Cuộc chơi không dành cho người yếu tim

Cafe Wifi kỳ này mời quý vị tái ngộ với các bạn Hương ở Mỹ, Vương Anh ở Úc và Hòa từ Singapore trong câu chuyện của những bạn trẻ Việt Nam khi đi ra nước ngoài.
Khánh An, phóng viên RFA
2010.03.17
Hkg2799211.jpg Sinh viên VN đang tìm hiểu về trường đại học Hoa Kỳ Wyoming tại hội chợ du học ở Hà Nội năm 2009
AFP photo/Hoang Dinh Nam

Liệu họ có đủ sức để bơi đến đích trong cuộc đua ở biển lớn? Họ đã học được gì trong cuộc đua ấy? Mời quý vị tiếp tục lắng nghe những chia sẻ của những bạn trẻ vốn được xem là năng động khi còn ở Việt Nam.

“Nhập gia tùy tục”

Hương: Hồi ở Việt Nam, Hương cũng đã từng là bí thư của lớp, rồi bí thư ở trong đoàn khóa của trường đại học, cũng là đối tượng Đảng, tham gia rất nhiều hoạt động. Qua bên đây, trong năm đầu tiên là thụ động rồi tại vì năm đầu tiên lạ nước lạ cái.

Qua năm thứ hai, mình mới bắt đầu tham gia nhưng mà khi tham gia thì không thể nào mà giữ phong thái của Việt Nam là "tôi đã từng là bí thư đoàn thì tôi phải được lên làm trưởng ở đây", cái đó là không thể được rồi. Hương tham gia và thấy nhiều khi những trò chơi ở Việt Nam sử dụng được nhưng ở bên này thì không, mình phải học hỏi coi người ta thích cái gì.

Bây giờ mình phải học cách nhận nữa, nhận với tất cả lòng biết ơn, nhận bằng sự trân trọng để sau này mình có cái để cho lại nữa.

Bạn Vương Anh

Nó giống như là làm kinh tế vậy đó, mình thấy khách hàng người ta thích cái gì thì mình phải theo ý khách hàng, chứ không phải mình tạo ra sản phẩm rồi bắt khách hàng thích sản phẩm đó.

Khánh An: Cảm ơn Hương, còn các bạn khác có bị trường hợp đang năng động trở thành thụ động hay không, khi ra nước ngoài? 

Vương Anh: Ở Việt Nam, rảnh là em lại chạy đến những nhóm bạn, đến với các nhóm từ thiện, đó là nhu cầu của mình. Mình muốn đến để đem khả năng của mình để giúp cho những người kém may mắn hơn. Khi qua đây, mọi thứ đều khó khăn, không còn thời gian nữa. Có lẽ ở Việt Nam mình dư dả nên mình dễ dàng cho người khác hơn, ở đây, đôi khi phải co lại để lo cho chính mình còn không xong nữa.

Nhưng mà có máu rồi, do đó khi lên xe bus mà gặp bạn nào Châu Á, nhìn giống Việt Nam thì cũng tự nhiên bắt chuyện với họ. Từ từ, mình cũng hòa nhập được và có một nhóm bạn nghèo, đi xe bus chung với nhau, đi làm thêm chung với nhau, đi làm ở nhà hàng, nâng đỡ nhau về tinh thần cũng như về việc học, để mình giữ mục đích cuối cùng của mình đó là qua đây để học.

Thêm nữa, vì những nhóm bạn và những việc mình đã làm ở Việt Nam, mình nhớ những nhóm bạn vì nó vô vụ lợi, nhưng mà bây giờ mình phải học cách nhận nữa, nhận với tất cả lòng biết ơn, nhận bằng sự trân trọng để sau này mình có cái để cho lại nữa.

“Đói cho sạch, rách cho thơm”

Khánh An: Có thể thấy một điều rất rõ, đó là các bạn bị thảy ra ngoài, các bạn không còn ở Việt Nam nữa, có thể nói là các bạn không còn ở trong lòng mẹ nữa, ở trong một môi trường khá phức tạp đối với các bạn.

