Bị bắt vì bảo vệ người lao động?
2010.09.11
Đó là chuyện anh Trần Ngọc Thành, một công dân Ba Lan, gốc Việt Nam đến Mã Lai đã bị chính quyền Mã Lai bắt giữ tại cửa khẩu và trục xuất khỏi Mã Lai 72 giờ sau đó. Thông tín viên Tường An tiếp xúc với anh Trần Ngọc Thành để tìm hiểu sự thật đằng sau vụ việc này và gửi về bài tường trình sau đây.
Ông Trần Ngọc Thành là một gương mặt không xa lạ trong các hoạt động Dân chủ, Nhân quyền; ông là chủ tịch Ủy Ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam trong hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Nằm trong “danh sách đen”
Ngày thứ sáu 4/9 vừa qua, khi vừa đến phi trường Kuala Lumpur, ông đã bị công an Mã Lai giữ lại không cho nhập cảnh. Ông trình bày với đài Á Châu Tự Do chi tiết vụ việc như sau:
“Trong thời gian vừa qua tôi có công việc phải đến Mã Lai. Những lần trước tôi vào Mã Lai thì rất là bình thường, nhưng lần này thì tôi bị công an cửa khẩu giữ lại phi trường Kuala Lumpur. Tôi cũng không hiểu tại sao; tôi có gặp các sĩ quan và yêu cầu họ giải thích. Họ nói rằng tôi có trong “danh sách đen” của chính phủ Mã Lai.
Tôi hỏi rằng tôi đã vào Mã Lai nhiều lần và không bao giờ bị giữ lại. Phía chính quyền cũng như cảnh sát Mã Lai tạo điều kiện cho tôi lần trước, nhưng tại sao lần này lại như vậy. Cuối cùng thì tôi được trả lời rằng sở dĩ tôi bị giữ tại phi trường là vì chính quyền Việt Nam yêu cầu chính phủ Mã Lai không cho tôi nhập cảnh vào Mã Lai.”
Nhà tù Mã Lai
Là một người hoạt động dân chủ và cũng đã từng là một nhà báo, trong ba ngày bị giam giữ ở phi trường Kuala Lumpur, cũng là một dịp để cho ông nhìn thấy rõ đời sống của những người bị giam giữ tại đây. Ông nhận xét như sau về bản chất của nhà tù Mã Lai cũng như cách hành xử của công an Mã Lai:
Trong thời gian mà tôi bị tạm giữ thì tôi thấy mặt trái của chính quyền Mã Lai hiện ra.
Ông Trần Ngọc Thành
“Trong thời gian mà tôi bị tạm giữ thì tôi thấy mặt trái của chính quyền Mã Lai hiện ra.
Thứ nhất, những người bị giam giữ không được tôn trọng nhân quyền như là một chính thể Dân chủ. Vì trong thời gian tôi bị giam giữ trong 3 ngày 3 đêm họ không cho ăn uống, chỉ được 1 nhúm cơm, 1 tí nước mà họ đựng trong túi ni lông, không có đủa, không có bát gì cả.
Tôi phản đối tôi nói rằng tôi là con người chứ không phải con vật mà các ông đối xử như thế. Họ đã giữ tất cả vật dụng cá nhân của tôi: điện thoại, laptop cũng như là các dụng cụ cá nhân. Trong thời gian giam giữ tại đó, điều kiện rất là rét, tôi chỉ mặc một bộ quần áo phong phanh trên người: tôi yêu cầu được lấy hành lý thì họ cũng không cho.”
Cùng bị giam giữ với ông Thành có rất nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau, họ bị giam giữ vì nhiều lý do khác nhau mà phần lớn là vì họ không có giấy tờ hợp pháp. Trong đó có rất nhiều người Việt Nam, tình trạng của họ càng tồi tệ hơn nữa, ông Thành kể lại:
“Trong phòng nhỏ có gần 60 người, họ có nhiều quốc tịch khác nhau như là Philippines, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan.
Tôi cũng chứng kiến nhiều người Việt Nam bị giam giữ tại đó vì lý do họ sang Mã Lai để làm osin hoặc làm lao động trong các xí nghiệp. Nhưng phía Việt Nam sau khi họ đóng tiền cho môi giới và khi sang tới Mã Lai thì họ không được giới chủ nhân đón tiếp, từ đó họ bơ vơ và họ bị nhốt để trả lại cho phía Việt Nam.
Nhiều trường hợp họ khóc suốt ngày là vì trở về là tay không, họ không có tiền để trả nợ nữa. Có những chị em cả tuần, 10 ngày, thậm chí 15 ngày không được ăn uống, tắm rửa. Nếu ăn thì phải mua thức ăn của Mã Lai với giá rất đắt đỏ do công an Mã Lai bán cho họ.”
Phản ứng mau lẹ
Khi bị bắt, ông đã liên lạc với các bạn Ba Lan cũng như những người bạn Việt Nam bên ngoài, những người này đã thông báo ngay cho tòa đại sứ Ba Lan và họ đã can thiệp ngay tức khắc, ông kể lại:
“Khi tôi còn ở bên ngoài, chưa vào trại tạm giữ tôi có liên lạc với sứ quán Ba Lan, cũng như một số bạn bè ở Ba Lan cũng như ở Úc. Không may cho tôi hôm đó là ngày thứ bảy và chúa nhật nên không liên lạc được.
