Nhân quyền tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề

Phúc trình thường niên năm 2009 của Bộ Ngoại giao Mỹ về nhân quyền và tự do tôn giáo trên thế giới công bố tuần trước, có viết rằng nhân quyền tại nước CHXHCNVN vẫn còn nhiều vấn đề.
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2010.03.22
march-11.jpg Báo cáo về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở VN năm 2009 do Bộ Ngoại Giao Mỹ công bố trên website hôm 11/3/2010.
Hình chụp từ trang web state.gov

Ngày 06-03, Luật sư Lê Thị Công Nhân mãn hạn tù ra khỏi nhà giam để về nhà và tiếp theo Linh mục Nguyễn Văn Lý vì ốm nặng được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù cũng được đưa về Tòa Tổng Giám Mục Huế.

Cùng lúc, có vài luồng dư luận gắt gao đòi hỏi hành pháp Mỹ ghi tên trở lại CHXHCNVN vào danh sach sổ đen nhân quyền CPC.

Tôi nhận thấy qua bản phúc trình năm nay, bộ Ngoại giao Mỹ đã tỏ ra ít ngoại giao với Hà Nội hơn những năm trước vì Hà Nội đã lợi dụng ưu thế về mặt quốc tế để leo thang đàn áp.
LS Trần Thanh Hiệp

Liệu có hy vọng gì cải thiện hiện trạng nhân quyền ở Việt Nam không? Đỗ Hiếu có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung tâm Việt Nam về Nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris.

Gia tăng đàn áp

Đỗ Hiếu: Theo Luật sư thì nên hiểu như thế nào về mặt thực tế lối nói ngoại giao“có nhiều vấn đề”? So với những phúc trình những năm trước, nội dung phúc trình năm nay có gì khác?

Trần Thanh Hiệp: Sau nhóm chữ “có vấn đề” người ta đọc thấy rất nhiều sự kiện đã xảy ra hơn hai năm nay theo đó nhà cầm quyền Hà Nội đã gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến hoạt động đấu tranh cho dân chủ, qua những đợt kết án những người đã bị bắt từ năm 2008.

Nhà nước Hà Nội hiện đang giam giữ ít nhất 60 tù nhân chính trị vào cuối năm 2009, nhưng một số quan sát viên còn cho rằng trên thực tế con số này lên đến hàng trăm người.

Mặt khác họ còn leo thang đàn áp tự do báo chí như trong các vụ hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến của Báo Thanh Niên và Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày của Báo Tuổi Trẻ vì các nhà báo này đã phanh phui vụ tham nhũng lớn của các quan chức của Bộ Giao thông Vận tải, đó là tôi nhắc lại nguồn tin của Đài.

Lethi-CongNhan-305.jpg
LS. Lê Thị Công Nhân khóc khi nhận những bó hoa của bạn bè gởi đến. Photo courtesy Vietnamexodus
LS. Lê Thị Công Nhân khóc khi nhận những bó hoa của bạn bè gởi đến. Photo courtesy Vietnamexodus
Những hành động đàn áp này chính là sự thể hiện của chính sách nhất quán đàn áp nhân quyền có hệ thống và qui mô mà nhà cầm quyền Hà Nội đã kiên trì theo đuổi từ khi chưa có cái gọi là “Đổi mới” cho đến nay.

Vì vậy, bản phúc trình đã viết rằng nhân quyền ở Việt Nam có vấn đề nghĩa là Nhà nước Hà Nội còn phải giải quyết nhiều vấn đề về nhân quyền.
Tôi nhận thấy qua bản phúc trình năm nay, bộ Ngoại giao Mỹ đã tỏ ra ít ngoại giao với Hà Nội hơn những năm trước vì Hà Nội đã lợi dụng ưu thế về mặt quốc tế để leo thang đàn áp.

Bằng nhiều hình thức

Đỗ Hiếu: Nữ luật sư Lê Thị Công Nhân từ ngày 06-03 đã ra khỏi nhà tù, Linh mục Nguyễn Văn Lý ngày 15-03 đã được tạm đình chỉ không phải thi hành án phạt tù. Như vậy có giải quyết được vấn đề mà bản phúc trình ngày 11-03 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu lên không, thưa luật sư?

