Thuật ngữ kinh tế của thế giới từ nay có thêm chữ "Hy Lạp Hoá" là khi mà khủng hoảng xảy ra tại một xứ nhỏ bé lại có thể gieo họa cho toàn cầu như người ta đã chứng kiến tuần qua.
Việt Long & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA 2010.05.12
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy (trái) và Chủ tịch Ủy hội châu Âu Jose Manuel Barroso phát biểu với báo giới sau khi EU quyết định tạo ra một quỹ khẩn cấp cứu nguy 16 thành viên EU hôm 07/05/2010 tại Brussels, Bỉ.
AFP PHOTO/JOHN Thys
vlong05122010.mp3
Nhưng
liệu kế hoạch cấp cứu Hy Lạp và ổn định kinh tế Âu Châu có đạt kết quả hay
không và hậu quả sẽ là những gì cho khối tiền tệ Euro mà Hy Lạp là một thành
viên? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi đó cho nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa
qua phần trao đổi do Việt Long thực hiện sau đây.
"Hy Lạp Hoá"
Việt Long:Tình hình châu Âu và Hy Lạp trong những
ngày gần đây khiến chúng tôi nhớ lại và phải lục lại các hồ sơ cũ thì thấy là
trong chương trình ngày 10 tháng Hai, là ngay trước Tết Nguyên đán, ông có phân
tích nỗi bất trắc của kinh tế châu Âukhi mà khủng hoảng tại xứ Hy Lạp có thể lan rộng và đe dọa sự ổn định của
khối Euro gồm 16 quốc gia trong Liên hiệp châu Âu. Quả nhiên là tuần qua, chấn
động Hy Lạp gây hốt hoảng cho các thị trường thế giới, khiến cổ phiếu toàn cầu
mất toi 3 ngàn 700 tỷ đô la chỉ nội ngày thứ năm mùng sáu tháng năm. Rồi ngay
sau đó, lãnh đạo kinh tế của Liên Hiệp châu Âu cùng các định chế quốc tế như Quỹ
Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã có phiên họp khẩn cấp
kéo dài vào cuối tuần để tung ra một chương trình cấp cứu trị giá trên dưới
1000 tỷ đô la, là gấp ba tổng sản lượng nội địa của Hy Lạp.
Liệu chương trình cấp cứu ấy có
công hiệu không, là câu hỏi được mọi người nêu ra trong mấy ngày qua. Vì vậy,
tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ mở lại hồ sơ này để thính giả cùng hiểu
nguyên nhân và hậu quả của một hiện tượng ta có thể gọi là "cái xẩy nẩy
cái ung", là khủng hoảng từ một xứ rất nhỏ mà có thể gieo họa cho toàn thế
giới.
Thế
giới đã có một chữ là "Hy Lạp Hoá" để nói về hiện tượng ông gọi là
"cái xẩy nẩy cái ung" đó.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Thế giới đã có một chữ là "Hy Lạp Hoá" để nói về hiện tượng ông gọi
là "cái xẩy nẩy cái ung" đó. Vì tổng sản lượng chừng hơn 300 tỷ đô la
của một quốc gia chỉ có 11 triệu dân lại gây chấn động cho khối Euro gồm 16 nước
với sản lượng là 11.000 tỷ Mỹ kim, và cho cả Liên hiệp Âu châu gồm 27 nước với
dân số 500 triệu và sản lượng 16.000 tỷ. Thật ra, hiện tượng ấy khiến ta liên
tưởng tới vụ khủng hoảng ngoại hối tại Thái Lan vào đầu tháng Bảy năm 1997 làm
cả khối Đông Á bị khủng hoảng kinh tế, với hậu quả lan rộng qua Liên bang Nga,
xứ Brazil rồi dội về Mỹ.
Bài
học ấy cho thấy là sự bất cẩn về chi tiêu của một quốc gia dù có sức nặng kinh
tế rất nhỏ vẫn có thể gieo họa rất lớn cho các xứ khác. Đây là dữ kiện mà Việt
Nam nên chú ý khi bắt đầu mắc nợ quá nhiều và cũng bị nguy cơ bất ổn ngoại hối.
Nhìn rộng ra ngoài thì gánh nặng công trái quá lớn ngày nay của Hoa Kỳ cũng
đáng quan tâm. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa nên một cơn
chấn động ngoại nhập vào cơ chế yếu kém của mình cũng có thể gây ra khủng hoảng.
Đó là một bài học thứ nhất khiến ta cần theo dõi và tìm hiểu.
