Ngành Y tế trong nước ghi nhận rằng, mặc dù số bệnh nhân mắc phải liên cầu này đang được điều trị tại các bệnh viện chưa phải là quá nhiều, nhưng diễn biến bệnh vô cùng phức tạp và rất nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Vậy bệnh liên cầu lợn có những đặc điểm, biểu hiện, gây hại ra sao và cách phòng tránh thế nào? Trong chương trình Sức khoẻ và Đời sống hôm nay, Quỳnh Như xin mời quý vị cùng tìm hiểu về chứng bệnh này.
Lây từ động vật sang người
Thưa quý vị, bệnh liên cầu lợn do liên cầu khuẩn Streptococcus suis gây nên, bệnh này xảy ra trên heo là chủ yếu. Tuy nhiên bệnh liên cầu lợn cũng có thể lây cho người, vì vậy nó được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bệnh xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, và gây ra những tổn thất lớn về kinh tế, nhất là tại các nước có ngành chăn nuôi động vật để lấy thịt. Trước đây tại Trung Quốc dịch bệnh liên cầu lợn đã xảy ra vào năm 2005 với 215 ca bệnh và 39 trường hợp tử vong.
Thật ra bệnh này ở heo đã có từ lâu năm rồi, nhưng hiếm khi lây sang cho người. Trừ phi là do quá mất vệ sinh, tay chân không rửa kỹ sau khi giết mổ heo.
BS Nguyễn Xuân Mai
Nói về tác nhân gây bệnh liên cầu lợn, liên cầu khuẩn Streptococcus suis ở động vật vi khuẩn này thường cư trú theo đường hô hấp trên, đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân. Tuy nhiên, đôi khi vi khuẩn cũng có thể tìm thấy trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của heo. Dựa vào lớp vỏ bọc vi khuẩn, các nhà nghiên cứu đã xác định vi khuẩn có 35 tuýp huyết thanh. Trong đó, liên cầu khuẩn Streptococcus suis tuýp II thường gây bệnh ở người. Nói chung liên cầu khuẩn này chủ yếu có ở lợn nhà, nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở các loài heo rừng, ngựa, chó, mèo, và chim. Liên cầu khuẩn Streptococcus suis có thể tồn tại lâu trong phân, nước, rác. Như vậy yếu tố môi trường đóng một vai trò quan trọng trong quá trình truyền bệnh của vi khuẩn. Tuy nhiên, chúng lại dễ bị tiêu diệt bởi các chất sát khuẩn và tẩy rửa. Đồng thời cũng có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh.
Heo có thể bị nhiễm liên cầu khuẩn này khi ở vào bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, khả năng nhiễm và gây bệnh của vi khuẩn ở heo con cao hơn so với heo trưởng thành.
Gần đây tại một số tỉnh ở khu vực Miền Trung có nhiều trường hợp bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh liên cầu lợn. Bác sĩ Dương Văn Sinh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, từ tháng 4 đến nay, khoa đã tiếp nhận trên 34 bệnh nhân cấp cứu do mắc bệnh liên cầu lợn, trong số này có đến 32 ca bệnh là các bệnh nhân thường trú tại Thừa Thiên-Huế. Số lượng bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn tại địa phương lại có dấu hiệu gia tăng. Trong đó có rất nhiều bệnh nhân khi nhập viện thì tình trạng bệnh đã rất nặng và diễn biến nhanh dẫn đến tử vong.

Cũng theo Bác sĩ Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế, các bệnh nhân này xác nhận là họ đã ăn những sản phẩm từ thịt heo mua ở các chợ trong điạ bàn, hoặc do ăn những thức ăn như tiết canh, lòng heo.
Bác sĩ Dương Văn Sinh khuyến cáo người dân nên chú ý khi sử dụng các thực phẩm từ thịt heo, phải nấu chín thật kỹ trước khi ăn, không nên ăn các món ăn như: tiết canh, nem chua... Đặc biệt sau khi dùng các thực phẩm từ thịt heo mà thấy có các triệu chứng giống như bị ngộ độc thức ăn như: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt cao... thì phải đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu. Bởi đây có thể là giai đoạn phát bệnh rất nguy hiểm, nếu không đưa đến bệnh viện can thiệp điều trị kịp thời có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến tính mạng người bệnh.
Nói về nguyên nhân bệnh liên cầu lợn có thể lây nhiễm sang người, ông Nguyễn Xuân Mai, cựu Phó Viện Trưởng Viện Vệ sinh Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
Đúng ra tất cả những con heo có bệnh ở điạ phương, người ta cấm giết mổ để lấy thịt. Nhưng đôi khi do việc phát hiện chậm trễ.
BS Nguyễn Xuân Mai
“Vừa rồi ở miền Trung họ phát hiện có mấy ca bị nhiễm. Có thể do mấy trường hợp, thứ nhất là do những người giết mổ heo giết nhằm những con có liên cầu trùng đó, rồi dụng cụ giết mổ và tay chân của người làm heo chưa được rửa sạch nên làm lây nhiễm ra. Hoặc những người khi giết mổ heo xong, thì lại làm tiếp khâu chế biến thịt heo cho người khác ăn mà tay chân không được rửa kỹ nên làm lây sang thịt đã nấu chín. Nên người ăn bị nhiễm trùng và gây ra bệnh cảnh cho người. Nhưng bệnh này ở người rất hiếm. Thật ra bệnh này ở heo đã có từ lâu năm rồi, nhưng hiếm khi lây sang cho người. Trừ phi là do quá mất vệ sinh, tay chân không rửa kỹ sau khi giết mổ heo, nước sạch ít, rồi làm ăn cẩu thả thì lúc ấy nó sẽ lây nhiễm từ con heo, trung gian qua người làm thịt heo, rồi từ người làm thịt heo sống, đến người chế biến thức ăn chín, và như thế làm bệnh lây nhiễm ra.”