Trần Thanh Hiệp: Không những không giải quyết được gì cả mà còn đặt thêm vấn đề nữa. Nữ luật sư Lê Thị Công Nhân được về nhà là do cô ấy đã thi hành xong bản án 3 năm tù. Nhưng cô vẫn còn tiếp tục bị tù dưới hình thức khác là tù quản chế tại ngay nhà mình, trong vòng vây của công an, dưới sự canh giữ, đe dọa, sách nhiễu thường trực của công an.

Hà Nội sẽ nhượng bộ tối đa trước áp lực quốc tế mà vẫn tìm đủ cách duy trì sự đàn áp tối tối đa đối với nhân dân Việt Nam hầu bám trụ vào thế độc quyền cai trị.

LS Trần Thanh Hiệp

Không thể chối cãi được rằng đời sống của cô vẫn là đời sống không bình thường của một người tù mà quyền tự do vẫn còn bị xâm phạm một cách thô bạo. Linh mục Lý cũng vậy, tuy nói là được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù trong nhà tù nhưng vẫn tiếp tục thi hành án ấy trong Tòa Tổng Giám mục Huế. Tức là sẽ kéo dài thêm dưới hình thức khác của án tù đã tuyên vì thời gian tạm đình chỉ không tính vào thời gian chấp hành án.

Hơn nữa, vẫn không thiếu gì lý do để LM Lý bị bắt lại và đưa vào nhà tù bất cứ lúc nào. Sự hiện diện của hai nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Nguyễn Văn Lý và Lê Thị Công Nhân không thể coi là những hình thức cải thiện nhân quyền mà đó chỉ là chứng tích của một chính sách đàn áp nhân quyền khốc liệt phi nhân quyền, phi công lý được theo đuổi dưới những dạng khác, bề ngoài có vẻ dịu hơn.

linhmuc-ly.jpg
Linh mục Lý được dìu vào nhà hưu dưỡng Tòa Giám Mục và Nhà Chung Tổng Giáo phận Huế chiều 15/3/2010. Hình do thân nhân LM Lý gửi RFA
Linh mục Lý được dìu vào nhà hưu dưỡng Tòa Giám Mục và Nhà Chung Tổng Giáo phận Huế chiều 15/3/2010. Hình do thân nhân LM Lý gửi RFA
Đỗ Hiếu: Như vậy luật sư có cho rằng giải pháp thuận lý nhất là đưa trở lại CHXHCNVN vào danh sách những nước đáng quan tâm về nhân quyền CPC hay không?

Trần Thanh Hiệp: Đưa trở lại CHXHCNVN vào sổ đen nhân quyền là biện pháp nên áp dụng nhưng không phải là giải pháp độc nhất. Nhà cầm quyền Hà Nội rất e ngại phải đối đầu với những biện pháp chế tài quốc tế vì những chế tài này sẽ đưa Hà Nội vào một cuộc phiêu lưu bị không lường trước được sẽ đi về đâu. Nhưng Hà Nội sẽ nhượng bộ tối đa trước áp lực quốc tế mà vẫn tìm đủ cách duy trì sự đàn áp tối tối đa đối với nhân dân Việt Nam hầu bám trụ vào thế độc quyền cai trị.

Do đó riêng về phần nhân dân Việt Nam, nhất là bộ phận tiên tiến là lực lượng tranh đấu dân chủ, phải tìm ra phương cách vận động thích hợp để phá vòng vây đàn áp mà mở ra triển vọng mới, đưa sinh hoạt chính trị ra khỏi sự kìm kẹp đảng trị mà tạo ra một môi trường xã hội mới, dựa trên nền tảng dân quyền và nhân quyền phổ quát. Được vậy mới có thể nói là thanh toán được những vấn đề nhân quyền còn tồn đọng chồng chất ở Việt Nam hiện nay.

Đỗ Hiếu: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp và xin được nhắc lại rằng ý kiến của luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài ACTD.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.