Việt Long:Để tìm hiểu thì nhờ ông phân tích kế hoạch
cấp cứu vừa được ban hành tuần qua. Câu hỏi cấp bách là liệu kinh tế Hy Lạp và
cả khối Euro có thể thoát hiểm không?Bao giờ chúng ta có thể biết được kết quả?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Sau một phiên họp thông tầm kéo dài 14 tiếng đồng hồ, giới lãnh đạo tài chính
và chính trị Âu Châu cùng các định chế quốc tế đã quyết định một chương trình cấp
cứu mang đặc tính xin gọi là "áp đảo" nhắm vào nhiều đối tượng song
hành và đồng quy. Song hành vì có sự phối hợp giữa các định chế tài chính quốc
tế, và đồng quy vì gồm có Hy Lạp lẫn các nước trong khối Euro, với mục đích là
chặn đứng cơn khủng hoảng và trấn an các thị trường.
Trước
hết, xứ Hy Lạp được một chương trình cấp cứu trị giá hơn 143 tỷ đô la - các con
số đều bằng tiền Euro của Âu châu nhưng ta quy ra đô la cho dễ hiểu dễ nhớ - do
Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ IMF cung cấp. Việc giải ngân sẽ tiến hành cấp
tốc, và trước ngày 19 này. Điều kiện ở đây là Chính quyền Hy Lạp phải áp dụng kế
hoạch chấn chỉnh ngân sách và kinh tế trên một nền tảng lành mạnh hơn. Kết quả
ra sao riêng cho Hy Lạp thì thật ra còn tùy vào người dân, nếu họ hiểu được nhu
cầu khắc khổ để vượt cơn khủng hoảng. Nếu họ tiếp tục chống đối và đòi hỏi phúc
lợi như xưa thì xứ này sẽ còn suy sụp nữa sau khi chính phủ đổ.
Người dân Hy Lạp biểu tình, bạo loạn gần tòa nhà Quốc hội Hy Lạp, Athens ngày 05/05/2010 để phản đối sự yếu kém của chính phủ. AFP PHOTO/ Aris MESSINIS.
Cơ chế ổn định
Việt Long:Nghĩa là ở vòng trong cùng, giữa cái mắt
bão là việc cấp cứu xứ Hy Lạp. Rồi ta mới có vòng ngoài là việc cấp cứu các xứ
khác, có phải không?
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Thưa vâng, ở vòng thứ hai và ra khỏi khuôn khổ Hy Lạp, ta có khối Euro, trong
đó có ba xứ cũng gặp bất trắc tương tự là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cả nước Ý.
Chương trình cấp cứu mở rộng cho toàn khối Euro với ngân khoản trị giá 650 tỷ
đô la, nhắm vào chấn chỉnh công chi thu và cải tổ cơ chế tại các nước có vấn đề,
như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Hai xứ này đã cam kết cải cách và kế hoạch của họ
sẽ được cứu xét ngày 18 tới đây.
Thứ
ba, lãnh đạo Âu châu ban hành Cơ chế Ổn định do Liên Âu và Quỹ IMF điều động
theo tiêu chuẩn của IMF. Cơ chế này gồm có hai phần. Ngay trước mắt, các nước
lâm nạn có thể được trợ giúp từ một ngân quỹ bình ổn trị giá gần 80 tỷ đô la.
Ngoài ra và trong thời hạn ba năm, thành viên khối Euro có thể trích xuất theo
tỷ lệ tham gia của mình từ một quỹ trị giá tối đa là gần 600 tỷ đô la để ứng
phó với những bất ổn tài chính, miễn là điều ấy phù hợp với Hiến pháp của từng
nước. Cơ chế Ổn định này được duy trì cho tới khi đẩy lui cơn khủng hoảng.
Tôi
xin lỗi là phải đi vào mấy chi tiết rắc rối và thật ra còn thay đổi về ngạch số
vì tùy thuộc tình hình tương lai. Nhưng nói chung thì Âu châu bật ra một tín hiệu
về quyết tâm giải trừ khủng hoảng với một số tiền cực lớn. Còn lại thì chưa rõ
là từng quốc gia có thể tuân thủ các điều kiện cấp cứu hay không vì hai ẩn số
là lòng dân và phản ứng của thị trường.
Việt Long:Nhưng vào thời điểm hiện tại thì riêng
ông đánh giá thế nào về triển vọng cấp cứu này, vì tôi thấy Liên Âu đã tung hoả
lực hùng hậu áp đảo đến mức được gọi là "shock and awe" như vậy mà
căn cứ vào thị trường chứng khoán thế giới hôm thứ ba như chúng tôi vừa loan
tin, thì tình hình cuộc chiến này có vẻ vẫn còn giẳng co với nhiều nghi ngại?