Ngày thứ hai Ba Lan phản ứng ngay. Ông đại sứ Ba Lan gọi điện thoại vào cửa khẩu hỏi nguyên nhân tại sao. Ông đã nói chuyện trực tiếp với tôi. Ông yêu cầu: Một là cho tôi vào Mã Lai, hai là phải thả tôi ngay. Dựa trên phản ứng của tôi và của tòa đại sứ thì 9 giờ tối ngày thứ hai buộc phải thả tôi ra và bố trí máy bay cho tôi trở về Ba Lan.”
Tôi hỏi tại sao các bạn biết sớm thế, họ nói rằng những người bạn ở đây đã thông báo cho các chính giới, giới báo chí và trí thức. Họ đã phản ứng rất mau lẹ.
Ông Trần Ngọc Thành
Tại Ba Lan, những người bạn của ông Trần Ngọc Thành trong nhóm trí thức, hội Tự do Ngôn Luận cũng đã có những phản ứng khá sôi nổi về sự kiện này, nhất là trong khi thủ tướng Ba Lan, ông Donald Tusk đang có hai ngày công du tại Việt Nam. Họ đã đồng thanh lên tiếng về sự kiện này, ông Trần Ngọc Thành cho biết:
“Thật ra tôi cũng rất ngạc nhiên; Khi về tới Ba Lan thì tôi được biết phía Ba lan họ rất là phản ứng. Tôi hỏi tại sao các bạn biết sớm thế, họ nói rằng những người bạn ở đây đã thông báo cho các chính giới, giới báo chí và trí thức. Họ đã phản ứng rất mau lẹ.
Cho tới ngày hôm nay tôi có đọc trên một số báo Ba Lan đã viết về sự kiện vừa rồi. Giới trí thức Ba La cũng có ra một thông cáo về sự kiện tôi bị bắt giữ và phản đối scandal mà chính phủ Mã Lai đã đối xử với tôi.”
Bị bắt vì bảo vệ người lao động?
Đây cũng là dịp Thủ tướng Ba Lan đang ở Việt Nam. Họ yêu cầu phía Ba Lan phải tỏ thái độ với phía Việt Nam về vấn đề vi phạm Nhân quyền, can thiệp vào việc bắt giữ công dân của một nước khác tại một nước thứ ba. Đó là luật pháp quốc tế, không thể nào chấp nhận được.
Ba ngày giam giữ tại đây cũng là ba ngày mà ông Trần Ngọc Thành có cơ hội quan sát, chiêm nghiệm mọi sự việc xảy ra, phân tích nguyên nhân và sự việc. Ông đã khám phá ra lý do vì sao ông bị bắt, ông nói:
“Trong thời gian mà tôi bị giam giữ ở đây thì tôi cảm nhận được là tại sao chính quyền Mã Lai lại đồng lõa với chính quyền Việt Nam giam giữ tôi. Phòng giam giữ sát ngay với cửa khẩu cho xuất cảnh và nhập cảnh vào. Phía Mã Lai đã dành 20 cửa khẩu cho lao động nước ngoài vào Mã Lai.
Chúng tôi từ trước đến nay , anh em bên Ủy ban Bảo vệ Người Lao động đã đến đây để tìm hiểu thực trạng người lao động tại đây thì họ thấy rằng chúng tôi cản trở việc buôn bán nô lệ của họ.
Ông Trần Ngọc Thành
Tôi thấy hàng ngày có hàng ngàn lao động đi qua cửa khẩu trong đó có hàng trăm lao động Việt Nam. Tôi thấy rằng món lợi giữa xuất khẩu lao động của Việt Nam thực chất là xuất khẩu nô lệ. Nước nhận lao động thực chất là nước mua nô lệ, thì đây là món lời của họ.
Chúng tôi từ trước đến nay , anh em bên Ủy ban Bảo vệ Người Lao động đã đến đây để tìm hiểu thực trạng người lao động tại đây thì họ thấy rằng chúng tôi cản trở việc buôn bán nô lệ của họ. Do đó họ đã ngăn trở chúng tôi. Đây có thể là nguyên nhân mà dẫn đến việc họ giữ tôi ở đây.”
Nhà văn Vũ Đông Hà viết: “có những người không ở tù mà vẫn có cảm giác đang sống trong tù”. Có phải đó là tâm trạng não nề, ngao ngán của những người đang sống ở một thế giới tự do nhưng vẫn phải bị ràng buộc bởi những thế lực độc tài của một đất nước mà chúng ta gọi là “quê hương”.
Theo dòng thời sự:
- Thực trạng công nhân xuất khẩu
- Ký sự Mã Lai: nỗi khổ công nhân Việt Nam
- AI cáo buộc Malaysia đã đối xử tàn tệ với di dân đến làm việc
- Lừa đảo xuất khẩu lao động vẫn còn đó
- Cuộc mưu sinh của người Việt ở Thái
- Lao động Việt ở Thái Lan, buồn nhiều hơn vui
- Công nhân Việt Nam bị bỏ rơi ở Tây Phi
- Quy định mới về xuất khẩu lao động sang Đài Loan
- Ký sự Mã Lai: Đau xót những mảnh đời công nhân VN
- Ả Rập: năm trăm công nhân VN bị trục xuất về nước