Vi khuẩn E.Coli (phần 2)

Giữa lúc các giới chức y tế thông báo dịch bệnh do nhiễm khuẩn E.Coli đang có dấu hiệu suy giảm, bệnh viện Hanover cho hay một bé trai 2 tuổi vừa chết vì nhiễm vi khuẩn E.Coli.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011.06.22
000_DV976523-305.jpg Những mẫu rau, giá được xét nghiệm ở Đức hôm 07/6/2011.
AFP photo

Mặc dù trước đó cháu bé đã được điều trị tổng hợp đặc biệt nhiều ngày liên tiếp khi mới phát hiện nhiễm bệnh. Bộ trưởng Y tế Đức Daniel Bahr đưa ra cảnh báo hôm 12/06 về khả năng số ca tử vong tiếp tục tăng lên. Trong khi đó các chuyên gia y tế cho rằng, khoảng trên 100 bệnh nhân bị nhiễm khuẩn E.Coli đang cần được cấy ghép thận, hoặc phải được điều trị đặc biệt để tiếp tục duy trì sự sống. 

Vi khuẩn E.Coli biến chủng vô cùng độc hại nên dịch bệnh lần này rất trầm trọng, đưa đến những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng con người.

Số liệu công bố hồi tuần trước cho thấy tổng số bệnh nhân bị lây nhiễm vi khuẩn E.Coli ở Châu Âu là trên 2.400 người, với khoảng hơn 30 ca tử vong. Nhưng theo số liệu thống kê gần đây nhất của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, thì cho đến nay đã có khoảng trên ba ngàn người ở các quốc gia Châu Âu cùng với Mỹ và Canada bị nhiễm khuẩn E.Coli. Trong khi đó Viện Robert Koch thuộc Cơ quan Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Đức cũng đưa ra báo cáo hôm 14/06, xác nhận, kể từ đầu tháng 5 cho đến giữa tháng 6 đã có tổng cộng 3.235 ca nhiễm khuẩn E.Coli ở Đức . Tuy nhiên, các giới chức y tế Đức nhận định tình hình lây lan của dịch bệnh có chiều hướng kiểm soát được.

Biến chứng nguy hiểm

Những người bị nhiễm vi khuẩn E.Coli có những biểu hiện như thế nào? Bác sĩ Trần Văn Sáng giải thích rõ như sau:

“Thực sự vấn đề triệu chứng nhiễm E.Coli tuỳ theo mức độ mạnh hay nhẹ của con vi trùng này dựa trên toxin, tức là một chất độc gọi là shiga toxin. Cũng trong nhóm E.Coli, nhưng nó gây ra những triệu chứng khác nhau, đôi khi chỉ là tiêu chảy bình thường giống như khi chúng ta đi du lịch,chúng ta ăn những thực phẩm lạ bị tiêu chảy thì cũng do con E.Coli này.


Nhưng trong trường hợp con vi trùng này phân thiết ra chất shiga thì nó sẽ làm bị tiêu chảy ra máu, đau bụng, và đặc biệt là không bị sốt, nếu có sốt thì lại liên hệ tới bịnh tiêu chảy khác do kiết lỵ. Thành ra khi người thầy thuốc tìm hiểu về những bệnh này thì thấy là, nếu bị tiêu chảy nhiều lần, nhưng đi tiêu ra máu, mà có triệu chứng là bụng bị đầy, hơi sưng, và triệu chứng cuối cùng là khi bệnh nhân bị những biến chứng, tức là họ bị mất nước nhiều, họ có dấu hiệu để liên hệ tới vấn đề suy thận cấp tính.

Vì con siêu vi trùng này có thể gây ra sưng mặt trong của những mạch máu rất nhỏ, và khi nó làm như vậy thì tất cả những hồng cầu đi qua những mạch máu nhỏ sẽ bị vỡ ra. Khi vỡ ra như vậy thì nó sẽ tràn ngập và làm nghẹt đường ống của thận, và sau cùng tiêu bản là những chất để giúp đông máu cũng sẽ bị tụt xuống, bởi vậy mới có một hội chứng gọi là haemolytic uraemic syndrome (HUS) có nghĩa là người bệnh vừa có triệu chứng bị mất máu do máu bị vỡ ra đồng thời tăng lượng urê trong máu vì thận bị suy cấp tính.

Đồng thời đó là những triệu chứng dễ đưa đến cái chết nhiều nhất, vì trong những trường hợp đó thì chỉ có dùng phương pháp lọc máu hay chạy thận nhân tạo thì mới có thể cứu được người đó mà thôi.”

