Tạo môi trường tự do và dân chủ cho giới trí thức

Buổi tổng kết của các lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vừa diễn ra vào sáng 28/4.
Khánh An, phóng viên RFA
2010.04.30
TTSvusta305.jpg Ông Trương Tấn Sang đang phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010-2015 Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội ngày 28/4/2010.
Photo courtesy of khoahocthoidai.com

Lời tuyên bố quen thuộc

Đây là kỳ đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của VUSTA, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đại diện cho gần 2 triệu trí thức trên cả nước.

ÔngTrương Tấn Sang, thường trực Ban Bí thư Trung ương ĐCS VN, tuyên bố trước hơn 500 đại biểu của VUSTA rằng tổ chức này cần phải tạo môi trường dân chủ, tự do cho trí thức hoạt động, đồng thời ưu tiên thu hút trí thức trẻ và Việt Kiều.

Tổ chức này cần phải tạo môi trường dân chủ, tự do cho trí thức hoạt động, đồng thời ưu tiên thu hút trí thức trẻ và Việt Kiều.
Ô. Trương Tấn Sang

Báo VietnamNet trích dẫn phát biểu của ông Trương Tấn Sang: “Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của VUSTA đã góp phần củng cố luận cứ khoa học trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chủ trương, luật pháp, cơ chế, chính sách, chương trình dự án lớn của đất nước”.

Cùng với những biểu dương trên của ông Trương Tấn Sang, các lãnh đạo của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng Liên hiệp hội đã phản biện được nhiều dự án có tiếng vang như vụ khai thác bauxite Tây Nguyên, vụ cảng nước sâu Vân Phong, quy họach Hoàng thành Thăng Long…

Đánh giá của giới trí thức trong…

Tuy nhiên, nhà giáo Phạm Toàn, một trong 3 sáng lập viên của trang bauxitevietnam, một website được xem là phản biện thực sự “có tiếng vang” trong vụ bauxite Tây Nguyên, không những thu hút giới trí thức và người dân trong nước mà cả với người Việt ở hải ngọai, nhận xét về hiệu quả của các phản biện:

Cuộc đối thoại của những người “điếc” ấy mà! Tôi thì thấy tất cả những điều nói năng ở Việt Nam chả có cái gì thật nữa cả, tôi nói chân thành đấy. Tất cả những cái gì là sơ kết, tổng kết, rồi ai đã góp ý kiến, ai đã nhận ý kiến… chả có cái gì là thật cả! Các hội trí thức cũng phát biểu qua loa. Có ai làm đến cùng một việc gì đâu. Không ai làm triệt để cả vì rằng cái xã hội dân sự thực sự nó không có.

Theo ông Trương Tấn Sang, vai trò của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chính là tạo ra một môi trường hoạt động dân chủ, tự do để trí thức tự giác tham gia giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh của đất nước. Những phát biểu trên hẳn khiến cho những người còn chưa quên câu chuyện xảy ra với Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS), phải hồ nghi, băn khoăn.

vusta2804.jpg
23 thành viên đoàn chủ tịch khóa VI ra mắt tại buổi tổng kết của các lãnh đạo VUSTA hôm 28/4/2010. Photo courtesy of VietnamNet
23 thành viên đoàn chủ tịch khóa VI ra mắt tại buổi tổng kết của các lãnh đạo VUSTA hôm 28/4/2010. Photo courtesy of VietnamNet
IDS vốn là một trong những hội khoa học uy tín nhất, tập trung những nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam. Thế nhưng hội này đã phải tự giải thể chỉ vì Quyết định 97 với các quy định về việc phản biện, trong đó có điều khoản “không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ”.

Một số diễn đàn đã xem sự kiện IDS tự giải thể là một bước lùi của Việt Nam, cho thấy lãnh đạo nhà nước không đủ tầm để quản một tổ chức với nhiều cái đầu trí thức làm khoa học thực thụ như thế.

