Kẻ thù của tuổi thọ

Một nhà nghiên cứu về dinh dưỡng và sức khỏe Trung quốc từng nói rằng, trong tình hình đời sống và khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, nếu chúng ta sống không đến được 100 tuổi là lỗi tại mình thôi!
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2010.07.08
Nha-Trang-vinpearl-305.jpg Biển Nha Trang. Sống trong môi trường thiên nhiên trong lành làm tăng tuổi thọ.
RFA photo

Sống gần gũi thiên nhiên

Thật vậy, các nhà khoa học đã có những bằng chứng để dự đoán rằng tuổi thọ của con người không ngừng tăng, và đến giữa thế kỷ này tuổi thọ trung bình của con người sẽ đạt 100 tuổi.

Bác sĩ Bradley Willcox, khi nghiên cứu về sinh hoạt đời sống của các lão niên trên đảo Okinawa của Nhật đã đưa ra nhận định:

“Lần đầu tiên khi tôi và em trai đặt chân lên đảo Okinawa, cái cảm nhận ban đầu về miền đất này, tôi thấy nó chẳng có gì đặc biệt hay khác hơn so với những nơi khác mà tôi đã đi qua. Tôi đi ra phố, thấy một phụ nữ lớn tuổi đi qua, lướt nhanh bước vào nhà hàng. Tôi nghĩ thầm bà ta trông khỏe mạnh, nhanh nhẹn, ước chừng vào khoảng 65 tuổi, chắc bà vừa mới tan sở, bận rộn với một công việc bán thời gian nào đó. Nhưng cuối cùng khi tìm hiểu thì hóa ra bà đã ở vào tuổi 90 hay 95 gì đó, hoặc thậm chí là 99. Bước ra chợ, tôi trông thấy một phụ nữ khác, xem chừng có lẽ khoảng 75 tuổi, nhưng thật ra bà đã 101 tuổi. Thật là một điều ngạc nhiên vô vùng ấn tượng."

Sau đó thì Bác sĩ Willcox nhận ra rằng không thể đoán đúng tuổi của các cụ. Ông nói:

“Nếu tính theo ngày tháng trên lịch thì tuổi tác một số cụ sống trên đảo Okinawa này vào khoảng độ 75, hoặc 80, nhưng nếu mới nhìn bề ngoài trông vào dáng dấp thì tưởng như họ chỉ mới khoảng 50. Tôi rất ấn tượng vì nhiều người trong số họ vẫn sống rất mạnh khỏe cho tới lúc sắp lìa đời. Khoảng 70% các cụ sống đến bách niên trên đảo Okinawa vẫn còn khỏe mạnh và tự làm mọi sinh hoạt cá nhân, có thể nói 97% thời gian trong cuộc đời họ là một cuộc sống khỏe mạnh.”  

Khoảng 70% các cụ sống đến bách niên trên đảo Okinawa vẫn còn khỏe mạnh và tự làm mọi sinh hoạt cá nhân, có thể nói 97% thời gian trong cuộc đời họ là một cuộc sống khỏe mạnh.

Bác sĩ Willcox


Hòn đảo của xứ Phù Tang này có khoảng 1 triệu dân thì có đến 900 người sống trên 100 tuổi, con số này nhiều hơn gấp 4 lần ở Anh và Mỹ. Tại đây con người sống gần gũi với thiên nhiên, lại thường xuyên vận động nên tỉ lệ mắc bệnh tật cũng ít. Bác sĩ Bradley Willcox cho biết, đảo Okinawa là nơi tỉ lệ bệnh ung thư ngực và ung thư tiền liệt tuyến thấp nhất trên thế giới. Các nhà nghiên cứu cho rằng, điều này có liên quan tới số lượng đậu nành mà người dân trên đảo này dùng trong cả đời. Ngoài ra, các loại rau củ cũng giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự suy thoái hoặc biến đổi của tế bào.

Các cụ ông, cụ bà trên đảo này sống được lâu, và sống khỏe như vậy, còn ở những nơi khác thì sao? Chúng ta hoặc con cháu chúng ta có sống lâu như thế được không?   

tphcm_250.jpg
Môi trường sống ô nhiễm, tấp nập góp phần làm giảm tuổi thọ. Ảnh chụp tại TPHCM tháng 6/2010. RFA photo
Môi trường sống ô nhiễm, tấp nập góp phần làm giảm tuổi thọ. Ảnh chụp tại TPHCM tháng 6/2010. RFA photo
Câu trả lời thật không đơn giản chút nào. Chúng ta hãy nghe Bác sĩ Willcox giải thích thêm dựa vào nghiên cứu tiếp theo của hai anh em ông về cuộc sống của con cháu những người sống lâu trên đảo Okinawa, khi lớp trẻ này ra sống ở những thành phố lớn. Bác sĩ Willcox nhận thấy rất nhiều trường hợp đối với lớp con cháu của những người sống thọ, mặc dù được thừa hưởng gien di truyền của ông bà, cha mẹ, nhưng họ lại sống trong một môi trường khác, có thể nói là không lành mạnh. Cuộc sống của họ cũng ngắn ngủi như những người bình thường khác mà thôi.

