Vấn đề y đức hiện nay
2010.03.01

Lương y như từ mẫu
Báo chí vẫn thường nêu những tấm gương tận tụy của những tập thể Bác sĩ và Điều dưỡng đã trải lòng với các bệnh nhân mắc những căn bệnh hiểm nghèo như: SARS, cúm H5N1, cúm H1N1, HIV/AISD. Những dịch bệnh chết người này phát sinh hoàn toàn bất ngờ. Thoạt đầu, ít ai hiểu biết nhiều về những chứng bệnh này và cả thế giới cũng bị động về chúng. Các bác sĩ và những nhân viên y tá luôn là những người đầu tiên phải tiếp xúc với các nguy cơ khi có dịch bệnh mới nổi lên. Đã từng có nhân viên y tế tử vong vì căn bệnh SARS khi bệnh này lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Trong những tình huống khác, báo
chí vẫn nhắc đến nghĩa cử cao đẹp của các bác sĩ hay y tá sẵn sàng hiến máu khi
bệnh nhân cần tiếp máu cấp cứu mà người thân của họ không có nhóm máu đó. Hoặc
những bác sĩ chuyên khám chữa bệnh cho bà con nghèo, người già, neo đơn ở vùng
sâu vùng xa, giúp đỡ cho những người dân còn thiếu điều kiện, ít hiểu biết về vấn
đề chăm sóc sức khoẻ.
Bác sĩ không chỉ là người điều trị, mà phải bằng sự chăm sóc thân tình, chia sẻ để họ cảm nhận được tình người, vượt qua những khủng hoảng để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Cấp
Tuy mỗi người trong ngành Y đều luôn có ý thức phòng vệ cho mình nhưng trong môi trường làm việc đặc trưng của bệnh viện, đôi khi những tai nạn nghề nghiệp bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Khoa Hồi sức của Viện Các Bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia nhớ lại có lần khi điều trị cho một thanh niên lần đầu tiên phát hiện dương tính với HIV, bệnh nhân này đã doạ bôi máu từ vết thương vào người Bác sĩ.
Bác sĩ Cấp chia sẻ kinh nghiệm:“Những người lần đầu tiên phát hiện căn bệnh này, họ hoảng loạn, hận đời có thể chủ động gây lây nhiễm cho người khác nên bác sĩ không chỉ là người điều trị, mà phải bằng sự chăm sóc thân tình, chia sẻ để họ cảm nhận được tình người, vượt qua những khủng hoảng để tiếp tục điều trị.”
Y đức hôm nay
Trái với những hình ảnh hy sinh cao cả ấy, mối băn khoăn lớn hiện nay là vấn đề y đức. Một số nhân viên, cán bộ trong ngành Y tế chỉ tập trung lao vào việc kiếm tiền. Người ta đổ lỗi cho đồng lương của bác sĩ không đủ nuôi gia đình.
Ngoài sự đau khổ do bệnh tật gây ra, bệnh nhân và người thân của họ còn cảm thấy bị “hành” ở các bệnh viện.
Báo chí đã nêu lên những vụ vi phạm đạo đức nghề nghiệp, như sự việc xảy ra ở Bệnh viện K Trung ương, và người ta cho rằng không chỉ ở bệnh viện này mà ở hầu hết tại các bệnh viện, tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế nhận tiền của bệnh nhân đang diễn ra rất phổ biến.
Người dân mỗi khi đau ốm hay trong gia đình có người bị bệnh phải đi nhà thương hay đi khám bác sĩ họ đều rất ngại. Chị Trâm Anh thường hay đưa hai con đi khám bệnh, khi được hỏi về những vấn đề khó khăn nhất mà chi cảm nhận khi đưa con đi khám bệnh. Chị Trâm Anh nói:
“Thứ nhất là sự chờ đợi, thứ hai bác sĩ không khám kỹ. Bác sĩ không cần nghe mình nói đã cho uống thuốc gì. Thường em nghĩ là nói cho bác sĩ biết để tránh không lặp lại loại thuốc đã cho uống rồi mà không hết bệnh, nhưng họ chỉ cần nghe nói ho một cái là ghi toa trong vòng một phút, nhìn sơ sơ, có khi bé không kịp há miệng ra cho bác sĩ coi, chỉ cần nghe phổi rồi đẩy ra ngoài liền.
