Nên nghiên cứu Biển đông như thế nào?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2011.03.24
2011.03.24
AFP Photo
Trong loạt bài nhằm tìm hiểu việc nghiên cứu được xúc tiến như thế nào trong đó có những khía cạnh được xem là thế mạnh của Việt Nam và ngược lại thì điều gì giới nghiên cứu lo âu nhất? Bên cạnh đó cái nhìn của học giới Việt Nam đối với các công trình của chuyên gia Trung Quốc có đáng quan tâm hay không và học giả Việt Nam rút ra được điều gì trước các nghiên cứu của họ. Bài đầu tiên chúng tôi dành cho nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân nói về nhận xét của ông trước những phương cách mà học giới Trung Quốc tiếp cận. Bài được Mặc Lâm thực hiện sau đây.
Nghiên cứu sự phát triển và kết nối
Mặc Lâm: Là người chuyên nghiên cứu về các dữ liệu lịch sử thuộc Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, ông có nhận xét thế nào về những công trình của học giới Trung Quốc khi họ phát triển và kết nối những kết quả nghiên cứu của họ nhằm chứng thực cho thế giới thấy sự đồng bộ của các kết quả mà họ có được?
Từ những nghiên cứu của học giới Trung Quốc mình có thể rút ra những gì cần để mình nghiên cứu tiếp. Tức là không nên bi quan là Việt Nam thiếu công trình nghiên cứu.
Phạm Hoàng Quân
Phạm Hoàng Quân: “Một cách tổng quan theo như các thư mục tôi nghiên cứu thì tôi thấy họ phát triển đồng bộ ở cấp trung ương còn nghiên cứu thì ở cấp cơ sở rồi họ phối hợp lại với nhau. Kế đến, những khoa nghiên cứu về Nam Hải của những trường đại học lớn như Hạ Môn, Hồng Kông thì họ có khoa nghiên cứu Địa lý Hải dương và do đó họ nghiên cứu đồng loạt.
Ngoài những nghiên cứu về khoa học tự nhiên, ba mảng nghiên cứu về lịch sử địa lý và chủ quyền được gắn kết rất chặt chẽ. Họ nghiên cứu cùng lúc tuy có khi chồng lấn nhau nhưng họ nối được ba điểm về lịch sử, về hiện trạng địa lý và về chủ quyền.
Những công trình nghiên cứu khi ra đời thì gắn kết được ba yếu tố đó. Lịch sử là cái quan trọng nhất để họ dựa vào đó làm nền cho hai vấn đề còn lại. Thí dụ về địa lý tự nhiên thì họ phải nghiên cứu bằng kỹ thuật và phương pháp hiện đại nhưng về lịch sử thì họ buộc phải dùng tài liệu cũ.”
Mặc Lâm: Theo ông thì cách nghiên cứu và sử dụng tài liệu lịch sử của học giới Trung Quốc có những điểm gì không được nhất quán hay không? Vì với một đội ngũ hùng hậu như vậy mà không được tập trung vào một ban chuyên môn thì có thể dẫn đến tình trạng dẫm chân lên nhau.
Phạm Hoàng Quân: “Thường thường nhiều quá nó cũng rối. Kho tư liệu sử của Trung Quốc quá nhiều nên có những chỗ nghiên cứu mâu thuẫn nhau. Chính những điểm đó nó làm cho mình thấy cái không gian nghiên cứu nó rộng đều của các vùng như vậy và mình cũng thấy họ làm việc bài bản nhưng đôi khi cũng bị mâu thuẫn. Chẳng hạn như ý kiến của học giả này khác ý kiến học giả khác. Rồi công trình này xung đột với công trình kia đó là những điểm mà mình có thể rút kinh nghiệm.”
Mặc Lâm: Phải công bằng mà nói, tuy họ gặp những khuyết điểm như vậy nhưng so với Việt Nam của chúng ta thì hình như họ vẫn hơn rất nhiều. Nhiều nhà nghiên cứu Biển Đông Việt Nam vẫn cho rằng họ gặp quá nhiều trở ngại…
Phạm Hoàng Quân: “Chuyện tình hình hiện tại mình cho rằng tình hình nghiên cứu của mình không được bài bản không chuyên sâu như họ là cách nói để cho xã hội có một cái nhìn, mọi ngành mọi giới hoặc cá nhân để tự người ta hoạt động hay nghiên cứu về một mảng nào đó. Chẳng hạn như ở Trung Quốc có hai ba ông, thí dụ như Lưu Nam Nguy chỉ nghiên cứu chuyên về địa danh. Ông ta in ra mấy cuốn sách chuyên sâu về địa danh các đảo ở trên các quần đảo, đảo nhỏ lẻ. Tức là họ tìm cách gắn kết những địa danh từ đời Hán, đời Tam quốc cho nó chuyển dần dần cho tới Tống Nguyên, tới đời Thanh cuối cùng thì họ cho ra, mặc dù tên khác nhau nhưng thực chất nó dùng để chỉ một nơi, đó là một hướng nghiên cứu.”
Mặc Lâm: Ông có thể giải thích thêm về việc nghiên cứu một cái tên thì nó có liên quan gì đến việc chứng minh chủ quyền của một vùng đất?
