Doanh nghiệp không lạc quan về triển vọng kinh tế

Những khó khăn trong nền kinh tế Việt Nam năm nay tiếp tục cản trở việc kinh doanh và phát triển của nhiều doanh nghiệp trong nước, mặc dù một số chỉ số của nền kinh tế cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan.
Việt Hà, phóng viên RFA
2012.09.14
IMG_0512-305.jpg Một tiệm bán giầy dép ở quận Gò Vấp TPHCM, ảnh chụp năm 2012.
RFA

Những khó khăn này là gì và các doanh nghiệp đánh giá thế nào về triển vọng của nền kinh tế?

Sức mua giảm

Với 14 công nhân và 30 máy may công nghiệp, chị Trần Hoàng Yến, chủ một cơ sở may gia công tại Sài Gòn từ nhiều tháng nay đã phải vật lộn hết sức vất vả để duy trì công ăn việc làm cho cơ sở mình. Chị nói các khó khăn của năm nay gấp nhiều lần so với năm trước:

“Khó hơn nhiều là do nguồn hàng. Mọi năm em còn bán hàng siêu thị, năm nay cái đó ế quá luôn, em phải đổi sang hàng quảng cáo để bán thêm. Giống như bây giờ người ta không còn tiền để mua sắm, nên cái gì thật cần thiết người ta mới mua còn quần áo ít lắm, hạn chế dữ lắm.”

Theo chuyên gia kinh tế Lê  Đăng Doanh, việc giảm sức mua trong dân đã khiến lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng cao và làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng, thu hồi vốn. Ông nói:


Người ta không còn tiền để mua sắm, nên cái gì thật cần thiết người ta mới mua còn quần áo ít lắm, hạn chế dữ lắm.

Trần Hoàng Yến

“Sức mua của người Việt Nam đã xuống thấp, và chính phủ giảm các đầu tư công cho nên sắt thép không bán được, xi măng không bán được, gạch men, bàn ghế, đồ điện tử không bán được nên khó khăn, xuất khẩu cũng khó khăn nên hàng tồn kho lên cao.”

Sức mua xuống thấp có thể nhìn thấy ngay trong chỉ số giá tiêu dùng CPI âm trong 2 tháng 6 và 7 vừa qua. Điều này cũng khiến các chuyên gia lo ngại về dấu hiệu của suy giảm kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên nhân khiến sức mua giảm là do ảnh hưởng của lạm phát cao cộng với việc hạ giá tiền đồng trong các năm trước đó:

“Bởi vì lạm phát trong những năm trước đã lên rất cao và trong một thời gian rất dài nên sức mua bị xói mòn thôi. Hạ giá tiền đồng trong thời gian vừa qua thì ảnh hưởng rất lớn bởi vì giá cả nó lên rất cao rồi. Trong suốt một thời gian dài từ 2007 đến giờ, giá liên tục tăng, giá xăng và giá các thứ khác đều tăng lên cả.”

Một công trình xây dựng ở Hà Nội, ảnh chụp năm 2012. RFA photo.
Một công trình xây dựng ở Hà Nội, ảnh chụp năm 2012. RFA photo.
Trong các năm vừa qua, Việt Nam đã phải đối mặt với mức lạm phát cao, kỷ lục là vào năm 2008 khi mức lạm phát vượt 20%. Cộng thêm vào đó là thâm hụt ngân sách. Để kiềm chế lạm phát, giảm thâm hụt ngân sách, duy trì ổn định kinh tế, chính phủ đã phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cách tăng lãi suất cho vay. Điều này lại tạo thêm khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh, và khó khăn này vẫn còn tiếp tục cho đến năm nay. Ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành ở Sài gòn, cho biết những khó khăn mà các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đang gặp phải trong năm nay như sau:

“Hiện nay tất cả các doanh nghiệp địa ốc đều gặp khó khăn vì sản phẩm không bán được, và vì suốt hai năm vừa qua chúng tôi trả lãi rất nhiều, do đó nhiều doanh nghiệp chỉ làm đủ để trả lãi. Cộng thêm giờ sản phẩm không bán được nên nhiều doanh nghiệp phải bán lỗ, bán rẻ hơn để có tiền mặt trả ngân hàng hoặc tiếp tục đầu tư xây dựng.”

Mặc dù chính phủ mới đây đã chỉ đạo hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 13% để tạo điều kiện về vốn cho các doanh nghiệp nhưng theo ông Nguyễn Văn Đực, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đi vay với lãi suất 17% mà theo ông không thể có lãi:


Sản phẩm không bán được nên nhiều doanh nghiệp phải bán lỗ, bán rẻ hơn để có tiền mặt trả ngân hàng hoặc tiếp tục đầu tư xây dựng.

Nguyễn Văn Đực

“Thực tế nhiều doanh nghiệp  khó tiếp cận được mà nếu tiếp cận được thì lãi suất cũng 17% năm, các năm trước thì 22, 24%, bây giờ còn 17% năm. So với mặt bằng của các nước lân cận là 5 6% thôi, mà 17% thì làm sao có lãi được thì hy vọng vài tháng tới kéo về 12% thì doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Còn 17% thì hiện nay doanh nghiệp chỉ cố làm để giãn nợ thôi chứ không cách chi mà có hiệu quả được.”

Tỷ lệ nợ xấu cao

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện cũng đang phải đương đầu với vấn đề nợ xấu khi tỷ lệ nợ xấu được ước tính chiếm đến 10% tổng nợ. Một số chuyên gia cho rằng thực tế tỷ lệ này còn có thể cao hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc các ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng chính sách kinh tế của chính phủ dồn ưu tiên cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không có hiệu quả cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ gặp khó khăn vì bị chèn ép:

Gian hàng trái cây ở chợ Hoàng Hoa Thám TPHCM, ảnh chụp năm 2012. RFA photo.
Gian hàng trái cây ở chợ Hoàng Hoa Thám TPHCM, ảnh chụp năm 2012. RFA photo.
“Thực sự cốt lõi là các chính sách kinh tế lớn của nhà nước. Môi trường kinh doanh không được tốt. Chính những cái đó gây nên căn bệnh đó. Ví dụ người ta đặt vấn đề là khu vực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cho nên người ta ưu ái cho các tập đòan kinh tế nhà nước vốn, hợp đồng đủ thứ, và chính việc tạo những ưu ái như thế, môi trường như thế làm cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không có hiệu quả, chèn ép khu vực tư nhân.”

Doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, mắc nợ lớn là những gì đã được thấy qua vụ tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) phá sản vào năm 2010 với số nợ lên đến hơn 4 tỷ đô la, và gần đây nhất là vụ thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng của tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Những khó khăn trong nền kinh tế đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản, hoặc chỉ làm ăn cầm chừng. Số liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp được tổng cục thống kê công bố gần đây cho biết trong 6 tháng đầu năm đã có hơn 26 ngàn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn 31% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ sẽ phải thu hẹp sản xuất kinh doanh. Các số liệu thống kê cũng cho thấy có tới 70% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ trong quý 1. Đó cũng là một phần lý giải cho tăng trưởng GDP những tháng đầu năm của Việt Nam chỉ đạt khoảng 4%, thấp hơn mức 6% do chính phủ đề ra.

Đã hơn nửa năm đã trôi qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, cơ sở may gia công của chị Yến vẫn tiếp tục nhận được rải rác các đơn đặt hàng. Để duy trì hoạt động của cơ sở, chị đã cắt giảm số lượng nhân công từ 28 người xuống còn một nửa. Mặc dù vậy, chị cũng chỉ dám hy vọng từ giờ tới cuối năm hòa vốn là tốt lắm rồi.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.