Con siêu vi trùng này có thể gây ra sưng mặt trong của những mạch máu rất nhỏ, và khi nó làm như vậy thì tất cả những hồng cầu đi qua những mạch máu nhỏ sẽ bị vỡ ra.

BS. Trần Văn Sáng

Ngoài biến chứng suy thận cấp tính, còn có những biến chứng nguy hiểm khác cũng có thể đưa đến tử vong, Bác sĩ Sáng nói thêm:

“Những biến chứng có thể đưa đến chết người đó là sẽ bị ói mửa và mất nước. Khi người bệnh mất nước lâu ngày thì họ có thể suy sụp, huyết áp thấp xuống, và sẽ đưa tới tình trạng bị sốc do mất nước, cũng có thể chết được. Trường hợp thứ hai là khi những tiêu bản bị xuống quá thấp dễ làm chảy máu. Thành ra người bệnh khi đi tiêu ra máu thì sẽ gặp khó khăn vì máu sẽ không cầm lại được nữa, thì cũng sẽ đưa đến tình trạng rất nguy hiểm cho tính mạng bên cạnh các trường hợp suy thận cấp tính.”            

Điều trị

Khi phát hiện bệnh nhân đã bị nhiễm khuẩn E.Coli, thì các bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp điều trị nào. Bác sĩ Trần Văn Sáng cho biết:

000_DV976031-250.jpg
Xét nghiệm vi khuẩn E.coli tại một phòng thí nghiệm ở Berlin - Đức, hôm 08 tháng 6 năm 2011. AFP PHOTO
Xét nghiệm vi khuẩn E.coli tại một phòng thí nghiệm ở Berlin - Đức, hôm 08 tháng 6 năm 2011. AFP PHOTO
“Thực sự hiện nay vấn đề chữa trị trở thành một vấn đề hơi phức tạp đối với những nhà chuyên môn. Những nghiên cứu cho thấy hiện nay cách chữa trị tốt nhất vẫn là bù lại những gì mà người bệnh nhân mất. Thí dụ họ bị tiêu chảy mất nước, mất những chất điện giải trong cơ thể thí dụ như là chất muối, chất kiềm, chất potassium, và đặc biệt là nước, thì những người thầy thuốc sẽ bù lại những chất đó bằng cách truyền tĩnh mạch.

Vấn đề sử dụng thuốc trụ sinh thì trở thành khó khăn vì có một số trường phái họ nghĩ là dùng thuốc trụ sinh thì kết quả cũng không giúp người bệnh sống sót được nhiều hơn nhóm không sử dụng trụ sinh. Hiện nay có một số họ khám phá ra rằng con vi trùng này cũng kháng thuốc, và đặc biệt có kháng chất Carbapenem. Carbapenem là một loại trụ sinh rất mạnh, và rất tốt đã được khuyến cáo sử dụng để chữa trị những trường hợp này.

Nhưng tất cả những nhà nghiên cứu cũng không đồng ý hoàn toàn. Họ nghĩ, phương cách truyền lại cho bệnh nhân tất cả những gì họ mất, tức là nước, những chất cần thiết trong cơ thể để nuôi họ trong thời gian họ bị bệnh cấp tính thì cũng có thể giúp cho họ qua được những cơn khó khăn. Hay trong trường hợp bị suy thận cấp tính thì phải lọc máu mà thôi. Đó là những phương cách mà hiện nay được sử dụng khắp nơi ở tại châu Âu.”               

Tại Đức khi mới xuất hiện những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn E.Coli đầu tiên với biến chứng nặng, từ tiêu chảy ra máu, đến hội chứng tăng urê máu, và đưa đến nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong. Tiến sĩ Rosemary Leonard của Trung tâm Y tế Đức và các chuyên gia y tế nghiên cứu và phát hiện khuẩn E.Coli với biến chủng mới đưa đến các biến chứng cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh. Đồng thời bà khuyên người dân nên hết sức cẩn thận khi sử dụng các loại rau quả tươi. Tiến sĩ Rosemary Leonard nói:

Thực sự hiện nay vấn đề chữa trị trở thành một vấn đề hơi phức tạp đối với những nhà chuyên môn. Những nghiên cứu cho thấy hiện nay cách chữa trị tốt nhất vẫn là bù lại những gì mà bệnh nhân mất.

