Quy định mới về xuất khẩu lao động sang Đài Loan
2010.08.01
Đó là các doanh nghiệp trong nước cần phối hợp với đối tác bên Đài Loan để tuân thủ quy định, không được phép bắt công nhân ký kết các loại giấy như trả tiền vé máy bay khi về nước, khấu trừ tiền ăn vượt mức quy định, khấu trừ tiền tiết kiệm hàng tháng, khấu trừ tiền lương, tiền tiết kiệm trong trường hợp bỏ trốn.
Trao đổi với Thanh Trúc, linh mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Lý cho Công Nhân và Cô Dâu Việt ở Đài Loan, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành Boat People SOS với Liên Minh Bài Trừ Nạn Nô Lệ Mới Ở Châu Á,tức CAMSA, góp ý về quy định mới, đồng thời phân tích điều báo chí trong nước cho là nhiều chi nhánh, trung tâm xuất khẩu lao động không đủ chức năng nhưng cứ làm liều khiến người lao động bị thiệt thòi.
Chẳng có gì mới
LM Nguyễn Văn Hùng: Những quy đinh này tôi không thấy có liên quan gì nhiều đến vấn đề mà hiện nay người công nhân lao động Việt Nam đã và đang gặp phải. Đó là vấn đề tiền môi giới mà công nhân phải trả quá lớn, từ sáu ngàn tám, bảy nghìn rưỡi, tám ngàn … cho đến chuyện ký kết hợp đồng trước khi rời Việt Nam khoảng chừng hai ba tiếng trước khi lên máy bay mà không được phép coi nội dung.
Những quy đinh này tôi không thấy có liên quan gì nhiều đến vấn đề mà hiện nay người công nhân lao động Việt Nam đã và đang gặp phải.
LM Nguyễn Văn Hùng
Vì vậy tôi nghĩ quy định mới này cũng không thay đổi gì về hiện trạng của người lao động Việt Nam tại Đài Loan, và họ sẽ không thể nào thực hiện được bởi vì quyền lợi về tiền môi giới quá cao và quá nhiều.
Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, ông có ý kiến gì bổ túc vào nhận định mới rồi của linh mục Nguyễn Văn Hùng?
TS Nguyễn Đình Thắng: Chúng tôi đồng ý với nhận định của linh mục Nguyễn Văn Hùng, quy định mới này thực sự không có gì mới cả. Mới đây, đầu tháng Bảy, chúng tôi có sang Đài Loan để tiếp xúc với giới chức chính quyền đặc trách chống buôn người.
Chúng tôi cũng có hân hạnh tiếp xúc với linh mục Nguyễn Văn Hùng, chúng tôi nêu rất rõ rằng Đài Loan cần đẩy mạnh hơn nữa vấn đề chống buôn người và phải chống ngay tại gốc của nó là Việt Nam. Chính phủ Đài Loan hoàn toàn đồng ý, cho biết đang có những nỗ lực đối với Việt Nam. Tôi nghĩ rằng quy định này là phản ứng của Việt Nam đối với hai áp lực. Thứ nhất là từ phía Hoa Kỳ, thứ hai là từ phía chính phủ Đài Loan, nhưng mà yếu tố chính là chính phủ Việt Nam có hành động hay không.
Ở Việt Nam hiện nay có trên một trăm năm chục doanh nghiệp dịch vụ được chính thức cho phép gởi người đi lao động. Họ có quyền tuyển công nhân, lấy lệ phí của công nhân và gởi công nhân đi lao động. Nhưng mà mỗi một doanh nghiệp dịch vụ như vậy lại được quyền mở ra ba chi nhánh, chỉ để thông tin, để duyệt xét một vài cái đơn chứ không được quyền tuyển người, không được quyền lấy lệ phí của công nhân.
Tuy nhiên thực tế mọi nơi đều xảy ra tình trạng là những chi nhánh như vậy làm tất cả công việc mà theo luật pháp là không được làm. Rất nhiều tình trạng là sau khi nạn nhân bị thiệt hại, chạy đến đòi lại tiền thì công ty chi nhánh đã mất rồi hoặc mở ra một công ty chi nhánh khác ở chỗ khác, không cách nào nạn nhân có thể truy tìm được.
