Liên Hiệp Quốc: nhà hoạt động Đỗ Nam Trung bị bắt giữ tùy tiện
Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện của Liên Hiệp quốc (WGAD) nói Nhà nước Việt Nam không đưa ra lý do thuyết phục trong việc bắt giữ và kết án nhà hoạt động Đỗ Nam Trung. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói Hà Nội đang coi thường các nguyên tắc về nhân quyền khi trấn áp giới bất đồng chính kiến.
Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ (UNOHCHR) vào ngày 9/3 công bố ý kiến kết luận của WGAD về việc bắt giữ và kết án nhà hoạt động Đỗ Nam Trung. Ông Đỗ Nam Trung bị bắt ngày 06/7/2021 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 và sau đó bị kết án 10 năm tù giam.
Theo kết luận đưa ra sau kỳ họp thứ 95 vào giữa tháng 11 năm ngoái, WGAD nói việc bắt giữ và kết án ông Đỗ Nam Trung là tuỳ tiện, vi phạm nhiều quyền cơ bản của con người quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát mà Việt Nam là thành viên.
Đồng thời, WGAD cũng yêu cầu Hà Nội thực hiện các bước cần thiết để khắc phục tình trạng của ông Trung cho phù hợp với các quy định quốc tế liên quan, bao gồm trả tự do cho ông ngay lập tức và bồi thường thoả đáng cho ông.
Bình luận về kết luận của WGAD về trường hợp nhà hoạt động Đỗ Nam Trung, ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua email ngày 03/5:
"Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã làm một công việc xuất sắc khi bác bỏ những lý do yếu ớt của Chính phủ Việt Nam trong việc giam giữ ông Đỗ Nam Trung, và đưa ra lý do rõ ràng về lý do tại sao Hà Nội nên trả tự do ngay lập tức cho ông.
Một lần nữa, khoảng cách lớn giữa các yêu cầu của điều ước quốc tế về nhân quyền và luật của Việt Nam được phơi bày đầy đủ.”
Vị chuyên gia quốc tế về tình trạng nhân quyền Việt Nam cho rằng Hà Nội “hiện đang thực thi một cuộc đàn áp rộng rãi đối với các nhà hoạt động chính trị và hoàn toàn coi thường mọi nguyên tắc nhân quyền.”
Đỗ Nam Trung là nạn nhân của chiến dịch triệt hạ phong trào bất đồng chính kiến này, ông nói.
Gần một năm sau khi ông Đỗ Nam Trung bị bắt và nửa năm sau khi ông bị kết án, vào giữa tháng 6 năm 2022, WGAD gửi văn bản chất vấn nhà nước Việt Nam về trường hợp của ông. Mãi đến tận đầu tháng 10/2022, Chính phủ Việt Nam mới giải trình với cơ quan này về việc bắt giữ và kết án ông.
Trong văn bản kết luận về trường hợp ông Đỗ Nam Trung, WGAD cho rằng phía Việt Nam không đưa ra bất kỳ cơ sở pháp lý nào để biện minh cho việc bắt giữ và kết án Đỗ Nam Trung, ông bị bắt chỉ vì thực hiện các quyền tự do ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, ông không xét xử công bằng theo quy định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và trong các văn kiện quốc tế có liên quan, và ông bị bỏ tù chỉ vì quan điểm chính trị.
Cũng trong văn bản này, WGAD nói trường hợp của Đỗ Nam Trung là một trong rất nhiều vụ ở Việt Nam mà cơ quan này đưa ra trong những năm gần đây liên quan đến việc tước đoạt tùy tiện quyền tự do của con người, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền.
Nhiều trường hợp trong số này tuân theo mô hình trấn áp quen thuộc: bắt giữ không tuân thủ các quy tắc quốc tế, giam giữ kéo dài mà không có trợ giúp pháp lý, truy tố theo các tội hình sự mơ hồ chỉ vì thực hiện nhân quyền một cách ôn hòa, từ chối tiếp cận với thế giới bên ngoài và điều trị y tế, WGAD nói.
WGAD lo ngại rằng việc giam giữ tuỳ tiện này mang tính hệ thống ở Việt Nam, và nếu tiếp tục, có thể dẫn đến vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.
Cơ chế nhân quyền LHQ này nhắc lại rằng họ mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề giam giữ tùy tiện và sớm nối lại việc cử chuyên gia tới Việt Nam.
Lần cuối cùng chuyên gia của WGAD tới Việt Nam là vào tháng 10/1994. Năm 2018, WGAD đưa ra đề nghị nhưng Hà Nội không đáp ứng.
Ông Đỗ Nam Trung, sinh năm 1981, được biết đến với vai trò là một nhà hoạt động xã hội, ông đã từng tham gia nhiều phong trào hoạt động, trong đó có “đánh BOT” phản đối những trạm thu phí đặt không đúng vị trí hoặc thu phí quá hạn, và phanh phui các vụ tham nhũng thông qua mạng xã hội.
Là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, ông tham gia vào việc đưa tin về các vụ biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam ở nhiều địa phương phía nam năm 2014. Ông bị bắt và kết án 14 tháng tù giam về tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 258 của Bộ luật Hình sự 1999.