Đạo luật Lacey sửa đổi ảnh hưởng gì đến VN?

Hoa Kỳ vừa đưa vào đạo luật Lacey những thay đổi lớn liên quan đến việc nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ vào thị trường Mỹ.
Việt Hà, phóng viên RFA
2010.09.29
000_APH2003052646396-305.jpg Những chiếc xe tải vận chuyển gỗ ở Đak Lak vào những năm 2003. Thống kê tại thời điểm đó, mỗi năm khu vực này mất khoảng 15.000 ha rừng.
AFP photo

Bảo đảm nguồn gốc gỗ rõ ràng

Những thay đổi này đã bắt đầu có hiệu lực một phần từ năm 2009 và sẽ có hiệu lực toàn bộ vào năm 2011. Mục đích của những thay đổi này là nhằm hạn chế việc buôn bán và vận chuyển gỗ lậu trên thế giới. Đạo luật cũng có ảnh hưởng nhất định đến việc xuất khẩu đồ gỗ từ các nước, nhất là các nước đông Nam Á là các nhà xuất khẩu đồ gỗ lớn vào thị trường Mỹ.

Trong suốt 3 tháng, từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu của WWF và TRAFFIC với sự hỗ trơ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức một loạt các hội thảo tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, để thảo luận các biện pháp chống buôn bán gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp, và giới thiệu về tác động của đạo luật Lacey sửa đổi của Hoa Kỳ.

Đạo luật Lacey là đạo luật đầu tiên nghiêm cấm nhập khẩu, bán hoặc kinh doanh gỗ và các sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Các công ty nhập khẩu lâm sản vào Hoa Kỳ sẽ phải yêu cầu các nhà cung cấp như các xưởng chế biến và nhà máy sản xuất tại các quốc gia châu Á phải hiểu rõ vai trò của họ trong việc đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý sửa đổi.

Theo ông Jack Hurd, giám đốc Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên (TNC), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở chính tại Mỹ, đạo luật này đã ra đời từ đầu thế kỷ 20 và đã được sửa đổi nhiều lần. Lần sửa đổi gần đây nhất là vào tháng 6 năm 2008. Theo quy định của các thay đổi này, giờ đây các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm đảm bảo các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào thị trường Mỹ có nguồn gốc gỗ rõ ràng và hợp pháp.

Trách nhiệm chính thuộc về nhà nhập khẩu. Nói ví dụ một công ty Mỹ nhập khẩu sản phẩm gỗ từ các nước khác thì công ty đó phải có trách nhiệm đảm bảo là không nhập các sản phẩm từ gỗ lậu

Ô. Jack Hurd, GĐ TNC


Ông Jack Hurd nói: "Trách nhiệm chính thuộc về nhà nhập khẩu. Nói ví dụ một công ty Mỹ nhập khẩu sản phẩm gỗ từ các nước khác thì công ty đó phải có trách nhiệm đảm bảo là không nhập các sản phẩm từ gỗ lậu. Anh sẽ phải đặt câu hỏi đối với người bán đồ cho anh. Lúc đó trách nhiệm lại chuyển sang người xuất khẩu vì anh phải trả lời được câu hỏi từ người nhập sản phẩm."

Các hình phạt được đưa ra cho người phạm luật áp dụng đối với nhà nhập khẩu, từ mức phạt hình sự đến dân sự tùy theo mức độ. Mức phạt tối đa là 500 ngàn đô la một doanh nghiệp, 250 ngàn đô la với cá nhân, hàng vi phạm bị tịch thu.

Cũng theo ông Jack Hurd, thì "tại nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam, từ nhiều năm nay đã quen với cách làm là chỉ lo giấy tờ chứng nhận hợp lệ là được miễn là giá cả hợp lý, nhưng với đạo luật Lacey, việc lo giấy tờ chứng minh không thôi không đủ mà phải chứng minh được nguồn gốc gỗ. Đây là quá trình phức tạp hơn rất nhiều."

Khó khăn cho VN

Nói với báo chí trong nước, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam cho rằng hiểu biết để ứng phó với đạo luật này của các doanh nghiệp Việt Nnam là chưa sẵn sàng, bởi vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan chức năng. Đến nay, các bộ ngành liên quan vẫn chưa có ý kiến thống nhất về cơ quan nhà nước hay một tổ chức phi chính phủ nào sẽ chịu trách nhiệm cấp một số giấy chứng nhận cho doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp chế biến gỗ chưa biết lấy tiền đâu mà triển khai và xin cấp chứng chỉ vì mỗi lâm trường trồng rừng nguyên liệu lấy gỗ cần 2 triệu đô la thì mới triển khai được.