Quy định đã có từ lâu nhưng không được chấp hành
Thanh Trúc: Thế thì, thưa tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cũng như thưa linh mục Nguyễn Văn Hùng, nói như báo chí trong nước là các chi nhánh, các trung tâm xuất khẩu lao động đó đã làm liều, và vì thiếu hiểu biết mà người lao động chịu thiệt thòi?
LM Nguyễn Văn Hùng: Nói như trong tờ báo để biện hộ nguyên nhân đã tạo nên tệ trạng buôn người qua hình thức bóc lột lao động, tôi nghĩ đó là sự trốn chạy vấn đề. Đã gọi là một nhà nước pháp quyền thì luật pháp phải được sử dụng nghiêm minh để vận hành một công việc đã mang lại rất nhiều lợi nhuận cho đất nước, đồng thời giải quyết được vấn đề thất nghiệp cũng như sự nghèo đói. Không có lý do gì trong một quốc gia có hệ thống công an an ninh dày đặc mà những việc đơn giản liên quan đến môi giới thì lại đỗ thừa cho những chi nhánh làm liều.
Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, ông nghĩ thế nào, bởi Cục Quản Lý Lao Động Nước Ngoài nói rằng không được ký hợp đồng, kể cả hợp đồng với người lao động?
Thực sự Luật và quy định đã có từ lâu nhưng mà không được áp dụng và không được chấp hành.
TS Nguyễn Đình Thắng
TS Nguyễn Đình Thắng: Thực ra, Luật hiện hành không cho phép lấy quá hơn một tháng lương cho phí dịch vụ cho mỗi một năm hợp đồng. Chẳng hạn người lao động chỉ đi làm được năm trăm Mỹ kim một tháng bên Đài Loan, thì tổng cộng không thể lấy được hơn một ngàn rưỡi.
Nhưng chúng tôi biết có nhiều trường hợp lấy hơn như vậy rất nhiều. Luật hiện hành đòi hỏi hợp đồng phải ký ít ra năm ngày trước khi công nhân bước chân lên máy bay. Phần lớn là chỉ ký hai tiếng ba tiếng trước khi rời khỏi Việt Nam. Nhan nhản ra những vấn đề vi phạm và rất dễ truy tìm những thủ phạm đã vi phạm luật lệ như vậy.
Chính quyền Việt Nam cũng biết rất rõ những ai vi phạm. Nếu trừng phạt một số thôi, khoảng 10%, thì chúng tôi tin rằng sẽ giảm thiểu đi rất nhiều những vụ vi phạm trong tương lai.
Thanh Trúc: Nhân đây, xin phép được yêu cầu tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và linh mục Nguyễn Văn Hùng nêu thí dụ điển hình về việc công nhân bị lường gạt hay bị khấu trừ lương hoặc ký hợp đồng vội vã mà không biết?
LM Nguyễn Văn Hùng: Thí dụ rất điển hình là có một người cha qua Đài Loan để lo cho đứa con bị chết ở Đài Loan. Gia đình đó trả bảy nghìn năm trăm mỹ kim cho công ty môi giới, khi đưa con qua đây làm thì chủ bắt làm công việc là xuống hầm chứa chất thải, dưới đó không có oxygen (dưỡng khí). Người đó xuống vì không có không khí nên bị chết ngạt
Người cha yêu cầu công ty môi giới ở Việt Nam tính theo tỷ lệ để trả lại tiền ông đã đóng cho công ty môi giới vì con ông đã chết. Khi người bố đòi tiền lại thì công ty môi giới ở Việt Nam nói phải có biên lai. Người bố bảo rằng khi trả tiền cho quí vị thì quí vị không đưa biên lai cho tôi. Công ty môi giới nói không có biên lai thì chúng tôi không trả tiền.
Ở bên này chúng tôi chỉ giúp cho người bố đòi lại số tiền cho người con chết bên này mà thôi. Số tiền còn lại ở Việt Nam thì không có cách nào để mà lấy lại.
TS Nguyễn Đình Thắng: Tôi muốn nêu ra một trường hợp bên Jordanie. Trên hai trăm năm mươi chị em phụ nữ bị đưa sang đó, trong đó có cô Vũ Phương Anh vừa đến định cư ở Hoa Kỳ. Chúng tôi có nhiều tài liệu, nhiều chứng cớ cho thấy thứ nhất tất cả công ty đưa đi đều là chi nhánh thôi. Họ bắt mọi công nhân ký hợp đồng nội và hợp đồng ngoại khác nhau, tiếng Việt và tiếng Anh khác nhau.
