Cuộc mưu sinh của người Việt ở Thái

Chừng một thập niên trở lại đây, làn sóng lao động Việt sang Thái Lan làm ăn ngày càng sôi động hơn. Đa số những người trong số này chọn Bangkok làm điểm đến của họ.
Gia Minh, biên tập viên RFA
2010.09.03
000_Hkg3523498-305.jpg Một quầy bán thức ăn dạo ở Bangkok hôm 30/4/2010.
AFp photo/Hoang Dinh Nam

Du khách Việt khi đến khu vực Silom, đi qua đường Convent vuông góc sẽ gặp nhiều đồng hương không đưuợc may mắn thong thả đi chơi mà đang phải lao động phụ việc cho chủ những xe bán hàng ăn dọc đoạn đường này.

Vào một buổi chiều tối, khi đi qua đường Convent, tôi tình cờ nghe một chị đang dọn rau ra đĩa nói tiếng Việt với một người đàn ông đứng nướng cá tại một xe hàng ăn. Cả hai rõ ràng không phải là chủ của chiếc xe bán hàng ăn vì đứng ở vị trí chính, sau những khay đĩa thức ăn chưa chế biến là một người đàn ông có nước da Thái, mang tạp dề. Do tò mò, tôi dừng lại và quyết định gọi một món gì đó để có cơ hội nói chuyện cùng hai người phụ việc nói tiếng Việt Nam đó. Tôi tiến đến gần chị phụ nữ hỏi ‘chị Việt Nam hả’. Đúng rồi, chú cũng Việt Nam à? Ông chủ hỏi với ra ‘Vietnam’. Cả hai đều gật. Tôi chỉ một con cá và đặt món đó.

Trong khi chờ thức ăn dọn ra, tôi ngồi và đuợc chị phụ nữ vừa lo dọn bàn vừa trò chuyện. Qua câu chuyện tôi biết được chị và người đàn ông kia là hai vợ chồng tên Phú- Phúc. Họ từ Hà Tĩnh sang, và làm cho chủ xe bán hàng ăn này được ba tháng rồi. Hằng ngày mỗi người được trả 200 bath làm công việc phục vụ, chạy bàn, lau dọn, rửa bát đĩa.

Đường dây đó là đa phần người đi trước, họ sang rồi về rủ  mình đi. Anh em, bà con đưa sang; nhưng đa phần có đường dây đưa đi; trước kia họ lấy bảy triệu đồng Việt Nam, còn nay ba triệu thôi.

Một người Việt ở Thái


Hai vợ chồng thuê một phòng ở gần đó mỗi tháng hết một ngàn đồng. Họ còn cho biết chừng một tuần lễ nữa đứa con trai đầu hơn 20 tuổi của họ cũng sẽ sang Bangkok kiếm việc làm.

Họ cũng giới thiệu cho biết trong dọc dãy xe bán hàng ăn trên đường Convent đó còn có một số người Việt Nam phụ việc nữa. Trong khi tôi đang ăn thì một cô tên Trang từ một xe gần đó sang chào hỏi.

Ăn xong, bước sang bên kia đường tôi gặp một chị đang ngồi rửa chén đĩa, làm quen hỏi thăm thì chị giới thiệu tên Xuân, sang Thái Lan làm đã hai năm. Chị cho biết có con đang học năm thứ năm Đại học Tài chính tại Sài Gòn, và phải đi làm để kiếm tiền gửi về cho con ăn học.

Đường đến Xứ Chùa Vàng

Không thể nào có con số thống kê chính xác lượng người Việt đang làm ăn tại Thái Lan như hai vợ chồng Phú- Phúc hay cô Trang đang lao động tại thủ đô Bangkok này. Tuy nhiên, như tại một buổi lễ tại hôm chiều ngày 15 tháng 8 vừa qua, tôi chứng kiến chừng 600 người lao động Việt đến dự. Một số người có mặt cho biết số không đi dự khá nhiều. Những người này từ nhiều tỉnh thành khác nhau của Việt Nam sang, mà chủ yếu là từ các vùng nông thôn của các tỉnh bắc trung bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Và theo con đường nào họ có thể đến đuợc thủ đô Bangkok và ở lại làm việc?

