Việt Nam: Phải xin phép trước khi sử dụng flycam
2020.01.02
Nhiều flycam quay cảnh pháo hoa ở Sài Gòn đêm giao thừa Tết dương lịch 2020 đã bị dân quân tự vệ bắn súng điện từ khiến flycam giảm tín hiệu rơi xuống đất hoặc thu hẹp tầm nhìn của flycam.
Báo mạng Zing loan tin ngày 1/1/2020, cho biết thêm những thiết bị bắn flycam này được gọi là CA-18, do nhóm nghiên cứu của bộ môn tác chiến điện tử Học viện Kỹ thuật Quân sự Việt Nam nghiên cứu và chế tạo.
Sang ngày 2/1, báo mạng Zing tiếp tục đăng bài cho biết pháp luật Việt Nam có quy định tất cả những chuyến bay ghi hình bằng flycam đều phải xin phép trước khi bay 7 ngày.
Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu sẽ phê duyệt những hồ sơ đề nghị cấp phép bay này.
Theo đó, hồ sơ gồm tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, đồng thời phải có thêm thông tin về đặc điểm nhận dạng flycam như hình ảnh, đặc tính kỹ thuật, khu vực tổ chức bay, hướng bay, vệt bay, mục đích, thời hạn bay…
Flycam chỉ được bay trong khu vực, thời gian và mục đích đăng ký. Ngoài ra những nơi như khu vực quân sự, sân bay, ga tàu, cảng biển, công trình thủy lợi, cơ quan chính phủ, việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật, nhà máy điện, nhà máy điện hạt nhân, nhà máy nước, trạm phát điện đều trong danh sách cấm sử dụng flycam.
Bên cạnh đó cũng cấm người điều khiển flycam cho thiết bị bay ở nơi đông đúc vì có thể gây thiệt hại người và của nếu flycam rơi.
Ngoài ra, khi quay hình ở các cơ quan, xí nghiệp, công ty, người điều khiển flycam ngoài giấy phép Cục Tác chiến còn phải xin phép những nơi này.
Luật pháp Việt Nam cũng đề ra nếu vi phạm quy định sử dụng flycam ở Việt Nam sẽ bị phạt đến 60 triệu đồng đối với cá nhân, và từ 80-100 triệu đối với tổ chức, thậm chí có thể tịch thu flycam.
Trong vụ người dân Hà Tĩnh tập trung biểu tình trước nhà máy Formosa phản đối việc xả thải chưa qua xử lý ra môi trường khiến cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung Việt Nam vào giữa năm 2016, tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, một phóng viên của Đài RFA là người đầu tiên cho phát hình trực tiếp các cuộc biểu tình này bằng flycam.