Chưa lây từ người sang người
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, liên cầu khuẩn từ heo khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ tấn công vào đường hô hấp, làm nhiễm trùng máu gây ra viêm nhiễm khắp các bộ phận trong cơ thể gọi là viêm đa phủ tạng hay nhiễm trùng đa phủ tạng. Bệnh cảnh viêm màng não liên cầu lợn ở người làm cho bệnh nhân sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, cho đến xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp, bệnh nhân thấy xuất hiện các triệu chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc tiêu hóa như: tiêu chảy nhiều lần, cơ thể lạnh, run, trước khi có biểu hiện của chứng viêm màng não.
Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm độc, trụy mạch, huyết áp tụt, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu, suy hô hấp suy đa phủ tạng, hôn mê, rồi dẫn đến tử vong. Nhưng một điều may mắn là người ta chưa thấy có sự lây truyền bệnh này từ người sang người.

Thời gian ủ bệnh ngắn, thường chỉ vài giờ cho đến khoảng 3 ngày. Để chẩn đoán xác định bệnh, các chuyên gia y tế thường nuôi cấy bệnh phẩm từ máu, hoặc các mô, tổ chức bị tổn thương của người bệnh, hoặc tiến hành các xét nghiệm huyết thanh học, hay áp dụng phương pháp sinh học phân tử. Thường người ta tìm thấy vi khuẩn Streptococcus suis thuộc tuýp 2. Cần chẩn đoán phân biệt nhiễm khuẩn liên cầu lợn với một số bệnh tương tự viêm màng não do não mô cầu hoặc bệnh sốt xuất huyết ở thể nặng.
Để phòng tránh nhiễm các loại liên cầu khuẩn, Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai đưa ra lời khuyên khi chế biến thức ăn từ các loại thịt động vật nói chung và thịt heo nói riêng. Ông nói:
“Nói chung tất các các loại vi khuẩn đều gây bệnh chứ không chỉ riêng đối với liên cầu trùng này. Cho nên khi người làm thịt sống thì không đi vào khâu chế biến chín nữa và tất cả các dụng cụ để chế biến thịt heo sau khi đã nấu chín xong thì phải khác đồ dùng khi giết mổ, nhưng ở vùng quê thì làm thịt heo sống trên cái thớt đó rồi chỉ rửa sơ qua. Cũng con dao, cái thớt đó lại mang ra cắt thịt chín. Rồi người làm heo sống lại rửa tay sơ sài, mà điều kiện vệ sinh của những người dân ở nông thôn hay ở các điạ phương chưa tốt lắm thế là lây nhiễm ra. Còn nếu mình có khâu chế biến riêng rẽ, và dụng cụ chế biến đồ chín, đồ sống khác. Người chế biến đồ sống muốn chế biến đồ chín phải rửa tay thật kỹ, sát trùng, đeo găng tay mới được làm thịt chín thì việc đó cũng không bị ảnh hưởng.”
Về mặt dịch tể học, người ta có thể phòng tránh liên cầu khuẩn ở heo, bằng cách tiến hành việc tầm soát và chích ngừa cho heo. Khi người nuôi phát hiện heo ho thì có thể chích thuốc kháng sinh cho nó. Nhưng các hộ nuôi riêng lẻ thường ít chú ý đến các triệu chứng của bệnh, và thường bỏ qua vấn đề tiêm phòng này. Đến khi đàn heo lâm bệnh thì họ lại giết mổ chạy để bán tống bán tháo đi. Đây là nguy cơ tệ hại nhất của việc lây nhiễm từ heo sang người.
Liệu ngành y tế có biện pháp gì để đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thịt heo bán ngoài thị trường. Cựu Phó Viện Trưởng Viện Vệ sinh Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
Người chế biến đồ sống muốn chế biến đồ chín phải rửa tay thật kỹ, sát trùng, đeo găng tay mới được làm thịt chín thì việc đó cũng không bị ảnh hưởng.
BS Nguyễn Xuân Mai
“Về lý thuyết thì có khâu kiểm dịch thú y do cán bộ Thú Y của thôn đảm trách. Thôn nào cũng có một cán bộ Thú Y do ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bố trí. Đúng ra tất cả những con heo có bệnh ở điạ phương, người ta cấm giết mổ để lấy thịt. Nhưng đôi khi do việc phát hiện chậm trễ. Thứ hai, là do người dân không báo, nên cán bộ Thú Y cũng không biết để kiểm soát. Còn nếu như họ biết được là heo bị bịnh thì không khi nào họ dám cho giết mổ để bán ra ngoài. Trừ phi đối với những con heo bị bệnh vàng da, bị xuất huyết. Thì những con heo như thế nếu mang ra thị trường thì cán bộ Thú Y mới phát hiện được. Còn đối với những con heo bị nhiễm liên cầu trùng suis, của bệnh liên cầu lợn, đôi khi nó không có biểu hiện gì trên da, trên thịt, mà liên cầu khuẩn chỉ có trong cổ họng và trong máu. Mà nếu như người ta giết thịt những con heo này thì đôi khi cũng khó cho cán bộ Thú Y chẩn đoán ra, trừ khi là phải có làm xét nghiệm thì mới có thể chẩn đoán được.”
Do vậy các cơ quan y tế luôn nhắc nhở người dân nên áp dụng các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thật sạch trước khi ăn, thức ăn phải nấu chín thật kỹ trước khi ăn. Đồng thời nên hạn chế các món ăn còn sống như nem chua, tiết canh. Khi mua thịt thì nên chọn thịt ở các quầy có qua kiểm dịch của cán bộ Thú Y.
Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn quý vị đã theo dõi. Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.