000_Hkg2799208.jpg
Sinh viên, học sinh VN tìm hiểu về du học tại một hội chợ du học tổ chức ở Hà Nội năm 2009. AFP photo/Hoang Dinh Nam
AFP photo/Hoang Dinh Nam
Nếu như trong trường hợp của Vương Anh, Khánh An thấy rằng đó là một môi trường đầy thử thách và nó rèn cho Vương Anh một ý chí mới, một nghị lực để các bạn có thể thích nghi được với hoàn cảnh hiện tại, nhưng cũng có không ít bạn trẻ đã không đứng vững nổi. Khánh An muốn hỏi các bạn, khi các bạn ra khỏi Việt Nam, các bạn có nghĩ rằng trong một lúc nào đó mình có thể phải thích nghi bằng mọi giá?

Hương: Nếu chị nói về chuyện đó thì Hương nhớ một câu nói mà người xưa ở Việt Nam hay nói là "đói cho sạch, rách cho thơm". Khi qua đây Hương cũng thường tự nhắc Hương chuyện đó. Hương nghĩ, con người mình cái quan trọng nhất là tính cách và sự tôn nghiêm. Vẫn có nhiều con đường để mình có thể lựa chọn vì sự việc là do mình tạo nên. Nếu mình chọn đi con đường đúng thì nó sẽ đúng.

Khánh An: Cảm ơn Hương. Thế còn Hòa và Vương Anh?

Hòa: Hòa thấy, chắc chắn mình phải có sự lựa chọn thôi, nhưng quan trọng là mình phải chọn như thế nào để đúng với lương tâm, đúng với những cái mà người lớn, ba mẹ đã dạy mình. Mình phải suy nghĩ trước khi mình chọn, chứ nếu để khi chọn sai một con đường nào đó thì mình sẽ khó mà quay lại được.

Vương Anh: À, đứng trước một lựa chọn mà buộc phải thích nghi hay quay về Việt Nam thì cái này là một quyết định phải nói là thay đổi cục diện luôn đó. Theo kinh nghiệm bản thân của Vương Anh, đầu tiên khi mình qua đây với số vốn ít ỏi, hai vợ chồng tự tin lắm, coi như tiết kiệm tối đa, cố gắng học cho thật nhiều để mình có thể thi lấy cái bằng ở Úc này.

Vẫn có nhiều con đường để mình có thể lựa chọn vì sự việc là do mình tạo nên. Nếu mình chọn đi con đường đúng thì nó sẽ đúng.
Bạn Hương

Nhưng mà khi qua đây thì mọi thứ đều thay đổi, tiền cứ vèo vèo bay đi. Hai tháng đầu, mình mất một số tiền khá lớn mà nhìn lại chưa học được nữa, mình chưa kiếm được chỗ nào để học cho nó đàng hoàng. Mình bắt đầu hoang mang, có nên quay về không, mình có chọn đúng đường hay không? Mình không còn định hướng được nữa. Rồi bây giờ mình kiếm không được đồng tiền nữa, mình không biết nên tiếp tục đi học với tính cách là chỉ học hay vừa đi làm vừa đi học. Rồi bắt đầu mượn nợ người khác.

Trời ơi, nó kinh khủng khi đến gần ngày trả nợ mà mình chưa có tiền để trả! Nhiều hôm mình nghĩ là mình sẽ thử sức một thời gian ở đây bằng cách sẽ đi làm cuối tuần, còn trong tuần thì mình sẽ gắng học. Đến bây giờ trong đầu vẫn còn câu hỏi là mình có nên ở và thích nghi với cuộc sống ở đây hay là sẽ quay về Việt Nam để làm cái nghề như mình đã từng làm để kiếm được đồng tiền dễ dàng hơn. Đó vẫn còn là câu hỏi mà chưa có câu trả lời.

Khánh An: Như vậy, có thể thấy cái băn khoăn rất lớn ở nhiều bạn trẻ khi các bạn đi ra nước ngoài mà không có nhiều điều kiện như những người khác thì ngoài những cú sốc về tinh thần, các bạn còn phải đối diện với cái thực tế khó khăn về vật chất nữa.

Điều đó dẫn đến rất nhiều bạn trẻ chọn con đường là phải tìm một cách nào đó, kết hôn đại chẳng hạn để có thể dễ thở hơn, để trụ vững lại vì khi các bạn quay về thì điều đó không dễ. Nếu các bạn đã ra đi mà các bạn không lấy được bằng, các bạn không đạt được mục đích của mình thì điều đó đâu có dễ đối với các bạn, phải không?

