Ô nhiễm nghiêm trọng ở trại giam Nam Hà

Trong hơn 10 năm nay, tù nhân tại trại giam Nam Hà, cách Hà Nội chừng 80 cây số về phía Nam, phải chịu đựng điều kiện ô nhiễm nghiêm trọng ngoài những biện pháp khắt nghiệt nhà tù.
Thanh Quang, phóng viên RFA
2010.06.25
Các phạm nhân đang lao động ở trại giam Nam Hà. Các phạm nhân đang lao động ở trại giam Nam Hà.
Photo courtesy of xaluan.com

Đó là lý do khiến thân nhân của 3 tù nhân lương tâm Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Văn Trội và Nguyễn Kim Nhàn gởi đơn lên Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao yêu cầu trại giam Nam Hà cải thiện điều kiện lao xá. Thanh Quang tìm hiểu tình hình này và trình bày hầu quý vị sau đây:

Ô nhiễm thường xuyên

Thanh Quang: Trại giam khét tiếng Nam Hà là nơi có nhiều nhà bất đồng chính kiến thọ những án tù gán ghép dài hạn, kể cả những tù nhân lương tâm hiện giờ là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà dân chủ Phạm Văn Trội và nhà đấu tranh dân oan Nguyễn Kim Nhàn.

Các anh ấy ở khu đó, có mấy lò gạch suốt ngày sả khói than rất là nhiều. Hơn nữa, bên cạnh lại có những cái hố phân bốc mùi nồng nặc lắm.

Bà Ngô Thị Lộc

Chốn lao tù thì hẳn là nơi tù nhân phải chịu đựng vô vàn rắc rối, nhưng riêng tại trại tù Nam Hà, theo thân nhân của 3 nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ vừa nói, thì môi trường độc hại – từ khí dioxide carbon vô cùng nguy hiểm cho tới mùi xú uế - thường xuyên dự phần hành hạ tù nhân.

Khi được hỏi về tình trạng ô nhiễm thường xuyên và dài lâu trong nhà tù này, ông Loan, Phó Giám đốc Trại giam Nam Hà giải thích với chúng tôi như sau:

Ông Loan: “Tất nhiên tôi trả lời với ông là tất cả mọi cái chúng tôi đều làm đúng theo quy định, không có gì trái với quy định của pháp luật cả. Vấn đề này chúng tôi chỉ có thể trả lời vắn tắt với ông như thế thôi, chứ không thể trả lời trên điện thoại được đâu.”

Thanh Quang: Nhưng thưa ông, tình trạng độc hại cho tù nhân thì có đúng quy định của nguyên tắc không?

Ông Loan: Không có việc đó. Tôi trả lời là không có việc đó. Tôi trả lời luôn với ông như thế.

Thanh Quang: Nhưng thưa ông, tại sao thân nhân của những tù nhân ấy lại than phiền...

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa. RFA file Photo.
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa. RFA file Photo.
Ông Loan: Tôi xin trả lời với ông như thế. Còn thân nhân như thế nào thì chúng tôi không được biết cái việc đó. Thế thôi, tôi đang bận họp nhé.”

Thanh Quang: Hồi tháng Năm vừa rồi, sau khi tới thăm chồng là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa đang thọ án 6 năm tù và 3 năm quản chế vì tội gọi là “chống chính quyền” , bà Nguyễn Thị Nga cho biết:

Bà Nguyễn Thị Nga: “Qua lần gặp chồng tôi vào tháng Năm đó, thì anh ấy có nói là trại giam của anh ấy nằm dưới dòng điện cao thế. Mà hiện trạng là anh ấy rất bị choáng đầu. Nhưng không phải chỉ có một mình anh ấy, mà rất nhiều người trong tù đó cũng bị đau đầu. Thứ hai nữa là chỗ giam giữ của họ gần lò gạch, khói lò gạch vào làm cho các anh rất khó thở, rất khó chịu. Thân nhân chúng tôi có nhắn ra để mua khẩu trang hoạt tính gởi vào cho các anh ấy, thì tôi biết rằng tình trạng này rất nguy hại cho sức khỏe. Thứ ba nữa là trại giam ấy gần cái hố ga, nước thải đó bốc lên mùi hôi thối.”

Thanh Quang: Cũng tới thăm nuôi chồng hồi tháng rồi, bà Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ nhà dân chủ Phạm Văn Trội, mô tả không khí ô nhiễm này:

Bà Huyền Trang: “Hiện giờ các tù nhân ở đó, trong đó có chồng tôi, phải gánh chịu sự ô nhiễm rất nặng nề. Mỗi lần thăm, gặp anh Trội thì anh phàn nàn rất nhiều. Và cũng có dấu hiệu là sức khoe anh ấy giảm sút, mệt mỏi, bị đau đầu, viêm họng suốt, không chịu nỗi.”

Thanh Quang: Bà Ngô Thị Lộc sau khi thăm nuôi chồng là nhà đấu tranh dân oan Nguyễn Kim Nhàn ở trại Nam Hàn cũng có nhận xét tương tự:

Bà Ngô Thị Lộc: “Các anh ấy ở khu đó, có mấy lò gạch suốt ngày sả khói than rất là nhiều. Hơn nữa, bên cạnh lại có những cái hố phân bốc mùi nồng nặc lắm. Mỗi lần chúng tôi đi thăm là phải mua cho các anh ấy khẩu trang hoạt tính. Mà một tháng chỉ được đi thăm một lần thôi. Cho nên một tháng chúng tôi chỉ được thay cho các anh một lần khẩu trang thôi.”