Theo nhà giáo Phạm Toàn, nguyên nhân cốt lõi của mọi vấn đề nằm ở chỗ:

Đáng nhẽ những cái như tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do lập hội… nó phải là bình thường. Thế nhưng ở Việt Nam làm gì có, chả có gì cả mà người ta cứ bảo là có, cái điên của nó ở chỗ đấy. Tất cả những hoạt động đều như là những bóng ma. Tôi thấy phiền lòng... Tất cả các thiết chế, các institution đều không mang tính chất thực sự.

Cũng chính vì tính chất “ảo”, có vỏ mà không có ruột của nhiều tổ chức khoa học mà những phản biện thực sự thường không có nhiều chỗ đứng trong các thiết chế chính thức, và tất nhiên, những phản biện phát sinh từ các thiết chế chính thức này cũng “muôn hình vạn trạng”. Nhà giáo Phạm Toàn nhận xét:

Cuộc đối thoại của những người “điếc” ấy mà! Tôi thì thấy tất cả những điều nói năng ở Việt Nam chả có cái gì thật nữa cả, tôi nói chân thành đấy.
Nhà giáo Phạm Toàn

Hiện nay có một số người nói ngang, chứ không phải là phản biện. Một số người nói nịnh, một số người nói uốn éo, chứ còn chưa có người nói ra chân lý và đặc biệt là chưa có người làm ra những cái (mà) bao hàm chân lý.

Trở lại với câu chuyện của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, hiện Liên hiệp hội có đến 125 hội thành viên, gồm 55 liên hiệp hội địa phương và 70 hội ngành toàn quốc, với con số trên 1,8 triệu hội viên. Tuy con số hội viên tăng lên rất nhanh và đều đặn nhưng điều mà nhiều người mong mỏi nhìn thấy là những đóng góp khoa học của Liên hiệp hội trong những vấn đề quan trọng của đất nước thì chưa nhiều, nếu không muốn nói là còn quá ít. 

Tuy nhiên, điều mà Thường trực Ban Bí thư quan tâm và nhắc nhở các nhà khoa học là phải “tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng giúp trí thức khoa học và công nghệ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với đất nước”. Những khó khăn thường lệ về vấn đề kinh phí thực hiện các dự án tầm cỡ cũng được Thường trực Ban Bí thư giải tỏa ngay lập tức với lời hứa “Nhà nước bảo đảm kinh phí và tạo điều kiện cho liên hiệp các hội hoạt động hiệu quả”.

… và ngoài nước

Riêng đối với trí thức trẻ và Việt kiều, Liên hiệp hội cũng khẳng định sẽ đưa ra những chính sách ưu tiên để thu hút nhân tài.

Vinh, một sinh viên du học tại Pháp, tỏ ra hồ nghi đối với những tuyên bố này:

Em nghe cũng nhiều về những tuyên bố của họ là muốn thu hút giới trẻ, thu hút những người đầu tư nước ngoài nhưng thực sự em chưa thấy có một văn bản ghi những điều đó.
Anh Vinh, SV du học Pháp

Em nghe cũng nhiều về những tuyên bố của họ là muốn thu hút giới trẻ, thu hút những người đầu tư nước ngoài nhưng thực sự em chưa thấy có một văn bản ghi những điều đó. Cái mà em muốn thấy, không phải cho riêng em mà cho tất cả sinh viên ở nước ngoài, là một văn bản ấn định của nhà nước, của Thủ tướng chính phủ, ghi rõ ràng những điều kiện dành cho giới trẻ nước ngoài.

Nhà giáo Phạm Toàn không ngần ngại nói thẳng: Nói thế chứ không thu hút làm gì. Họ cứ nói thế. Cái gì cũng nói có.

Xem ra những tuyên bố về một “môi trường dân chủ, tự do cho trí thức” phải cần được bổ sung và minh chứng bằng những việc làm cụ thể mới mong thu hút được nhiều trí thức “tự giác tham gia giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh của đất nước” như báo chí Việt Nam thường viết.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.