Cơ quan có thẩm quyền điều tra công an bị khai tử

Ngay cả khi tồn tại tính độc lập của cơ quan này cũng bị đặt dấu hỏi.

*Cập nhật ngày 29 tháng 4 năm 2025

Ngày 15 tháng 4, Chính phủ đã chính thức thống nhất bãi bỏ cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Trước đó, báo chí trong nước đưa tin Bộ Công an muốn sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình, và đã gửi tờ trình lên chính phủ.

Điều đáng chú ý là trong dự thảo luật sửa đổi này, Bộ Công an muốn khai tử Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, vốn có nhiệm vụ điều tra tư pháp.

“Đây cũng là một cơ quan điều tra, nhưng đối tượng của nó là những hoạt động tư pháp, gồm hoạt động của cơ quan cánh sát điều tra, cơ quan an ninh điều tra, hoặc của chính nó, hoặc là của tòa án.” Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có 30 năm hành nghê luật sư ở Việt Nam cho RFA biết.

Hiểu một cách đơn giản, cơ quan mà Bộ Công an đang muốn khai tử, có nhiệm vụ giám sát hoạt động của chính Bộ Công an, cụ thể là trong lĩnh vực điều tra.

Chỉ hai tuần sau khi cơ quan này bị khai tử, một sự việc rúng động dư luận cả nước đã xảy ra.

Ở Vĩnh Long, ông Nguyễn Vĩnh Phúc được cho là đã dùng súng tự chế bắn vào đầu của ông Nguyễn Văn Bảo Trung, và sau đó đã tự sát.

Nguyên do của vụ việc này được cho là do con gái của ông Phúc bị xe tải do ông Trung lái cán phải dẫn đến tử vong. Nhưng phía công an địa phương lại kết luận lỗi thuộc về bé gái. Ông Phúc sau đó kêu oan, thậm chí tố cáo công an “dựng hiện trường giả”.

Sau một thời gian khiếu nại bất thành ông Phúc đã tìm đến bạo lực để “đòi công bằng”, điều mà ông đã viết trên trang Facebook cá nhân.

Trao đổi với RFA Tiếng Việt, một luật sư đang hành nghề tại Hà Nội cho biết dưới điều kiện ẩn danh, rằng “vụ việc ông Nguyễn Vĩnh Phúc nổ súng bắn người bị cho là nguyên nhân gây ra cái chết của con mình là hồi chuông cảnh báo về những khiếm khuyết nghiêm trọng trong hệ thống tư pháp.”

Do vậy, theo ông, việc cần một cơ quan có thẩm quyền điều tra độc lập là “một đòi hỏi cần thiết”, nhằm tránh oan sai, bởi vì nếu “trao toàn bộ quyền điều tra cho công an trong cả các vụ án liên quan đến cán bộ ngành mình, sẽ dẫn đến tình trạng nể nang, né tránh, bao che khi sai phạm.”

Tài xế xe tải Nguyễn Văn Bảo Trung được đồn đại là cháu của trưởng công an huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Ý tưởng bãi bỏ cơ quan điều tra tư pháp của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tạo ra tranh luận trong giới luật sư và những người quan tâm đến lĩnh vực tư pháp ở Việt Nam.

Một bên bày tỏ lo ngại về nguy cơ lạm dụng quyền lực của Bộ Công an trong hoạt động điều tra nếu mất đi sự giám sát. Luồng ý kiến còn lại cho rằng cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vốn dĩ đã không thực thi quyền hành của mình, vì vậy nếu bị khai tử cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động tư pháp.

“Ví dụ nếu người dân muốn tố cáo cán bộ công an hoặc quan chức ngành tòa án tội nhận hối lộ, thì sẽ rất khó để tố cáo tới cơ quan công an, vì họ có thể bao che, bảo kê cho nhau.” Luật sư Nguyễn Văn Đài, một trong những người bày tỏ sự lo ngại đối với đề nghị bỏ cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát, cho RFA biết.

Ông cũng chứng minh sự cần thiết của cơ quan này bằng việc nêu ra trường hợp ông Trần Tiến Quang, cựu Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng bị bắt vì tội làm sai lệch hồ sơ vụ án hồi năm 2021, vụ án này do cơ quan điều tra của Viện Kiếm sát thực hiện.

Nếu bỏ đi cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát thì “các cơ quan điều tra của Bộ Công an, từ trung ương tới tỉnh, sẽ lộng quyền hơn. Và người dân sẽ không còn chỗ dựa để tố cáo.“ Luật sư Nguyễn Văn Đài kết luận.

Ở chiều ngược lại, luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng việc bỏ đi chức năng điều tra của Viện Kiểm sát sẽ “không tạo ra thay đổi gì“.

“Hiện giờ, các cơ quan của chính quyền đang rối tung hết, không ai làm đúng chức năng của mình. Thậm chí cơ quan nào muốn làm đúng chức năng, nhưng Đảng mà can thiệp thì cũng như không.” Luật sư Mạnh nói thêm.

Ông cũng cho rằng vốn dĩ cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát đã rất ít khi thực hiện thức năng của mình. Nên có hay không cũng không ảnh hưởng gì. Điều mấu chốt, theo luât sư Đặng Đình Mạnh, nằm ở tính độc lập của các cơ quan tư pháp, khỏi sự can thiệp chính trị từ Đảng.

Đồng tình với quan điểm trên, một luật sư đang hành nghề tại Việt Nam trao đổi với RFA dưới điều kiện ẩn danh, rằng “việc tranh luận giữ hay bỏ Cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao sẽ không có hồi kết nếu không đặt lại vấn đề cốt lõi ai có thẩm quyền điều tra các vi phạm trong hoạt động tư pháp một cách độc lập và khách quan.”

Đảng Cộng sản vẫn thực hiện quyền kiểm soát tuyệt đối đối với các hoạt động điều tra, khởi tố, và xét xử ở Việt Nam. Mỗi cơ quan, từ công an, kiểm sát, và tòa án đều được đặt dưới sự lãnh đạo bởi Đảng ủy nội bộ. Ngoài ra, ba cơ quan này còn được giám sát phối hợp bởi ngành Nội chính, một cơ quan khác của Đảng có vai trò kiểm soát lĩnh vực tư pháp.

Vị luật sư ẩn danh kết luận “nếu các cơ quan không được thực thi quyền lực một cách độc lập, thượng tôn pháp luật, mà vẫn đặt dưới sự chỉ đạo, can thiệp trực tiếp của Đảng, thì mọi cải cách tư pháp sẽ vẫn chỉ là hình thức.”