Không những vậy, nhiều công nhân đã ký hợp đồng để sang Đài Loan, sang Malaysia hoặc sang Brunei, mà cuối cùng đặt chân đến Jordanie họ không biết Jordanie là vùng đất nào trên địa cầu này.
Thứ ba là họ chỉ ký một hai tiếng đồng hồ trước khi lên đường mà không được giữ một bản của tờ hợp đồng. Chúng tôi đã nghiên cứu, đã phân tích và tìm ra khoảng mười lăm vi phạm khác nhau chiếu theo Luật lao động hiện hành, kể cả chuyện người trực tiếp nhận tiền là người Đài Loan, mà Luật Việt Nam cấm người ngoại quốc can dự vào vấn đề tuyển người.
Còn bà La Thanh Khương, không phải là người làm cho công ty dịch vụ được phép tuyển người được phép lấy tiền, được phép ký hợp đồng, nhưng chính bà là người làm tất cả chuyện đó. Thậm chí khi chính quyền Việt Nam gởi một phái đoàn liên ngành đến Jordanie để tiếp xúc với chính phủ Jordanie và tiếp xúc với công nhân, thì bà La Thanh Khương là người ở trong phái đoàn của chính phủ. Thực sự Luật và quy định đã có từ lâu nhưng mà không được áp dụng và không được chấp hành.
Cần hành động hơn ra quy định
Thanh Trúc: Tắt một lời quy trình và thủ tục tiếp nhận lao động sang làm việc ở Đài Loan nói riêng và các nước nói chung, theo nhận định của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng và linh mục Nguyễn Văn Hùng, là nhập nhằng, không rõ ràng, cho nên mới nảy sinh nhiều vấn đề khi công nhân đi ra ngoài làm việc?
Tóm lại, để thay đổi tình trạng hiện nay, để bảo vệ quyền lợi cho công nhân, chính quyền Việt Nam phải truy tố và trừng phạt những thủ phạm thay vì chỉ ra quy định, ra thông tư và lên tiếng.
TS Nguyễn Đình Thắng
TS Nguyễn Đình Thắng: Tóm lại, để thay đổi tình trạng hiện nay, để bảo vệ quyền lợi cho công nhân, chính quyền Việt Nam phải truy tố và trừng phạt những thủ phạm thay vì chỉ ra quy định, ra thông tư và lên tiếng.
LM Nguyễn Văn Hùng: Tôi cũng tán thành ý kiến của tiến sĩ Thắng. Thêm vào đó tôi đề nghị chính phủ Việt Nam nên hợp tác với các tổ chức phi chính phủ như chúng tôi để biết rõ những vấn đề lao động Việt Nam đang gặp phải.
Điểm thứ hai, chính phủ Việt Nam phải gởi người của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội đến từng nơi có những người lao động Việt Nam đang học tiếng Hoa hay tiếng nước ngoài, dạy cho người lao động biết luật pháp của nước người ta sắp đến, và quyền lợi của người lao động khi gặp những chuyện khó khăn.
Điểm thứ ba, kiểm soát những hợp đồng người lao động ký trước khi lên sân bay. Nếu chính phủ Việt Nam không hợp tác được với chúng tôi là những tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong việc giúp đỡ công nhân Việt Nam ra lao động ở nước ngoài, thì tôi thấy những nghị quyết, những thông cáo chỉ là trò hề.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn linh mục Nguyễn Văn Hùng và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng.
Theo dòng thời sự:
- Qui định mới trong việc xuất khẩu lao động sang Đài Loan
- Từ Jordan đến Hoa Kỳ
- Từ Jordani đến Hoa Kỳ - Nạn Nhân Buôn Người Đến Nơi An Toàn
- Công nhân Việt Nam bị bỏ rơi ở Tây Phi
- Ký sự Mã Lai: nỗi khổ công nhân Việt Nam
- Hoàn cảnh công nhân Việt Nam tại đảo Cyprus
- Ký sự Mã Lai: Đau xót những mảnh đời công nhân VN
- Công ty Polar Electro ở Finland bồi thường cho công nhân VN
- Công nhân và cô dâu Việt tại Đài Loan hiện nay