Việt Nam chuẩn bị phòng ngừa và khắc phục thiên tai diễn biến phức tạp

RFA
2020.07.13
1808dbef-5fe4-4651-bac3-7befa93b0487 Lũ quét và sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Ảnh chụp ngày 25/6/2018 tại Hà Giang.
AFP

Từ tháng 9 năm 2020, mưa bão ở khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam có khả năng gia tăng hơn, với lượng mưa trong tháng 9 cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%. Đồng thời, có nguy cơ rất lớn xuất hiện mưa, lũ lớn ở khu vực này tương tự như đang xảy ra tại Trung Quốc.

Thông tin dự báo vừa nêu được đại diện của Tổng cục Phòng chống thiên tai và Viện Vật lý Địa cầu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nêu lên tại Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020, diễn ra vào hôm 13/7 ở thành phố Lào Cai.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết trung bình hàng năm thiên tai làm 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế chiếm từ 1-1,5% GDP của Việt Nam.

Riêng tại khu vực miền núi phía Bắc trong 2 thập niên qua đã xảy ra gần 600 trận lũ quét, và hơn 90 đợt rét đậm, rét hại. Hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, rét hại và băng giá là loại hình thiên tai lớn nhất thường xuyên xảy ra tại khu vực miền núi phía Bắc. Trong 6 tháng đầu năm 2020, khu vực này đã xảy ra gần 100 trận giông, lốc, mưa đá…gây thiệt hại ước tính 610 tỷ đồng. Số liệu này được ghi nhận là gấp đôi bình quân hàng năm.

Tổng cục Phòng chống thiên tai và Viện Vật lý Địa cầu đưa ra dự báo khu vực miền núi phía bắc có thể bị mưa, lũ lớn như đang xảy ra ở Trung Quốc và mùa đông có thể đến sớm và rét hơn so với trung bình nhiều năm.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp rà soát kịch bản, phương án ứng phó, sẵn sàng hành động khi có sự cố, chủ động tăng cường năng lực dự báo, ứng phó, khắc phục và tái sản xuất theo phương châm bốn tại chỗ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn lưu ý tình trạng công tác quản lý, vận hành hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ còn nhiều bất cập, nguy cơ làm gia tăng rủi ro khi có mưa lũ lớn. Do đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp cần chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện; lắp đặt thiết bị theo dõi mưa, dòng chảy, thiết bị cảnh báo xả lũ; giám sát thực hiện quy trình và xử lý nghiêm các chủ hồ không tuân thủ; không cho phép tích nước đối với các hồ đang thi công hoặc không đảm bảo an toàn.

Ông Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường còn yêu cầu sự hợp tác của các bộ, ngành liên quan để chủ động phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời và hiệu quả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.