Việt Nam tạm ngưng sử dụng vắc-xin tả lợn (heo) Châu Phi

2022.08.24
Việt Nam tạm ngưng sử dụng vắc-xin tả lợn (heo) Châu Phi Vắc-xin phòng tả lợn Châu Phi do Việt Nam sản xuất
AFP

Việt Nam cho tạm dừng sử dụng vắc-xin dịch tả lợn (heo) Châu Phi sản xuất trong nước. Biện pháp được công bố sau khi  xảy ra tình trạng lợn chết sau khi được tiêm loại vắc-xin này trước đó.

Truyền thông Nhà nước loan tin ngày 24/8 cho biết lợn chết nằm trong số 600 con tại một vài nơi ở Phú Yên sau khi tiêm vắc-xin NAVET-ASFVAC. Tình trạng lợn chết được cho biết xảy ra trong tháng tám này. Hơn 100 con lợn sau khi được tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn Châu Phi từ năm đến bảy ngày đã bỏ ăn, sốt cao, đi ngoài ra máu rồi chết.

Một quan chức ẩn danh của Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn Việt Nam cho Reuters biết cơ quan này đã thành lập đoàn làm việc đi vào Phú yên để điều tra vụ việc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lâm - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho mạng báo Tuổi Trẻ biết, bắt đầu từ ngày 7/8 tiến hành tiêm chủng loại vắc xin phòng dịch tả lợn Châu Phi do Công ty Cổ phần Thuốc Thú y Trung ương NAVETCO sản xuất và được Bộ NN-PTNT Việt Nam công bố, cấp phép lưu hành từ cuối tháng 5 đầu tháng 6/2022.

Vào tháng 11/2019, Việt Nam cử một đoàn quan chức Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNT sang Hoa Kỳ gặp các chuyên gia Mỹ bàn việc phối hợp,  nghiên cứu vắc-xin dịch tả lợn Châu Phi.

Sau đó, vào tháng 9/2020, Việt Nam tiếp nhận chủng ASFV-G -Delta-I177L từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Tại Việt Nam, Công ty Navetco triển khai nghiên cứu.

Vào đầu tháng sáu vừa qua, Bộ NN-PTNT Việt Nam thông báo sản xuất thành công vắc-xin phòng dịch tả lợn Châu Phi. Ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú Y, nói: “Việt Nam đã chính thức sản xuất được vắc xin thương mại phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực, độ dài miễn dịch kéo dài 6 tháng, góp phần bảo vệ an toàn cho chăn nuôi, sản xuất heo thịt.”

Truyền thông Việt Nam vào đầu tháng sáu cũng loan tin ngày 17-5, Viện nghiên cứu nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vắc xin NAVET-ASFVAC đảm bảo an toàn, hiệu lực.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.