Vương Anh: Cái này dĩ nhiên là đúng rồi.

Khánh An: Như vậy, theo các bạn, mình có bí quyết nào để lựa chọn hay không?

Vương Anh: Hơi khó một tí. Thôi cứ nói bừa đi nghe! Vương Anh thấy vầy, đặt ra vấn đề là định nghĩa của mỗi người khác nhau về hạnh phúc của con người. Có nhiều người thì thành công là phải có bằng ở nước ngoài về Việt Nam, có người chỉ ở Việt Nam thôi và sống một cuộc sống lương thiện và sung túc là thành công.

Cái đó còn tùy định nghĩa hạnh phúc của mỗi người nữa, nhưng cái khó ở chỗ là đôi khi có những người buộc phải chọn con đường phải ở lại vì khi họ quay ngược về Việt Nam, họ không còn khả năng để trả nợ nữa. Vương Anh thấy là đặt ra cái trường hợp đó thì quá khó, quá khó! Họ ở trong hoàn cảnh giống như là ở giữa biển vậy, chụp được cái phao nào là lấy cái phao đó liền.

giao-duc-250.jpg
SV VN tại Hội chợ Giáo dục ở Hà Nội tháng 9/2009. AFP photo/Hoang Dinh Nam
SV VN tại Hội chợ Giáo dục ở Hà Nội tháng 9/2009. AFP photo/Hoang Dinh Nam
Có thể cái phao đó là sự tài trợ của người khác, cái đó quá may mắn rồi. Nhưng cũng có nhiều bạn trẻ phải chọn những cái phao mà có lẽ khi thành công rồi, đến một lúc nào đó nhìn lại thì không biết có hối tiếc không, nhưng mình thấy nhiều khi hơi đáng tiếc cho bạn đó. Cái đó là có thật và Vương Anh cũng đã từng gặp nhiều bạn rồi, họ không biết nên giải quyết như thế nào.

Có lẽ đối với Vương Anh, câu trả lời đó là đức tin thôi. Mình nhìn biến cố đó giống như là một dấu chỉ của Thượng Đế cho mình biết, có lẽ con đường mình chọn không đúng mà mình nên chọn con đường khác. Mình nên can đảm để bước đi trên con đường đó.

Cân nhắc thật kỹ

Khánh An: Cảm ơn Vương Anh. Như vậy, Khánh An muốn hỏi các bạn là mình kết luận như thế nào về vấn đề này? Các bạn có nghĩ rằng chuyện đi ra nước ngoài là một điều nên làm đối với tất cả các bạn trẻ ở Việt Nam? Nói cách khác, các bạn có lời khuyên nào cho những bạn trẻ đang có ý hướng muốn đi ra nước ngoài để thử sức mình?

Hòa: Hòa nghĩ, thứ nhất là cần phải xem xét môi trường nước đó như thế nào. Ví dụ, nếu các bạn qua bên Sing thì các bạn phải biết là mình cần chuẩn bị đủ tài chính hoặc phải cố gắng xin một học bổng nào đó bên này, chứ thật sự qua bên Sing thì không thể nào đi làm thêm được. Mình cũng cần phải xem xét lại điều kiện của mình rước khi quyết định đi ra nước ngoài.

Nếu như mà có cơ hội để đi ra nước ngoài, các bạn nên suy xét thật kỹ, các bạn muốn gì, các bạn sẽ làm gì sau khi có được cái bằng ở nước ngoài.
Bạn Vương Anh

Hương: Thật sự mình cũng hiểu là ở Việt Nam, hệ thống giáo dục khác với hệ thống giáo dục ở bên này. Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm, nâng cao trình độ của mình thêm thì đi ra nước ngoài, qua bên Mỹ là nên làm. Nhưng mà cũng cần phải chuẩn bị đầy đủ tinh thần bởi vì ở bên Mỹ cũng giống như bên Sing vậy, đó là không thể nào mà vừa đi học vừa đi làm, đó là điều không thể. Cần phải chuẩn bị đầy đủ tài chính, chuẩn bị đủ tinh thần về sự thay đổi hoàn cảnh, thay đổi lớn.