Tổng
sản lượng chừng hơn 300 tỷ đô la của một quốc gia chỉ có 11 triệu dân lại gây
chấn động cho khối Euro gồm 16 nước với sản lượng là 11.000 tỷ Mỹ kim.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa:
Tôi không mấy lạc quan, nhất là về tương lai của đồng Euro, và cả quy chế thống
nhất của Âu châu, vì ta có ba loại vấn đề chòng chéo cùng tác động vào nhau
theo lối biện chứng mà không cơ chế hay chính quyền nào có thể kiểm soát hay
ngăn chặn được.
Thứ
nhất là về kinh tế tài chính, Hy Lạp có thể được cứu với chương trình trị giá
hơn 140 tỷ đô la, nhưng liệu người dân có chịu uống thuốc đắng không? Chính quyền
phe trung hữu đã đổ và chính quyền cánh trung tả phải xoay trở rất khó giữa đòi
hỏi chấn chỉnh của quốc tế và yêu sách của người dân. Đây là một vấn đề dân trí
và thành tâm của chính quyền.
Thứ
nữa, xứ Ý Đại Lợi có thể là yên lành trên bề mặt, nhưng thật ra mắc nợ rất cao,
lên tới gần 120% của tổng sản lượng và chỉ thua Hy Lạp. Nếu xứ này gặp họa,
ngân khoản cấp cứu phải gần gấp sáu, là gần 800 tỷ đô la. Ở giữa thì có Tây Ban
Nha và Bồ Đào Nha, tổng cộng cũng cần cấp cứu tới 400 tỷ đô la nữa. Cho nên,
ngân khoản mang tính áp đảo để dập tắt đám cháy là gần ngàn tỷ đô la thật ra có
khi chưa đủ và đây là một thử thách rất lớn cho các định chế quốc tế.
Ngoài
ra, và quan trọng nhất, ta phải nói tới động lực chính của toàn bộ cuộc khủng
hoảng là yếu tố chính trị. Là tinh thần dân tộc hay chủ nghĩa quốc gia trong một
cơ chế hợp tác quốc tế thu hẹp vào lãnh vực kinh tế. Nói cho đơn giản thì đây
là mâu thuẫn giữa hợp tác kinh tế với chủ quyền quốc gia. Mà nói tới chủ quyền
thì quy luật vận hành của kinh tế có khi lại bị lệch lạc.
Việt Long:Ông nêu ra một vấn đề nghe như khá mới mẻ,
là yếu tố chính trị trong một cuộc khủng hoảng có nguyên nhân là kinh tế của một
cơ chế hợp tác quốc tế về kinh tế. Ông vui lòng giải thích rõ hơn,.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Vụ
khủng hoảng Âu châu manh nha từ lâu mà Âu châu không nhìn ra và chỉ quy trách
nguyên do là khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ. Khi khủng hoảng bùng nổ tại Hy Lạp,
cơ chế Âu châu xoay trở trong chân không rất lâu, với ngân khoản có vài chục tỷ
đô la mà chả xong cho tới khi tình hình trở thành nguy ngập và tốn kém gấp bội.
Người ta bèn quy trách cho Cộng hoà Liên bang Đức là cố tình trì hoãn không chịu
cấp cứu Hy Lạp, là điều chúng ta dự báo từ hồi Tháng Hai vừa qua. Nghĩa là vẫn
có trò đổ lỗi cho ai khác về chính trị.
Đồng đôla Mỹ và euro Âu Châu. AFP PHOTO.
Thật
ra, nước Đức đã è cổ chuộc lại Đông Đức và 10 năm sau gánh vác trách nhiệm phát
triển khối Euro bằng kỷ luật chi tiêu của mình trong khi nhiều xứ khác cứ hào
phóng ban phát phúc lợi cho chế độ bao cấp của họ. Thậm chí còn khai gian thống
kê kinh tế như trường hợp Hy Lạp. Vì vậy, lãnh đạo Đức mới dè dặt đòi hỏi điều
kiện chấn chỉnh cho việc cấp cứu. Khi Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel đồng
ý với kế hoạch cấp cứu, và phải góp tiền cứu vãn đồng Euro chứ chẳng phải là cứu
Hy Lạp, thì đảng CDU trung hữu của bà lập tức bị cử tri trừng phạt trong cuộc bầu
cử tuần qua tại bang North Rhine-Westphalia và mất đa số tại Thượng viện. Nói
cách khác, chính quyền Đức bị mắc họa về chính trị từ vụ khủng hoảng Hy Lạp và
từ tương lai của đồng Euro. Mà chuyện ấy không thu hẹp vào chính trường Đức nếu
ta nhìn ra toàn cõi Âu Châu.
