Phản biện độc lập đầy lo ngại về Sông Tranh 2
2012.10.05
Tính mạng quan trọng nhất
Thanh Niên bản tin trên mạng ngày 4/10 trích ý kiến các nhà khoa học đặt vấn đề “Địa điểm xây Sông Tranh 2 là sai lầm?”. Tờ báo trích lời TS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình VN nói là “không thể tưởng tượng vì sao chủ đầu tư lại lựa chọn địa điểm này để xây dựng thủy điện Sông Tranh 2. Chúng ta có thể phải trả giá ghê gớm vì công trình này.”
GSTS Nguyễn Thế Hùng giảng dạy ở Khoa Xây dựng Thủy lợi Thủy điện Đại học Bách khoa Đà Nẵng đề cao sự cần thiết của những phản biện độc lập của giới khoa học liên quan tới động đất ở công trình thủy điện Sông Tranh 2, điển hình là bản nghiên cứu được công bố ngày 3/10 ở trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tại Hà Nội. Ông nói:
Các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng thấy nó nguy hiểm thì cũng phải bỏ chứ không có cách gì khác. Bởi vì tính mạng con người là quan trọng bậc nhất.GS Nguyễn Thế Hùng
“Trách nhiệm của các nhà khoa học là phải nói lên tiếng nói trung thực để từ đó Nhà nước, các cơ quan hữu trách họ nghe thấy tiếng nói trung thực đó để tìm ra nguyên nhân tháo gỡ những khó khăn. Bây giờ thủy điện bỏ ra số tiền lớn với mục đích thu lại lợi nhuận, nhưng các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng thấy nó nguy hiểm thì cũng phải bỏ chứ không có cách gì khác. Bởi vì tính mạng con người là quan trọng bậc nhất.”
Bảy nhà khoa học chuyên ngành địa chất, thủy điện, động lực học đứng đầu là GS Cao Đình Triều, Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật địa vật lý VN đã cùng nhau làm việc trong 6 tháng, để thực hiện phản biện độc lập mang tên “Đánh giá tình hình động đất khu vực công trình thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại.
Theo Thanh Niên Online điểm quan trọng nhất của nghiên cứu phản biện độc lập xác định rõ nguy cơ ở thủy điện Sông Tranh 2 là việc công trình này được xây dựng trên nền móng granite yếu, có khả năng trượt lở đất mạnh, nứt đất khi động đất mạnh xảy ra. Tại buổi công bố nghiên cứu phản biện độc lập ở Trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, GS Cao Đình Triều nói rằng, hiện tượng nứt và sụt lở đất trong khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có biểu hiện rất mạnh dọc theo đới đứt gãy, tạo nên nguy cơ về tai biến trượt và sạt lở đất rất cao, có thể gây ảnh hưởng tới các công trình dân sinh và hoạt động an toàn của đập cũng như gây lấp lòng hồ, chặn dòng chảy…mỗi khi có động đất mạnh xảy ra. Vẫn theo Thanh Niên Online, TS Phạm Văn Quýnh, Đại học Quốc gia Hà Nội, từng khảo sát thực địa ở Bắc Trà My nhận định, thủy điện Sông Tranh 2 đặt không đúng chỗ, nằm trên các thành tạo granite phức hệ Bến Giăng-Quế Sơn. Thân đập nằm trực tiếp trên đứt gãy đang hoạt động Bắc Trà My chạy theo hướng đông tây, có nghĩa nằm trên đới cà nát granite, một yếu tố quan trọng đóng góp vào động đất kích thích ngoài những yếu tố khác như áp suất, lỗ hổng trong quá trình tích nước
Đáp câu hỏi của chúng tôi phải chăng đã có sai lầm khi quyết định địa điểm xây dựng công trình thủy điện Sông Tranh 2 ở Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam, GS Vũ Trọng Hồng chủ tịch Hội đồng Khoa học nơi thông qua nghiên cứu phản biện độc lập của nhóm GS Cao Đình Triều trả lời hết sức dè dặt.
“Việc nói sai lầm thì nó cũng không phù hợp bởi vì khi thiết kế kỹ thuật thì Hội đồng Nhà nước người ta cũng xem xét, tức là các cơ quan thiết kế mà được Nhà nước giao quyền người ta đã xem xét kỹ vùng này. Ý kiến cho rằng sai lầm chỉ là ý kiến của một cá nhân thôi cho nên chúng tôi không kết luận gì về điểm này cả, trong hội đồng không kết luận điểm này. Bởi vì về phần thiết kế người ta đã tính kỹ và cho rằng không phải là không xây dựng được.”