Vương Anh: Nếu như mà có cơ hội để đi ra nước ngoài, Vương Anh khuyên một điều, đây không phải là một cuộc chơi dành cho người yếu tim. Các bạn nên suy xét thật kỹ, các bạn muốn gì, các bạn sẽ làm gì sau khi có được cái bằng ở nước ngoài. Tiếp nữa là nếu như mà các bạn có một tổ chức, một nhóm mà các bạn có thể tìm đến được để có được sự nâng đỡ về tinh thần và đôi khi là vật chất nữa, thì điều đó là điều rất nên.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”

Khánh An: Và một câu hỏi cuối: Khi các bạn ra nước ngoài, các bạn học được gì từ những khó khăn như vậy?

Hương: Trong vòng năm sáu năm ở đây, Hương cảm thấy mình lớn lên, trưởng thành lên rất nhiều. Mình hiểu biết nhiều hơn, nhìn sự việc cũng rõ ràng hơn so với hồi xưa. Đặc biệt nữa là ý thức con người là một điều mà Hương cảm thấy Hương thành đạt rất nhiều. 

Hòa: Thành quả lớn nhất mà Hòa đạt được là sự tự tin sau khi tốt nghiệp. Hòa can đảm hơn rất nhiều và có thể tự lập cuộc sống của mình.

Thành quả lớn nhất mà Hòa đạt được là sự tự tin sau khi tốt nghiệp. Hòa can đảm hơn rất nhiều và có thể tự lập cuộc sống của mình.
Bạn Hòa

Vương Anh: Tại vì mình đang phải vật lộn với cuộc sống rất nhiều và cả việc học nữa, cho nên chưa gặt hái được nhiều trong việc học, nhưng trong định hướng cuộc sống, mình cảm thấy rõ được là mọi thứ đều có thể mất đi. Cái cốt lõi nhất là mình sống sao cho có ích thôi. Mình sống hết mình với mình ngày hôm nay, mình cố gắng học hỏi những cái mới ngày hôm nay và mình cũng học chấp nhận là mình sẽ thất bại trong tương lai nữa. Cái học thất bại là cái học kinh khủng nhất mà mình đang muốn né, nhưng thật tình là mình bắt đầu học.

Khánh An: Từ những chia sẻ của Vương Anh và các bạn thì có thể thấy một điều rất là rõ, là trong cuộc chơi mà Vương Anh nói là "cuộc chơi này không dành cho những người yếu tim" thì dù các bạn có gặp nhiều khó khăn, thất bại, các bạn có gặp những va vấp trong cuộc đời thì các bạn cũng vẫn có thể gặt hái được một cái thành quả nào đó, có thể là một công việc tốt, một bằng cấp, cũng có thể là một bài học rất lớn về nhận thức con người.

Khánh An chúc mừng các bạn về những thành quả mà các bạn có được và cũng cầu mong cho các bạn trong cuộc chơi này, giữa bể bơi toàn cầu này, có thể gọi như vậy được không, thì các bạn vẫn có đủ nghị lực để các bạn có thể bơi nhanh và bơi tới đích.

Cảm ơn các bạn rất là nhiều đã tham gia với chương trình Cafe Wifi lần này và hẹn gặp lại các bạn trong những chương trình lần tới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
14/10/2010 12:27

Toi thong cam voi cac ban du hoc sinh, cac ban se doi dien voi nhieu kho khan nhu tai chanh, ngon ngu, phong tuc , mong doi o gia dinh. Truoc khi di cac ban can chuan bi cang nhieu cang tot, tim hieu cac tin tuc tren internet,cac nguoi di truoc. Cac ban co the tim den cac cong dong dia phuong, cac hoi sinh vien, va cac dong huong da song lau nam o dia phuong de hoi them , toi nghi rang ho se khong han hep de giup do cac ban. Dung ra cong viec nay la cua toa dai su, nhung toi khong nghi la ho muon lam viec nay.

Anonymous
17/03/2010 08:40

cac ban noi chuyen hay qua, nhung thieu thuc te. Viec hoc hanh la nang coa kien thuc,chu khong phai la kiem tien.Huong va Vuong Anh deu la can bo "doan cong san" tai sao khong nhan ra, nhung gi minh bi ap dat. hay nhung gi minh tu chon lua.Cac ban co biet bao nhieu fercent du hoc sinh tro ve VN xay dung que huong khong?