Việt Nam lên tiếng trước đe dọa của Trung Quốc

RFA
2020.04.23
000_Hkg7604087.jpg Ảnh chụp từ trên cao của thành phố Tam Sa trên một hòn đảo trong chuỗi Hoàng Sa đang tranh chấp, mà Trung Quốc hiện đang coi là một phần của tỉnh Hải Nam. Ảnh chụp ngày 27 tháng 7 năm 2012.
AFP

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 23 tháng 4, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho biết Việt Nam gửi công hàm tại Liên Hợp Quốc thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

Báo trong nước trích lời ông Ngô Toàn Thắng rằng, "Trước việc Trung Quốc lưu hành một số công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không phù hợp với luật pháp quốc tế; cùng các yêu sách biển ở Biển Đông, trái với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 (UNLCOS), Việt Nam đã lưu hành công hàm tại Liên Hợp Quốc để bác bỏ các yêu sách này, như đã được nêu trong nhiều văn bản của Liên Hợp Quốc và các cơ quan quốc tế liên quan".

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng nhắc lại việc Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với quy định và luật pháp quốc tế. Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác, kể cả các biện pháp quy định tại UNCLOS.

Trước đó, tại buổi họp báo ngày 20 tháng 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng thể hiện sự đe doạ khi tuyên bố “Trung Quốc sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, các quyền và lợi ích của mình ở Trung Hoa Nam Hải (tức Biển Đông).”

Hôm 19 tháng 4, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay Bắc Kinh đã công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo và bãi đá ở khu vực Biển Đông, một hành động mà nước này gọi là để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển đang tranh chấp.

Trước đó ,vào ngày 18 tháng 4, Bắc Kinh cũng tuyên bố thành lập hai quận đảo Tây Sa và Nam Sa để quản lý hai quần đảo đang tranh chấp với các nước là Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.