BS. Trần Văn Sáng

“Nếu các bạn mua các loại rau quả tươi về sử dụng thì nên nhớ phải luôn rửa chúng thật kỹ lưỡng, thật sạch, để loại bỏ những loại vi khuẩn bám trên bề mặt chúng. Vì đối với các loại rau quả trồng không theo công nghệ hóa học, không sử dụng phân bón hoá học (organic), người ta có thể xịt những loại phân hữu cơ cho chúng tốt tươi. Các loại phân hữu cơ này có thể lấy từ phân bò chẳng hạn. Ví dụ trong phân dùng để tưới có mang theo vi khuẩn E.Coli sẽ làm cho rau quả bị nhiễm khuẩn. Và giả sử như có một quả dưa leo bị nhiễm khuẩn được xếp vào hộp thì xem như cả hộp dưa ấy đều bị lây nhiễm vi khuẩn E.Coli.”   

Cần "ăn chín, uống sôi"

Trước tình hình dịch bệnh lây lan ở châu Âu, bác sĩ Trần Văn Sáng khuyên mọi người không nên quá hốt hoảng. Ông cho biết tuy khuẩn E.Coli có thể sinh ra những biến chứng nguy hiểm đến như vậy, nhưng không phải không có biện pháp phòng bệnh. Bác sĩ Sáng giải thích cụ thể về những biện pháp để phòng ngừa sự lây nhiễm khuẩn E.Coli. như sau:

000_DV976029-250.jpg
Một cửa hàng rau ở Berlin - Đức, hôm 08 tháng 6 năm 2011. AFP PHOTO.
Một cửa hàng rau ở Berlin - Đức, hôm 08 tháng 6 năm 2011. AFP PHOTO.
“Thực sư câu đơn giản nhất để quý vị thính giả cần nhớ là tất cả những gì có liên hệ đến phân người hay là phân thú vật đều có mang mầm bệnh, tức là mang mầm của con vi trùng E.Coli này. Từ đó chúng ta sẽ đưa đến những hệ luận là tất cả những nước, phân sử dụng trong vấn đề đồng áng, để tưới cây cỏ đều mang mầm bệnh đó, cho đến những người nấu ăn hay sử dụng những loại rau cải, dùng tay bốc vào trong đó đều là những người sẽ mang mầm bệnh đến cho giới tiêu thụ.

Bởi vậy điều quan trọng nhất khi sử dụng những thực phẩm rau cải, từ dưa, giá hay những loại rau cải như ray muống, hay tất cả những gì mà chúng ta có thì phải rửa thật sạch. Điều cần nhất, nếu chúng ta không nghĩ là nó sạch thì dùng phương pháp luộc là tốt nhất, rau luộc thì lúc nào nó cũng tốt hơn là rau còn sống mà chúng ta không nghĩ là chúng ta làm nó sạch được. Đặc biệt loại nước mà chúng ta sử dụng để rửa, đôi khi nó cũng không phải là loại nước hoàn toàn vô trùng. Thành ra đó là điều chính mà tôi nghĩ rằng chúng ta nhớ như vậy để chúng ta đưa ra những hệ luận khác để chúng ta có thể đề phòng được.

Chúng ta phải vệ sinh, phải rửa tay thật kỹ, rửa rau thật kỹ và nếu cần thì chúng ta luộc chín tất cả các rau cải mà chúng ta cần phải ăn.     

BS. Trần Văn Sáng

Trong tương lai có những nghiên cứu, hiện nay châu Âu người ta sử dụng phương pháp khử trùng con vật, bằng một phương pháp gọi là phage therapy. Họ sử dụng một con siêu vi khuẩn cực nhỏ, nhỏ hơn con vi trùng, họ xịt lên trên những con vật sắp được giết mổ, dùng con này để tiêu diệt những con E.Coli., thì sản phẩm khi họ giết con vật, đem ra ngoài thì những loại thịt hay môi trường đó sẽ ít có sự hiện diện của con E.Coli này. Đó là một cách mà họ phòng bệnh trong môi trường, tức là sử dụng những chất thuốc xịt lên những con vật gọi là phage therapy. Đó là phương pháp đã được sử dụng về phương diện phòng bệnh, bên cạnh những điều chúng ta nói là chúng ta phải vệ sinh, phải rửa tay thật kỹ, rửa rau thật kỹ và nếu cần thì chúng ta luộc chín tất cả các rau cải mà chúng ta cần phải ăn.”     

Do vậy, vấn đề “ăn chín, uống sôi” mà các cụ nhà ta trước đây vẫn thường bảo luôn nên được áp dụng, nhất là trong những trường hợp đi du lịch ăn các thức ăn lạ ở nhiều nơi.   

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.