Phúc lợi quá khả năng
Việt Long:Nếu vậy, giới kinh tế không chỉ phải
nghiên cứu sự vận hành của quy luật kinh tế mà còn phải nhìn thấy tác động của
chính trị nữa. Và tác động ấy ảnh hưởng thế nào ở tại châu Âu?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Liên
hiệp Âu châu không là Liên bang Âu châu mà chỉ là một hiệp hội kinh tế. Hiệp hội
này lại gồm có ba khối kinh tế khác biệt với những yêu cầu khác biệt.
Các
nước phía Bắc có trình độ tổ chức sản xuất cao hơn trong một cơ cấu xã hội có
tinh thần tự chủ và tự chế. Các nước phía Nam có trình độ thấp hơn và khi cần cải
cách để theo kịp miền Bắc thì hối lộ dân chúng bằng chế độ phúc lợi thật ra vô
trách nhiệm vì cao quá khả năng. Khối thứ ba là các nước Đông Âu vừa thoát khỏi
chế độ cộng sản Xô viết nên cũng có những yêu cầu khác khi được hội nhập vào Âu
châu.
Các
nước phía Nam có trình độ thấp hơn và khi cần cải cách để theo kịp miền Bắc thì
hối lộ dân chúng bằng chế độ phúc lợi thật ra vô trách nhiệm vì cao quá khả
năng.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Trong
hai chục năm hồ hởi sau Chiến tranh lạnh, Âu châu quên hẳn cái bản sắc khác biệt
giữa ba khối kinh tế đó. Đến khi gặp nạn thì tất nhiên là có người nêu câu hỏi,
rằng "Hiệp hội này phải làm gì đó để cứu tôi chứ? Nếu không thì gia nhập
hiệp hội làm chi?" Đó là tâm lý ăn vạ kiểu Hy Lạp. Ngược lại, cũng có người
phản biện, rằng "Tại sao ta phải đóng thuế để cứu một quốc gia cứ đòi ngồi
mát ăn bát vàng?" Đấy là tâm lý hoài nghi của dân Đức. Ở giữa hai thái cực
là một sự hoang mang của Âu châu.
Sau
hai cuộc Thế chiến vì chủ nghĩa quốc gia dân tộc rồi sáu chục năm chiến tranh lạnh
vì dự án thống nhất Âu châu dưới chế độ xã hội chủ nghĩa kiểu Xô viết, Âu châu
tưởng là việc lập ra một hiệp hội kinh tế thì sẽ tránh được tai họa đó. Sự thật
lại không như vậy và các giải pháp cấp cứu tới ngàn tỷ đô la sẽ không giải quyết
nổi những mâu thuẫn của một tập thể đa quốc không có ngân sách thống nhất hay
ngân hàng thống nhất. Trong khi chờ đợi, ai ai cũng chờ đợi là tập thể này sẽ
phải cứu mình sau khi từ chối không muốn chủ quyền quốc gia bị tan loãng trong
tập thể. Vì vậy, đây là cuộc khủng hoảng chính trị của Âu châu mà giải pháp
kinh tế có khi cũng bó tay.
Việt Long: Tôi có chút hy vọng rằng chính quyền
và công luận của các quốc gia châu Âu vốn có tư tưởng phóng khoáng về chính trị
và xã hội, có thể bắt đầu nhìn ra yếu tố chính trị ấy để có thể điều chỉnh, và
tránh khủng hoảng.Ông có lạc quan như vậy
không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi
nghĩ then chốt ở đây là nước Đức. Ví nếu Đức cho là phải bọc xuôi theo quy chế
và những đòi hỏi của Âu Châu thì họ sẽ phải làm 'trưởng tràng' , chi tiền rất nặng
cho việc đó, bị chi phối về việc đó.Thành thử trong tương lai nếu muốn cứu đồng euro, nước Đức phải sửa lại
luật chơi cho cả Âu Châu, các quốc gia khác cũng phải tuân thủ theo.Khi đó chúng ta phải e đến một hiện tượng khác.
Đó là nhiều quốc gia lại bắt đầu hốt hoảng báo động về chủ nghĩa quốc gia của
nước Đức, là nước đã gây ra hai trận thế chiến trong thế kỷ 20.Vì vậy tôi nghĩ rằng tôi không được lạc quan,
và chúng ta phải xem xem nước Đức xử trí ra sao trong vụ này.