nước không thể biết được ông Lâm nói cái gì để có thể theo dõi hoặc phê phán. Còn về các câu hỏi của sinh viên, thì 4 trong số 7 câu hỏi là của sinh viên VN vừa sang Mỹ du học, họ nhìn vào màn hình điện thoại để hỏi và ông Lâm nhìn vào sổ để trả lời, chứng tỏ 4 câu hỏi của sinh viên VN là dạng được chuẩn bị sẵn để chiếm hết thời gian của buổi toạ đàm, một chiêu trò quen thuộc của đảng csvn. Nhìn chung, toàn bộ cuộc trình diễn này không có gì mới, lãnh đạo VN vẫn thiếu tự tin khi ra quốc tế, phải "quay cóp" bài chuẩn bị sẵn. Người Việt trong nước cũng đừng trông mong gì về tương lai tươi sáng như những lời hứa hão huyền của lãnh đạo đảng và nhà nước VN đương đại!

Duy Hữu, USA
24/09/2024 06:50

Gần mực Tàu thì đen, độc đảng, độc tài, độc quyền đàn áp nhân quyền, quyền dân, độc địa, độc ác, độc ngu, độc làm tôi giặc Tàu.
Gần đèn Mỹ thì sáng, đa đảng, đa tài, đa quyền, tôn trọng nhân quyền, quyền dân, đa chiều phát triển đất nước, chống lại giặc Tàu.

Đảng độc, độc đảng, độc quyền, độc tài... độc có tài, nói càng hay, làm càng láo... độc có tài, làm càng láo, nói láo càng hay...
hay như " cụ Hồ " tha hồ nói càng hay, làm càng láo, càng láo, càng hay, càng hay, càng láo, láo như đảng " cụ Hồ " vĩ đại, đại ngu.