Chờ cả tiếng đồng hồ mới tới lượt mình nhưng đến khi vào khám thì chưa đầy một phút. Đó là hai vấn đề em thấy ngại nhất. Làm việc trong bệnh viện thì họ cứ nghĩ tới phòng mạch ở nhà, còn bác sĩ làm tại phòng mạch ở nhà thì nghĩ tới bệnh nhân còn đang chờ ở ngoài trước, nên ráng khám nhanh cho xong đám bệnh nhân này. Họ cứ chạy theo con số mà không tính gì đến chất lượng.Thứ ba là quá mất vệ sinh, bệnh viện nào cũng như vậy, trừ bệnh viện quốc tế thì có đỡ hơn một chút.”
Và một vấn đề khác nữa là:
“Bây giờ bác sĩ tư họ hay
nuôi bệnh, thời gian đầu mình mới tới, trong một, hai lần đầu bác sĩ cho thuốc
uống là hết bệnh liền. Bắt đầu những lần sau khi con mình lại bệnh trở lại bác
sĩ khám, thì uống thuốc đến nửa tháng mới hết. Họ cho thuốc nhẹ, từ từ để nuôi
bệnh, phải uống đến cả tháng mới hết bệnh. Nên em phải đổi bác sĩ khác và tiếp
tục cũng như vậy.”
Bây giờ bác sĩ tư họ hay nuôi bệnh, thời gian đầu mình mới tới, bác sĩ cho thuốc uống là hết bệnh liền. Bắt đầu những lần sau thì uống thuốc đến nửa tháng mới hết, họ cho thuốc nhẹ, từ từ để nuôi bệnh.
Chị Trâm Anh
Bác Phan Huỳnh Liễu ở Phan Thiết, một bệnh nhân thường xuyên của Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Nhiều hồi mình gặp một ông bác sĩ khác,do quá đông khách nên chỉ xem qua loa rồi cho thuốc theo toa cũ, không sát sao với bệnh trạng, ngoại trừ việc đưa tay ra để đo huyết áp, đo nhịp tim, là kể như xong rồi, thì cứ dựa vô đó mà làm. Chỉ hỏi bệnh nhân một số điều cho có mà thôi. Việc đó cho thấy sự quan tâm của bác sĩ đối với bệnh nhân không có gì chặt chẽ, chỉ qua loa, đại khái, làm cho lấy có. Chú thấy bác sĩ nên nhiệt tình hơn trong việc xem xét, khám cho bệnh nhân.”
Mong ước của người dân
Ai cũng có ước muốn chung, mong ngành y tế sớm giải quyết những mối âu lo này để người dân được hưởng sự chăm sóc y tế tốt hơn, và các bệnh viện lớn cũng tránh được tình trạng quá tải bệnh nhân.
Ông Liễu giải thích:
“Mình cũng gặp nhiều trường
hợp, ở địa phương mình phán bệnh theo một kiểu, đến khi lên thành phố kiểm tra
lại trật lất, không giống tí nào với chẩn đoán trước đây, mà cái đó là phần nhiều.
Chú nghĩ do họ không được cập nhật thông tin, hoặc bồi dưỡng về nghiệp vụ nên mới
xảy ra tình trạng đó.
Mong rằng bác sĩ ở các bệnh viện nhỏ của các thành phố, các tỉnh nên luôn được cập nhật những thông tin mới, để người dân không cần phải đến những bệnh viện ở các thành phố lớn để xảy ra tình trạng quá tải.
Ô. Phan Huỳnh Liễu - Phan Thiết
Mong rằng bác sĩ ở các bệnh viện nhỏ của các thành phố, các tỉnh nên có phương thức để luôn được cập nhật để có những thông tin mới, để người dân không cần phải đến những bệnh viện ở các thành phố lớn để xảy ra tình trạng quá tải. Bây giờ đã có những tiến bộ khoa học,đó là điều tốt. Ngành Y nên cho các bác sĩ trẻ ra đào tạo ở nước ngoài để có thêm kiến thức.”
Chi Trâm Anh cũng nhận xét thêm:
“Thực ra không thiếu bác sĩ, bác sĩ bây giờ nhiều rồi, nhưng vấn đề là ở chỗ những người có khả năng thì họ có quá nhiều bệnh nhân nên họ không thể nào giải quyết hết. Một số bác sĩ do chạy theo con số, tiền bạc, không đầu tư về kiến thức để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn, nên họ không biết cách phối hợp thuốc mới để điều trị cho bênh nhân. Dù sao đi nữa, em nghĩ chỉ còn một số nhỏ bác sĩ bây giờ là có lương tâm và làm việc kỹ lưỡng mà thôi.”
Những “ung nhọt” trong ngành Y tế thực ra đã kéo dài khá lâu, gây mất lòng tin ở người bệnh, nhưng hiện nay vẫn chưa có lời giải nào cho vấn đề “nhức nhối” này.