Môi trường độc hại

Mỗi tuần tôi cùng anh em tù nhân ở đấy bị hít khí dioxide carbon – CO chứ không phải CO2 nhé – rất độc, có thể tác hại cả lúa, hoa màu.

Ô. Nguyễn Khắc Toàn

Thanh Quang: Một trong những cựu tù nhân từng trực tiếp chịu đựng không khí độc hại vừa nói là nhà dân chủ Nguyễn Khắc Toàn, khi ông bị giam giữ gần 3 năm tại chính nơi mà 3 nhà bất đồn chính kiến vừa nói đang bị giam giữ. Nhà đấu tranh cho dân oan Nguyễn Khắc Toàn nhớ lại:

Ông Nguyễn Khắc Toàn: “Bản thân tôi cũng đã từng ở buồng số 6 , phân trại 3 Nam Hà này. Chính tôi cũng làm đơn kiến nghị đòi chuyển lò gạch đó đi. Bởi vì mỗi tuần tôi cùng anh em tù nhân ở đấy bị hít khí dioxide carbon – CO chứ không phải CO2 nhé – rất độc, có thể tác hại cả lúa, hoa màu. Điều tệ nhất của ban giám thị trại giam là đã biết chuyện đó rồi, xây dựng không hợp lý, không khoa học ở sát khu dân cư như thế, đặc biệt là sát một trại tù có mật độ người đông như thế thì rõ ràng chỉ có đầu độc tù nhân thôi, làm cho sức khỏe tù nhân, nhất là những tù chính trị, những người già yếu, sẽ suy kiệt mà chết dần chết mòn.

Ông Phạm Văn Trội. RFA file Photo.
Ông Phạm Văn Trội. RFA file Photo.
Nhưng ban quản lý trại, từ đó đến giờ đã gần 10 năm nay rồi có hứa với tù nhân, có hứa với chúng tôi, là sẽ chuyển đi. Đến bây giờ, 10 năm rồi, vẫn chưa chuyển. Vấn đề chính là khi có kiến nghị rồi, khi bị phản đối rồi, khi đã có căn cứ khoa học là anh em bị đầu độc như thế thì phải chuyển họ đi. Nhưng cả chục năm nay vẫn không chuyển ! Họ coi thường sinh mạng của tù nhân quá. Tất cả tù nhân hình sự không dám lên tiếng đâu. Lên tiếng là bị cùm ngay, bị kỷ luật ngay. Cái đó chỉ có tù nhân chính trị mới dám nói”.

Thanh Quang: Trước tình cảnh những người chồng – và cả những tù nhân khác – bị hành hạ bởi không khí ô nhiễm nghiêm trọng như vậy, nên các bà Nguyễn Thị Nga, Ngô Thị Lộc và Nguyễn Thị Huyền Trang đã quyết định gởi kiến nghị lên giới hữu trách, như bà Huyền Trang, vợ nhà dân chủ Phạm Văn Trội, cho biết:

Bà Huyền Trang: “ Vừa rồi tôi với cô Nga và chị Lộc có viết đơn kiến nghị lên Ban giám thị trại giam và Cục Quản lý trại giam thuộc Bộ Công an cùng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao về tình trạng ô nhiễm của tù nhân ở trại giam đó. Đến giờ hơn nửa tháng rồi mà chưa có phản hồi gì từ phía cơ quan chức năng”.

Thanh Quang: Theo bà Nguyễn Thị Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, thì đơn kiến nghị này không chỉ chú trọng tới vấn đề môi sinh, mà còn về cách đối xử bạc đãi của giới cai ngục:

Bà Nguyễn Thị Nga: “Đơn đưa lên Cục Quản lý trại giam và Ban giám thị trại giam cách đây khoảng 15 ngày rồi mà hiện tại thì không thấy hồi âm. Nhưng không phải chúng tôi chỉ có kiện về chuyện thân nhân chúng tôi bị giam cầm nơi ô nhiễm, mà còn việc chúng tôi thăm thân nhân chúng tôi, thì họ trả lời rằng bị kỷ luật. Tôi cũng chưa hiểu kỷ luật đó là cái kỷ luật về hình thức gì mà không cho chúng tôi được gặp chồng. Mà lại còn không cho chúng tôi tiếp tế đồ ăn nữa. Đấy là tình trạng mà gia đình chúng tôi rất lo lắng, rất bức xúc từ lúc cách đây khoảng một tháng rồi. Tôi nghĩ việc không cho chúng tôi thăm là hình phạt về tinh thần các anh ấy thôi. Nhưng thực ra đây còn cả về mặt vật chất, tức là hành hạ thân thể nữa. Không cho mang đồ ăn vào, thì đấy là việc tôi nghĩ rất vô lý. Hiện trạng là hơn một tháng nay chúng tôi không được gặp các anh ấy.”

Thanh Quang: Theo 3 thân nhân của các tù nhân lương tâm ấy, thì hiện giờ, ngoài việc họ không được gặp, không được gởi thực phẩm cho chồng mà cả thư từ cũng bị nghiêm cấm.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
04/04/2011 20:53

Đâu phải mỗi phạm nhân phải chịu những điều đó, chẳng nhẽ trong trại giam chỉ có mỗi phạm nhân ư? những người cán bộ quản giáo họ cũng phải chịu như thế thậm chí là còn lâu hơn?? Đừng có lấy cớ mà kêu ca nữa đi ? ...........