000_APH2001080155259-200.jpg
Một phụ nữ đang hoàn thành bức tượng gỗ tại một xưởng điêu khắc gỗ tư nhân ở Bắc Ninh. AFP photo
Một phụ nữ đang hoàn thành bức tượng gỗ tại một xưởng điêu khắc gỗ tư nhân ở Bắc Ninh. AFP photo
Một khó khăn khác nữa mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải với đạo luật Lacey theo ông Nguyễn Tôn Quyền là "hiện Việt Nam không biết quốc gia nào, công ty nào để có thể bán gỗ cho Việt Nam với đầy đủ giấy phép như yêu cầu. Ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam phụ thuộc đến 80% nguyên liệu từ nước ngoài."

Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, Ngô Văn Thoan, trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây với đài Á châu Tự Do thì nhận định đạo luật Lacey mới tạo thêm rào cản thương mại và khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao hơn, "họ quy định nhiều việc làm mới, làm cho chi phí lên cao, mất nhiều thời gian, và người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao hơn."

 Nhưng theo ông Jack Hurd của TNC thì quan niệm cho rằng đạo luật Lacey tạo rào cản thương mại và do đó có thể làm giảm xuất khẩu là không có căn cứ:

"Nhận xét là các quy định này là các rào cản thương mại theo tôi là không đúng. Việc yêu cầu các nhà xuất khẩu tuân thủ luật pháp của chính nước họ không thể coi là không hợp lý. Tôi nghĩ là xuất khẩu sẽ giảm sút. Lý do thứ nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam là một cơ cấu phức tạp. Đây là ngành xuất khẩu quan trọng, các doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu của thế giới. Những nhà kinh doanh ở đây rất nhạy bén trong việc thích ứng với những thay đổi trên thị trường thế giới. Lịch sử ngành công nghiệp đồ gỗ Việt Nam cho thấy điều đó."

Hiện xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn rất mạnh, mặc cho cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Năm 2009, Mỹ nhập của Việt Nam 1 tỷ đô la. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Bà Ngô Thị Hồng Thu, Phó tổng giám đốc công ty kỹ nghệ gỗ Trường Thành, một trong các công ty xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam sang Hoa Kỳ, nói rằng những quy định mới có tạo ra các rào cản nhất định, chủ yếu là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ. Nguyên nhân là vì lâu nay họ đã quen mua gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí gỗ lậu để đảm bảo giá cạnh tranh. Nay để đáp ứng được những quy định mới, họ sẽ phải thay đổi lại tập quán kinh doanh của mình. Điều này không dễ thực hiện một sớm một chiều. Còn công ty gỗ Trường Thành đã sẵn sàng để đối phó:

Hiện Việt Nam không biết quốc gia nào, công ty nào để có thể bán gỗ cho Việt Nam với đầy đủ giấy phép như yêu cầu. Ngành xuất khẩu gỗ của Việt Nam phụ thuộc đến 80% nguyên liệu từ nước ngoài.

Ô. Nguyễn Tôn Quyền, CT. Hiệp hội gỗ VN


"Công ty biết rất rõ và công ty ý thức được việc này, từ năm 2002 tức là 7 năm trước đây mình đã set up công ty mình theo quy trình COC  tức là chain of custody nghĩa  là truy  ngược lại nguồn gốc và từ năm đó mình đã được chứng nhận của tổ chức SCS về việc công ty tổ chức và đạt chứng nhận COC luôn, là 1 công ty có khả năng làm hàng có chứng nhận FFC, nói chung về nguồn gốc sản phẩm, nguồn gốc gỗ dùng trong sản phẩm thì rất rõ ràng từ 2002 tới bây giờ."

Việt Nam đặt ra mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ 3 tỷ đô la trong năm nay, với các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU và Nhật. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 26% kế hoạch cả năm. Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt liên quan đến những thay đổi về chính sách tại các thị trường lớn, đại diện hiệp hội gỗ Việt Nam vẫn tin tưởng ngành xuất khẩu gỗ sẽ đạt được mục tiêu đề ra và nằm trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam năm nay.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.