Đánh giá rất cẩu thả?
Ở VN mới chỉ có Hòa Bình và Sơn La là hai công trình thủy điện lớn, khi tích nước thì có tiến hành nghiên cứu động đất kích thích trước khi tích nước hồ.TS Lê Huy Minh
Theo sự phân tích của GS Cao Đình Triều được Thanh Niên Online trích thuật, đập thủy điện Sông Tranh 2 nằm trong phạm vi ảnh hưởng của đới đứt gãy cấp 2 Trà My, do vậy động đất sẽ tác động trực tiếp tới vùng hồ và đập thủy điện. Hiện tượng tích nước gây nên động đất kích thích sẽ xảy ra dọc theo đới đứt gãy cấp 2 Trà My và một số đứt gãy cấp 3 trong phạm vi long hồ và lân cận. Nghiên cứu của nhóm GS Cao Đình Triều có những dự báo khác biệt với mối nguy hiểm đáng lo ngại, thí dụ động đất kích thích cực đại tại khu vực lòng hồ có thể đạt cấp độ mạnh tối đa 5,5 tới 6 độ Richter. Động đất bên trong lòng hồ được dự báo lên tới 5,9 độ Richter, độ sâu tâm chấn không vượt quá 15km, trong khi khu vực đập chính và vùng hạ lưu có thể lên tới 6,1 độ Richter.
Theo báo Lao Động bản tin trên mạng ngày 4/10, ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 đã chính thức thừa nhận sai sót khi kết luận trong đánh giá tác động môi trường là không có động đất kích thích ở thủy điện Sông Tranh 2. Tờ báo cũng vạch rõ là ông Nguyễn Tài Sơn đã phù phép biến tài liệu tổng hợp từ nước ngoài phục vụ hội thảo do TS địa sinh vật Lê Trần Chấn thực hiện thành kết quả nghiên cứu khoa học của thủy điện Sông Tranh 2. Sự kiện này chứng tỏ chủ đầu tư EVN đã rất cẩu thả đối với đánh giá tác động môi trường của thủy điện Sông Tranh 2.
Trả lời chúng tôi về việc thủy điện sông tranh 2 đã không tính đến động đất kích thích trước khi thiết kế và xây dựng công trình ở Bắc Trà My, TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu nhận định:
“Ở Việt Nam mới chỉ có Hòa Bình và Sơn La là hai công trình thủy điện lớn, khi tích nước thì có tiến hành nghiên cứu động đất kích thích trước khi tích nước hồ. Còn ở những thủy điện khác điều kiện ở Việt Nam còn khó khăn, nhiều khi Viện Vật lý Địa cầu có đề nghị nghiên cứu nhưng do hai thủy điện lớn, đặc biệt là thủy điện Hòa Bình động đất kích thích có xảy ra nhưng không lớn, thành thử những nơi khác chưa có điều kiện nghiên cứu. Thành ra khi thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra động đất kích thích hàng loạt đã làm cho việc ứng xử nó hơi chậm chạp. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng bây giờ chúng tôi lắp đặt thiết bị nghiên cứu thì cũng chưa đến nỗi quá muộn.”
Phản biện độc lập của nhóm GS Cao Đình Triều về tình hình động đất Thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiệt hại đề nghị cần được tiếp tục nghiên cứu thêm để có những kết quả mang tính khẳng định. Nhóm này cũng đề xuất hợp tác quốc tế để nghiên cứu động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2, song song với việc lắp đặt hệ thống trạm địa chấn cố định nhằm theo dõi động đất từ cấp 1 độ Richter trở lên, trong quá trình điều tiết nước hồ.
Trả lời chúng tôi tối ngày 4/10, từ Hà Nội TS Lê Huy Minh, Viện phó Viện Vật lý Địa cầu nhận định:
“Cũng cần phải có một thời gian để kiểm nghiệm, một mặt nhân dân ở trong đó chưa yên tâm. Thứ hai là đập cũng cần một thời gian kiểm nghiệm thử thách dù mới vừa xử lý chống thấm xong và chưa tích nước lại lần nào cả. Tôi nghĩ rằng quan điểm chưa cho tích nước lại cũng là hợp lý, ở đập ấy gọi là không cho tích nước nhưng khi lũ về nước có thể dân lên độ cao 161 mét trong khi hiện nay mực nước chết là 140 mét. Như thế nước có thể dâng lên 20 mét nữa, đấy cũng là việc kiểm nghiệm xử lý thấm như thế nào cũng như có thể theo dõi hoạt động động đất với biến đổi mực nước hồ, nó có điều kiện để kiểm nghiệm mọi thứ. Ở đây chính phủ Việt Nam đặt ra vấn đề phải lường trước tất cả mọi thứ, tôi nghĩ là vấn đề đầu tiên đặt ra là an toàn cho người dân, coi như là tất cả mọi biện pháp đề ra phải làm sao bảo đảm tính mạng người dân là trên hết.”
