Houston: biểu tình phản đối Trung quốc xâm lấn Việt Nam

Hàng ngàn người Việt ở Houston đã rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối sự xâm lăng của Trung Quốc vào trưa Chủ Nhật, ngày 26 tháng 8 năm 2012
Hiền Vy, thông tín viên RFA
2012.08.29
Hàng ngàn người Việt đã đến trước Lãnh sự quán Trung quốc, biểu tình phản đối Bắc Kinh xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam Hàng ngàn người Việt đã đến trước Lãnh sự quán Trung quốc, biểu tình phản đối Bắc Kinh xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam
Photo Hien Vy, RFA


Tải xuống - download

Trước sự đàn áp người dân yêu nước biểu tình phản đối Trung quốc xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam, thì cách đây vài tuần, một số nhân sĩ trong nước đã lên tiếng đề nghị nhà cầm quyền Việt Nam để cho các đoàn thể tổ chức biểu tình chống Trung quốc xâm lược. Trong khi người Việt trong nước chưa có câu trả lời từ nhà cầm quyền, thì người Việt hải ngoại tại nhiều nơi, đã xuống đường biểu tình phản đối sự xâm lăng của Trung Quốc.  "Ủy ban đấu tranh bảo toàn lãnh thổ Việt Nam" đã tổ chức một cuộc xuống đường rầm rộ tại Houston vào trưa Chủ Nhật, ngày 26 tháng 8 năm 2012

Không e ngại cái nắng gay gắt của buổi trưa Hè, hàng ngàn người Việt hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Đồng Liên Tôn Houston, đã đến trước Lãnh sự quán Trung quốc, biểu tình phản đối Bắc Kinh xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Không chỉ người Houston mà các cộng đồng người Việt quốc gia từ Galveston, Austin, San Antonio, Dallas, Tarrant... cũng tham dự.

Kêu gọi tinh thần Diên Hồng của người Việt

Hoà thượng Thích Huyền Việt  và LM Phạm hữu Tâm, thay mặt ban tổ chức đọc bản tuyên cáo, nói lên sự phản đối của người Việt trước sự bành trướng thế lực của Trung Quốc:

"Cực lực phản đối và tố cáo nhà cầm quyền Trung cộng về chủ trương lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và một phần lớn vùng biển Đông Nam Á.

Cực lực phản đối những yêu sách phi lý, ngang ngược của nhà cầm quyền Trung cộng đối với cái gọi là "đường lưỡi bò", chiếm đến hơn 80% diện tích vùng biển được bao bọc bởi 9 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đòi hỏi nhà cầm quyền Trung cộng chấm dứt mọi hành động gây hấn, bách hại ngư dân Việt Nam. Lập tức rút lui các lực lượng ngư thuyền, đơn vị quân sự khỏi vùng biển đảo Việt Nam. Trả lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam ..."

Linh mục Vũ Thành cho biết lý do Hội Đồng Liên Tôn kêu gọi biểu tình là để dấy lên tinh thần Diên Hồng trong lòng dân Việt, mà tiền nhân đã từng có trong những thế kỷ trước, khi Tầu xâm lấn Việt Nam:

Chúng tôi muốn tiếp nối 71 nhà trí thức hải ngoại và Việt Nam đã lên tiếng. Chúng tôi hy vọng nhóm lên tinh thấn Diên Hồng của toàn dân Việt Nam, đoàn kết với nhau mà đứng lên

Linh mục Vũ Thành

"Chúng tôi uất hận và đau xót cho đồng bào chúng tôi, nhất là những ngư dân vùng ven biển. Nước Việt Nam, một nửa là biển mà giờ đây Trung cộng mang hai mươi ba ngàn tàu đánh cá mà trong đó có vũ khí nữa, tràn ngập vào đó. Vì vậy mà có những khẩu hiệu "Ăn cắp cá". Ngư dân Việt Nam không có đất sống. Chúng tôi muốn tiếp nối 71 nhà trí thức hải ngoại và Việt Nam đã lên tiếng. Chúng tôi hy vọng nhóm lên tinh thấn Diên Hồng của toàn dân Việt Nam, đoàn kết với nhau mà đứng lên".

Linh mục Vũ Thành nói thêm là ngoài việc phản đối sự bành trướng của Trung quốc, "Ủy ban đấu tranh bảo toàn lãnh thổ Việt Nam" cũng phản đối nhà nước Việt Nam trước sự đàn áp người dân yêu nước, biểu tình chống Trung quốc tại Saigon và Hà Nội.

