Doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ lỗ ít nhất 15% nếu duy trì đơn giá thấp để cạnh tranh với Bangladesh.
Đó là nhận xét của đại diện Ban lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với truyền thông trong ngày 1/6.
Đại diện Vinatex cho rằng suy giảm dệt may của Việt Nam cao nhất do đồng tiền Việt Nam đắt hơn 20% so với các quốc gia cạnh tranh, đồng thời lãi suất ở Việt Nam neo ở mức cao (9 – 11% trong 4 tháng đầu năm, trong khi các quốc gia khác duy trì ở mức 3,5 – 7%). Cùng với đó, giá điện của Việt Nam đã tăng 3% kể từ ngày 4/5/2023 cũng đã kéo theo nhiều áp lực đối với các doanh nghiệp dệt may.
Do đó, theo ông Lê Tiến Trường-Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, với những điều kiện trên nếu như các doanh nghiệp VN duy trì đơn giá thấp để cạnh tranh với Bangladesh thì sẽ lỗ ít nhất 15%. Bài toán này đặt ra nhiều thách thức, bởi các doanh nghiệp dệt may trong nước đang mất đi rất nhiều lợi thế trước các đối thủ để có thể duy trì khách hàng, đơn hàng.
Ngoài ra, cũng theo ông Trường, ngành dệt may VN còn đứng trước thách thức lớn khi Trung Quốc mở cửa, chính phủ nước này đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành dệt may trong nước để tăng nguồn cung, khiến doanh nghiệp VN khó có thể cạnh tranh.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu dệt may VN trong năm tháng qua đạt 12,32 tỷ USD, giảm 17,8%, xơ sợi 1,73 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm ngoái, xuất khẩu dệt may VN đạt 36,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2021, xơ sợi đạt 4,7 tỷ USD, giảm 16%, còn lại là nguyên phụ liệu. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt khoảng 44 tỷ USD.