Qua tìm hiểu, hầu như tất cả đều cho hay họ đi bằng đường bộ qua cửa khẩu Cầu Treo ở Hà Tĩnh, sang Lào rồi sang Thái theo diện du lịch:

000_Hkg3324045-250.jpg
Một người đẩy xe bán dạo nước giải khát trên đường phố ở Bangkok . AFP PHOTO/Christophe ARCHAMBAULT
Một người đẩy xe bán dạo nước giải khát trên đường phố ở Bangkok . AFP PHOTO/Christophe ARCHAMBAULT
Em đi từ Thanh Hóa, qua cửa khẩu Cầu Treo, sang Vientiane rồi sang Thái.

Một số đầu mối đưa họ sang Thái, và số tiền phải trả được một người đến Thái cách đây 8 năm cho biết:

Đường dây đó là đa phần người đi trước, họ sang rồi về rủ  mình đi. Anh em, bà con đưa sang; nhưng đa phần có đường dây đưa đi; trước kia họ lấy bảy triệu đồng Việt Nam, còn nay  ba triệu thôi.

Có một số ít do người thân đã biết đường đi nước bước đưa sang thì không mất tiền.

Lao động chui

Theo thỏa thuận của các nước ASEAN với nhau, người dân trong khối không phải xin visa nếu di du lịch trong vòng một tháng. Tuy nhiên, sau khi đến Thái, đa số trở nên lao động chui vì họ ở lại mà không về. Người nào có tiền thì sau một tháng chạy qua Kampuchia rồi lại nhập vào Thái, nhưng làm như thế phải mất công khoảng một ngày, và mất chừng 1000 bath.

Nhiều người chấp nhận ở lậu, và trả tiền cho cảnh sát địa phương. Một lao động Việt Nam cho biết:

Giấy tờ: nếu có điều kiện thì đi đóng dấu hằng tháng; nếu  không thì để cho hộ chiếu ‘chết’ luôn. Chỗ làm việc có thể bao công an: trả cho công an chừng 500-700 bath thì có thể làm việc được trong vùng. Không may thì có khi bị bắt. Khi bị bắt có khi chuộc được; tùy theo nói chuyện với công an, có thể tiền phạt là 10 ngàn bath. Nếu không thì bị đưa đến ‘Trung tâm Toa Moa’- tên chính thức Cơ quan  Nhập cư. Đến ngày thì mua vé về nước. Bản thân bị bắt một lần và khai là người Kampuchia nên họ trả về Kampuchia.  

Thái Lan có thỏa thuận cấp giấy lao động tạm thời cho người dân ba nước Miến Điện, Lào, Kampuchia. Trước đây một số người Việt khai họ là một trong ba nhóm người đó để kiếm giấy tờ làm việc; nhưng nay không thể làm thế được nữa như trình bày của người lao động chui đã ở tại Thái được tám năm nay:

Muốn về thì cũng có người đưa về - về chui, một người mất chừng 5000 bath để được đưa về đến Việt Nam luôn. Khi qua lại thì mang hộ chiếu cũ đi đổi hộ chiếu mới rồi qua tiếp.

Một người Việt ở Thái


Giờ họ hỏi nếu khai ở Lào, họ hỏi ở tỉnh nào. Phổ thông nhất khai ở Vientiane, nhưng khi hỏi ở quận nào không biết là bị lộ. Bây giờ người ta đòi hỏi phải có hộ chiếu mới làm cho. Giấy này do Bộ Xã hội và Bộ Y tế Thái cấp cho. Nếu có giấy này sẽ được bảo hiểm y tế: nếu ốm đau vào khám ở bệnh viện chỉ mất 30 bath. Nhưng nay đành chịu ‘rơi’ vì khi họ điều tra giấy tờ, quê quán thì chịu thôi.

Vào được rồi nhưng mỗi khi muốn về lại Việt Nam thì sao? Một bạn kể:

Khi muốn về, cũng có người đưa về - về chui, một người mất chừng 5000 bath để được đưa về đến Việt Nam luôn. Khi qua lại thì mang hộ chiếu cũ đi đổi hộ chiếu mới rồi qua tiếp. Cách đây khoảng ba năm có vụ đưa người về, khi đi trên thuyền vào ban đêm để qua sông đã bị công an ‘rượt’, mọi người nhảy khiến thuyền chìm, chết chín người. Những người này về quê ăn tết xuống sông, và nhưng cũng có những lần về khi đi ghe qua sông, có người bị chết.

Quí thính giả vừa nghe phần đầu trình bày về số những lao động Việt bất hợp pháp đang sinh sống tại xứ Thái.

Trong phần tiếp chúng tôi sẽ nói đến những phương cách mưu sinh, và cuộc sống tinh thần của họ.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.