Dọa cấm TikTok: Việt Nam muốn kiểm soát nội dung hơn lo ngại về bảo mật
Nhiều nước phương Tây cấm TikTok vì lo ngại lộ thông tin người dùng; trong khi đó ở Việt Nam, mạng xã hội này có nguy cơ bị Chính phủ Hà Nội cấm vì lý do không kiểm soát được "nội dung chống Đảng, Nhà nước".
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, ông Lê Quang Tự Do, hôm 27/5, phát biểu nhấn mạnh rằng nếu nền tảng mạng xã hội này không hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các nội dung bị nhà nước cho là xấu, độc thì công ty này sẽ bị cấm hoạt động tại Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu lãnh đạo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đe doạ cấm Tiktok. Hồi đầu tháng tư, ông này từng phát biểu rằng trước đây nền tảng TikTok có nội dung thuần túy về giải trí, nhưng từ năm 2022, trên TikTok xuất hiện nhiều nội dung chống phá Đảng, nhà nước. Cơ quan chức năng sẽ yêu cầu TikTok gỡ bỏ những nội dung này.
Ngoài ra, Tiktok còn bị cho là lan truyền nhiều video có nội dung nhảm nhí, mê tín, gây ảnh hưởng đến trẻ em.
Một số TikToker đã bị xử lý như trường hợp TikToker Nờ Ô Nô bị phạt hành chính, buộc gỡ clip với lý do cố tình đăng tải clip gây sốc, lợi dụng người già để câu view. Hoặc Công an Quảng Ngãi xử phạt năm triệu đồng đối với TikToker “V.P” vì đăng tải thông tin bị cho là xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng Cảnh sát cơ động.
Hiện, TikTok đang bị một đoàn liên ngành các Bộ, bao gồm Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh … thanh tra toàn diện kể từ ngày 15/5.
Trong một tuyên bố với trang báo mạng Rest of World, TikTok cho biết họ hoan nghênh cơ hội được lắng nghe và để giải quyết bất kỳ mối quan ngại nào, cũng như chia sẻ những tiến bộ mà TikTok đã đạt được tại Việt Nam trong bốn năm qua.
RFA đã gởi email cho TikTok Việt Nam vào hôm 30/5 để hỏi về kết quả, cũng như quan điểm của TikTok về những cáo buộc của chính phủ Việt Nam, nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Chỉ kiểm soát nội dung
Nhận định về đợt kiểm tra này đối với TikTok, chuyên gia về công nghệ thông tin, ông Hoàng Ngọc Diêu, từ nước Úc, cho rằng lời đe doạ lần này đối với TikTok là cho thấy chính quyền Việt Nam muốn kiểm soát toàn diện nội dung trên không gian mạng:
“Từ trước đến giờ và Nhà nước Việt Nam vẫn muốn kiểm soát tất cả các mạng xã hội cho nên điều gì họ không kiểm soát được thì họ sẽ cấm hoặc đòi hỏi phải làm sao để hợp ý của họ.
Cái chuyện cấm TikTok nó cũng rơi vào cùng một dạng giống như hồi trước là họ muốn kiểm soát Facebook hoặc là YouTube hay là tất cả các mạng xã hội khác.”
Số người dùng TikTok tại Việt Nam trong năm 2022 được hãng DataReporter chuyên theo dõi các mạng xã hội quốc tế thống kê khoảng 50 triệu người, tăng hơn gấp đôi từ năm 2021, và đang trên đà vượt qua số người dùng Facebook và YouTube ở Việt Nam.
Một nhà hoạt động về quyền riêng tư, bảo mật trên không gian mạng, hiện đang ở trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, nói với RFA rằng TikTok hiện đang là mạng hội được giới trẻ sử dụng rất nhiều. Bất cứ một video nào lạ, độc đáo đều có thể trở thành xu hướng trong tích tắc, được hưởng ứng, lan truyền nhanh chóng và có khi tạo ra hiệu ứng đám đông:
“Nếu đọc báo chí thì thấy rằng chính quyền Việt Nam họ chỉ không hài lòng TikTok về vấn đề nội dung mà thôi. Vì vậy, điều mà chính phủ quan tâm là kiểm soát nội dung chứ không phải là các nguy cơ bảo mật khác.”
Cũng theo Rest of World, Chính phủ Việt Nam sử dụng phần mềm giám sát độc quyền, được phát triển để sàng lọc nội dung trên mạng xã hội. Tuy nhiên, phần mền này đang gặp khó khăn trong việc xử lý các nội dung là video ngắn.