Phạm Hoàng Quân: “Thật ra nó cũng là một nhánh nghiên cứu lịch sử nhưng nó cũng quan trọng. Tại vì việc định danh rất quan trọng. Khi người ta nói cái vật này thuộc về đời Tống có tên là Vạn lý Thạch Đường chẳng hạn, nhưng tới đời Thanh thì nó chuyển thành tên khác, Vạn lý Trường Sa chẳng hạn. Dựa vào đó họ sẽ chứng minh được, mặc dù họ bóp méo tư liệu để họ chứng minh. Đó là một nơi diễn biến tên gọi.
Cái khuyết điểm của các công trình học giới Trung Quốc là tất cả những cái tên được ghi chép trong sách vở cũ nhưng đến đời Dân quốc không sử dụng nối tiếp mà chuyển lại sử dụng một hệ thống địa danh khác. Đối với một nước rất là say mê lịch sử như Trung Quốc thì đó là một điểm cần đặt nghi vấn.”
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Mặc Lâm: So với những công trình chuyên sâu như học giới Trung Quốc đang theo đuổi như vậy thì Việt Nam rút ra được kinh nghiệm gì thưa ông?
Anh và tôi cùng tham khảo một nguồn tài liệu mà kết quả lại khác nhau. Đó là cái khó cho những người nghiên cứu tư nhân như tôi.
Phạm Hoàng Quân
Phạm Hoàng Quân: “Từ những nghiên cứu của học giới Trung Quốc mình có thể rút ra những gì cần để mình nghiên cứu tiếp. Tức là không nên bi quan là Việt Nam thiếu công trình nghiên cứu. Có khi người ta làm chậm mà rút được nhiều kinh nghiệm do tham khảo những cái của học giới Trung Quốc để mình làm cho khoa học hơn hoặc mình có những cái phản biện chính xác hơn.
Nói chung những điểm cần ở diện rộng, cần ở những cấp độ để phổ cập cho nhiều giới thì cũng cần thiết nhưng những công trình nghiên cứu sâu thì từ từ cũng sẽ có chứ không phải là không có.”
Mặc Lâm: Xin ông cho biết tại sao lại chọn hướng nghiên cứu chuyên sâu về tư liệu lịch sử của Trung Quốc, có phải xuất phát từ nhận thức mà học giới Trung Quốc chọn từng ngành một như ông vừa nói hay có những nguyên do nào khác?
Phạm Hoàng Quân: “Tôi chọn nghiên cứ mảng sử liệu của Trung Quốc vì mảng sử liệu tại Việt Nam thì tôi thấy nhiều bậc đàn anh đã nghiên cứu rồi. Tôi cảm thấy cái mảng Trung Quốc đang thiếu người thành ra tôi chọn mảng đó.
Cái khó nhất là sưu tầm tài liệu. Những tư liệu Trung Quốc họ viện dẫn trong những bài ngiên cứu thì thường thường họ có rất nhiều sách họ chưa xuất bản lại tức còn ở dạng những bản in rất ít, chỉ lưu tại những thư viện lớn của Trung Quốc. Khó nhất là mình không thể kiểm tra những trích dẫn của những học giả này có chính xác hay không.
Thí dụ như mình cần phản biện để xem những lời họ dẫn như vậy có chính xác không và đúng với sách cổ hay chưa chứ không thể cứ dựa vào những lời trích dẫn đó mà tranh biện.
Việc trước mắt là phải kiểm tra lời dẫn có đúng hay không bởi vì có trường hợp tôi tìm được sách cổ từ thư viện của Nhật và khi so lại thì tôi thấy họ dẫn không đúng. Thành ra để mà có những thực chứng thì mình rất khó kiểm chứng trên một số tài liệu mà học giả Trung Quốc dẫn, đó là cái khó nhất trong việc nghiên cứu của tôi.”
Mặc Lâm: Đối với những tài liệu mà ông không thể tìm được để phản biện thì ông giải quyết ra sao?
Phạm Hoàng Quân: “Trong những cái mà khả năng tôi tìm được thì làm việc Rất tốt, còn những chỗ không tìm được thì phải chờ đợi hay tìm các hướng tiếp cận khác.
Việc mình đọc một bài nghiên cứu của học giới Trung Quốc mình biết được hệ thống lập luận của họ đúng thì mình muốn xem xét một cách chi tiết, hay hiểu rộng hơn những điều họ nói thì buộc mình phải tìm những tài liệu mà họ căn cứ vào khi viết bài đó.
Mình phải tham khảo. Giống như trong học thuật thì anh và tôi cùng tham khảo một nguồn tài liệu mà kết quả lại khác nhau. Đó là cái khó cho những người nghiên cứu tư nhân như tôi khi cần tìm tài liệu trong những thư viện công của Trung Quốc.”
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
Quý vị vừa theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với nhà nghiên cứu tài liệu lịch sử Trung Quốc Phạm Hoàng Quân. Trong bài kế tiếp mời quý vị theo dõi ý kiến của nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc nói về những khó khăn cũng như thuận lợi của giới học thuật Việt Nam so với các chuyên gia Trung Quốc khác nhau như thế nào mời quý vị đón theo dõi.
Theo dòng thời sự:
- Tàu Trung Quốc lại tuần tra trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam
- Việt Nam-Trung Quốc tuyên bố cùng tìm giải pháp cho biển Đông
- Trung Quốc phô trương sức mạnh ở Biển Đông
- Tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông
- Việt Nam phản đối TQ cấm đánh cá ở Hoàng Sa-Trường Sa
- Trung Quốc gây quan ngại trong khu vực biển Đông Trung Hoa
- Kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Nhân dân trong khi TQ cấm ngư dân VN đánh bắt cá