Cuộc biểu tình trước Lãnh sự quán Trung quốc ngày 26 tháng 8 năm 2012 ở Houston. Photo Hien Vy, RFA
Cuộc biểu tình trước Lãnh sự quán Trung quốc ngày 26 tháng 8 năm 2012 ở Houston. Photo Hien Vy, RFA
Photo Hien Vy, RFA
"Trước hết là chúng tôi chống Trung Cộng, và dĩ nhiên là chúng tôi chống sự đàn áp của nhà nước Việt Nam, không cho người dân biểu tình".

Ngoài khẩu hiệu "Trung Quốc! Hãy ngưng Ăn Cắp Cá" còn có những khẩu hiệu khác như: "Trung Quốc Xâm Lược! Hãy cút khỏi Việt Nam", "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Tẩy chay hàng hóa Trung quốc" ...

Lẫn trong tiếng nhạc đấu tranh và tiếng reo hò của đoàn người biểu tình, LM Phạm Hữu Tâm xác nhận trách nhiệm của một tu sĩ:

"Là tu sĩ, là giáo sĩ, những người lãnh đạo tinh thần tôn giáo, không làm chính trị nhưng trách nhiệm của tôn giáo là soi sáng, hướng dẫn lương tâm của con người. Sự đúng, sự thiện, phải làm. Sự xấu phải tránh. Và nhất là phải chống lại sự ác. Vì vậy hôm nay, Tôi phản đối Trung quốc xâm lăng đất nước tôi, giết hại đồng bào tôi. Tôi kêu gọi mọi người có lương tâm chân chính, phản đối sự ác này ..."

Quan tâm đến quê hương

Đứng cùng gia đình trong đoàn biểu tình, cô Minh Hoàng cho biết gia đình cô luôn luôn tham dự những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và Hà Nội, để hỗ trợ cho người dân trong nước, khi thấy họ bị công an VietNam đàn áp, không cho thể hiện lòng yêu nước, trước đại họa ngoại xâm:

Người Việt Nam có tấm lòng yêu nước thì dù ở nơi đâu cũng có thể thể hiện được

Cô Minh Hoàng

"Đau lòng lắm! Đau lòng lắm! Mình làm được cái gì thì làm thôi chứ rất là đau lòng. Họ đánh đập người dân. Họ coi dân không là con người nữa ..."

Cô Minh Hoàng cũng nói thêm là người Việt thì dù ở đâu cũng có thể biểu lộ lòng yêu nước:

"Người Việt Nam có tấm lòng yêu nước thì dù ở nơi đâu cũng có thể thể hiện được."

Một người biểu tình khác, tên Thắng cũng đồng quan điểm:

"Ít nhiều gì thì mình cũng phải quan tâm tới quê hương Việt Nam. Những người bên Việt Nam không có được cơ hội đi biểu tình để nói lên sự bất công của Trung cộng đối với Việt Nam. Bên đây mình phải nói lên những lời nói mà bên Việt Nam không nói được".

Có mặt trong đoàn biểu tình, Linh mục Nguyễn văn Khải, người đã từng cùng giáo dân Thái Hà xuống đường đòi công bằng cho người dân, vào những năm trước, so sánh sự đối xử khác biệt của cảnh sát với người biểu tình tại Việt Nam và Hoa Kỳ:

"Ở đây thì mọi người được tự do xuống đường, tự do giăng biểu ngữ và việc biểu tình thì được cảnh sát giúp đỡ và hướng dẫn rất trật tự. Ở Thái Hà hay Hà Nội, dân xuống đường biểu tình mà không cẩn thận là bị cảnh sát đàn áp. Đấy là sự khác biệt giữa một xứ sở tự do và một xứ sở độc tài toàn trị".

Dù biết nhà nước Việt Nam không nương tay với những người biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội và Sài gòn, nhưng anh Trần văn Bé Tư vẫn ao ước được một lần, cùng người dân trong nước xuống đường phản đối sự xâm lăng của phương Bắc:

"Nếu mình không lên tiếng thì người ngoại quốc họ không biết đâu! Mình phải lên tiếng. Lên tiếng thì giúp được trong nước. Trong nước đi biểu tình thì bị giam cầm, bị bịt miệng thì đâu có ai biết. Tôi thấy rất là giận dữ (với công an) mà rất là thương đồng bào trong nước. Mình cũng mong có cơ hội về đi biểu tình với đồng bào trong nước, cho dù họ bắt mình mình cũng chịu nữa..."

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.