Không quan tâm đến bảo mật
Công ty mẹ của TikTok là ByteDance, một công ty công nghệ internet đa quốc gia của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh. TikTok đã bị chỉ trích trên toàn cầu vì một loạt cáo buộc liên quan đến vấn đề truy cập dữ liệu, bảo mật và sự ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc.
Các nước như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Đài Loan và nhiều thành viên Châu Âu đã ra lệnh cấm nhân viên chính phủ cài đặt ứng dụng này trên thiết bị điện tử với lý do lo ngại về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin sai lệch.
Nhà hoạt động giấu tên cho biết trong khi các nước phương Tây cấm TikTok bởi lý do an ninh, bảo mật thì Việt Nam là ngược lại, chính phủ chỉ muốn nhắm vào các nội dung chống chính phủ mà thôi:
“Nhà nước không đề cập tới nguyên do vi phạm quyền riêng tư của người dùng như thu thập thông tin trái phép… như ở hầu hết các nước phương Tây cấm Tiktok. Ở Việt Nam, họ cấm là vì không quản lý được nội dung trên TikTok.”
Theo ông Hoàng Ngọc Diêu, có sự khác biệt rõ rệt giữa lệnh cấm TikTok của các nước phương Tây so với lệnh cấm của Việt Nam. Ông nói, ở những nước phương Tây, đối với những lệnh cấm đoán như vậy là dựa vào bằng chứng khoa học và chỉ cấm đối với nhân viên chính phủ mà thôi. Ông nói nếu như mà chính phủ Việt Nam cũng dựa trên những căn bản như Úc, Anh, Mỹ… họ chỉ có thể cấm trong môi trường chính phủ, cấm nhân viên chính phủ sử dụng hoặc cài ứng dụng TikTok trên những thiết bị của chính phủ vì mục đích an ninh quốc gia thì nghe hợp lý.
TikTok liệu có hợp tác?
Báo cáo minh bạch của TikTok cho thấy họ đã chủ động xóa năm triệu video của những người làm sáng tạo nội dung chỉ trong nửa đầu năm 2022 vì chứa ảnh khỏa thân, bắt nạt và quấy rối.
Theo Rest of World, tỷ lệ TikTok xóa video theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam là khá cao so với tiêu chuẩn quốc tế. Để so sánh, tại Hoa Kỳ, TikTok chỉ gỡ bỏ một video và chín tài khoản theo yêu cầu của chính phủ.
Nhà hoạt động giấu tên cho biết có rất nhiều dấu hiệu cho thấy TikTok sẽ tuân theo yêu cầu kiểm duyệt từ chính phủ Việt Nam:
“Tôi nghĩ là Việt Nam chỉ hù doạ vậy thôi chứ TikTok rồi cũng sẽ đáp ứng theo yêu cầu thôi. Sắp tới TikTok sẽ siết chặt hơn các nội dung nói xấu đảng và nhà nước; Còn nhà nước cũng sẽ “mắt nhắm mắt mở” cho qua các nội dung đơn thuần vi phạm quy tắc động đồng khác trên TikTok.
Hơn nữa, TikTok có đặt máy chủ ở Việt Nam, việc cấm như vậy sẽ gây thiệt hại lớn cho TikTok và khí đó có thể họ sẽ nhờ tới chính phủ Trung Quốc can thiệp.
Cho nên tôi nghĩ chính phủ Việt Nam cũng không quá mạnh tay với TikTok đâu, rồi cũng sẽ thoả thuận được thôi.”
Đồng quan điểm, ông Hoàng Ngọc Diêu cũng cho rằng TikTok sẽ dễ dàng chấp nhận yêu cầu kiểm duyệt của nhà nước Việt Nam, hơn là Facebook và YouTube:
“Tiktok là một công ty của Trung Quốc, tin là khả năng TikTok sẽ làm theo ý muốn của chính quyền Việt Nam rất là cao.
Công ty của Trung Quốc có thể nó sẽ chấp nhận một số các điều khoản của Việt Nam dễ dàng hơn là Facebook hay là YouTube bởi vì Facebook hay Youtube nó còn bị giới hạn bởi các luật của Hoa Kỳ cho nên nó không thể vượt ra khỏi khuôn phép đó để làm thỏa mãn các quốc gia khác trên thế giới.”