Cần lập kịch bản xấu nhất
Phản biện độc lập của nhóm GS Cao Đình Triều đề nghị ưu tiên phải thiết lập kịch bản xấu nhất. Theo đó, trên thế giới tất cả các dự án đều có tính toàn đến trường hợp xấu nhất và những chỉ dẫn khi sự cố xảy ra, vì đây là tính mạng con người, thủy điện Sông Tranh 2 không thể là ngoại lệ.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, GSTS Nguyễn Thế Hùng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng từng nhấn mạnh vấn đề này:
Chúng tôi đã đề nghị phải có kịch bản đánh giá, phải có bình đồ vùng hạ lưu đập Sông Tranh cũng như mực nước trong hồ và xây dựng những kịch bản vỡ đập.GS Nguyễn Thế Hùng
“Trước đây trong cuộc họp đoàn đại biểu Quốc hội họ có mời tôi và GS Vũ Trọng Hồng, chúng tôi đã đề nghị phải có kịch bản đánh giá, phải có bình đồ vùng hạ lưu đập Sông Tranh cũng như mực nước trong hồ và xây dựng những kịch bản vỡ đập theo các kiểu khác nhau, để biết được sóng lũ tràn xuống hạ lưu như thế nào, vùng nào ngập bao nhiêu thì mình sẽ biết được. Nhưng rất tiếc đề nghị của chúng tôi người ta nghe và chẳng chú ý gì hết. Ở các nước tiên tiến với các công trình quan trọng người ta đều có những kịch bản như thế, còn ở Việt Nam thì chưa làm, tôi không biết mức độ họ quan tâm ra sao…”.
Theo báo Dân Trí điện tử, trước áp lực mạnh mẽ của chính quyền tỉnh Quảng Nam, ngày 1/10 lãnh đạo Công ty thủy điện Sông Tranh 2 cho biết đã triển khai ký hợp đồng với đơn vị tư vấn có năng lực thực hiện xây dựng ứng phó sự cố vỡ đập. Theo đó, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện 1 thuộc EVN đã lập đề cương và dự toán công tác xây dựng phương án ngập lụt vùng hạ du cho tình huống vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2. Sau khi thẩm tra, công ty trình EVN phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo.
Trong khi đó, theo VietnamNet quân đội đã vào cuộc, tự thiết lập kịch bản giả định thủy điện Sông Tranh 2 bị vỡ do động đất xảy ra trên địa bàn Huyện Bắc Trà My và chuẩn bị diễn tập. Trong kịch bản này, hàng chục ngàn hộ dân tại các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Sơn, Trà Giang và thị trấn Trà My phải sơ tán đến các điểm cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Công tác hậu cần, y tế và tìm kiếm cứu nạn được trù liệu cho từng đặc điểm địa hình, số lượng dân và độ dâng của nước lũ. Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Nam sẽ lập tức triển khai hợp đồng tác chiến với 7 đơn vị thuộc khối lực lượng vũ trang, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Sở Y tế để sẵn sàng ứng phó và xử lý trong mọi tình huống xấu nhất.
Từ phản biện độc lập của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam công bố ngày 3/10, cho tới kịch bản ứng phó nếu vỡ đập Sông Tranh 2 của Tỉnh Quảng Nam; cùng với tần suất động đất ngày một nhiều ở Bắc Trà My và sự kinh hoàng của người dân địa phương, câu hỏi được đặt ra là ai sẽ tin tưởng vào kết luận của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước là đập Sông Tranh 2 an toàn với các trận động đất đang diễn ra.
Theo dòng thời sự:
- Liệu đập thủy điện Sông Tranh 2 có bị vỡ?
- Động đất lần thứ 10 tại thủy điện Sông Tranh 2
- Việt Nam Tuần Qua
- Động đất đe dọa thủy điện Sông Tranh 2
- Tiếp tục động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh
- Sự cố Sông Tranh 2 và những điều đáng quan ngại
- EVN vẫn cho tích nước hồ chứa Sông Tranh 2
- Đập vỡ, dân chạy đi đâu?
- Sự cố Sông Tranh – người dân sẽ ra sao?
- Khảo sát tình hình động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2