Cho nên Bác sĩ Willcox kết luận rằng, trong vấn đề sống thọ, yếu tố di truyền và môi trường sống có liên quan khá chặt chẽ với nhau. Trong cuộc sống có nhiều yếu tố tác động đến sức khỏe con người và làm ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Những yếu tố giảm thọ

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, và ai cũng thừa nhận, đầu tiên chính là các món giải trí như thuốc lá, rượu. Theo giới chuyên môn thì trong khói thuốc lá có chứa khoảng 250 chất độc hại và cả kim loại nặng. Bác sĩ Nguyễn Ý Đức phân tích:

“Khói thuốc lá mà chúng ta hít vào có ít nhất ba hóa chất có thể gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể. Thứ nhất là chất Nicotin, tức là hóa chất gây nghiện, tác dụng ban đầu là kích thích hệ thần kinh, nhưng sau đó khi Nicotin vào trong cơ thể thì nó có thể vào máu và làm cho hệ thần kinh bị giảm xuống, gây ra chứng trầm cảm. Đồng thời Nicotin cũng gây ra một vài biến chứng trong cơ thể, thí dụ nó làm cho tim đập nhanh hơn, làm cho huyết áp tăng lên cao, và nó có thể làm tê liệt vị giác tức là chúng ta ăn uống cảm thấy không ngon nữa, và nó cũng đưa tới tâm trạng thẩn thờ, đờ đẫn nếu chúng ta hút nhiều quá.

Chất thứ hai là chất Carbon Monoxide (CO) tức là một loại khí không mùi, không vị. Carbon Monoxide có điểm đặc biệt là nó chiếm oxy trong hồng huyết cầu của chúng ta, cho nên người hút thuốc lá thường thiếu dưỡng khí trong cơ thể. Đồng thời Carbon Monoxide cũng có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh tim mạch của chúng ta.

Chất thứ ba là cao thuốc lá. Khi nhìn người hút thuốc lá chúng ta thấy ở đầu ngón tay của họ hoặc trên răng của họ có chất cặn có màu vàng đóng vào, thì đó là cao thuốc lá. Đó là một chất có rất nhiều hóa chất khác nhau kích thích cuống họng và phế nang.

Khói thuốc lá có nhiều chất Nicotin hơn ở trong điếu thuốc lá mà người đó hút. Những chất khác nữa, thí dụ như ammonia. Trong khói thuốc lá có cả ngàn những hóa chất khác nhau, trong đó có ít nhất 40 hóa chất đã được xác định là có thể gây ra ung thư.”

Kế đến là rượu, loại ma men này thường là nguyên nhân đưa đến các bệnh xơ gan, ung thư gan. Rượu còn phá hoại cả đầu óc, thần kinh con người nếu uống quá nhiều, uống thường xuyên, gây ra tai nạn giao thông hay tai nạn do cãi vã, đánh nhau.        

search.who.int-250.jpg
Hình minh họa những độc chất trong điếu thuốc sẽ gây tác hại cho người hút. Photo courtesy of search.who.int
Hình minh họa những độc chất trong điếu thuốc sẽ gây tác hại cho người hút. Photo courtesy of search.who.int
Ngoài ra, còn phải kể đến các loại thực phẩm chúng ta đưa vào cơ thể hàng ngày, ví dụ ngày nay người ta tiêu thụ thịt động vật nhiều hơn trước kia. Ấy là chưa tính đến các loại phân bón, hóa chất được con người xử dụng để kích thích sự tăng trưởng cho vật nuôi, cây trồng, và trong số các loại hóa chất này, có một số không bị phân hủy trong quá trình chế biến. Điều này thực chẳng khác nào như con người tự đầu độc chính mình vậy.  

Cộng thêm thói quen sinh hoạt ít vận động. Lớp trẻ ngày nay thường ngồi thụ động trước máy vi tính, hoặc tra cứu thông tin, hoặc chơi game, nghe nhạc, xem phim giải trí. Người ta càng có ít thì giờ vận động do cuộc sống luôn bận rộn. Vì thế việc rèn luyện thân thể hay bị bỏ quên.

Một điều đáng lưu ý nữa, là môi trường sống của chúng ta ngày càng bị ô nhiễm. Đó không chỉ là vấn nạn của một quốc gia mà hiện nay đang là mối quan tâm trên tòan cầu, chỉ khác nhau ở cách giải quyết của từng chính phủ.

Tất cả những vấn đề vừa kể là nguyên nhân đưa đến những căn bệnh quái ác như: tim mạch, tiểu đường, ung thư. Cộng thêm với sự phát triển và biến chủng của nhiều loại virus như H5N1, H1N1, hay HIV/AISD, mà cả thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc tiêm chủng cũng như thuốc điều trị. Sinh mạng con người sẽ rất bấp bênh nếu chẳng may mắc phải một trong các chứng bệnh hiểm nghèo đó.

Nhưng trên hết là nhịp sống căng thẳng của đô thị. Stress không phải là một bệnh, nhưng nó có thể dẫn đến rất nhiều bệnh và cuối cùng làm cho con người kiệt quệ hoàn toàn, mất hết sức sống. Bác sĩ Trương Thìn, Giám đốc Trung tâm Y học cổ truyền hiện đại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định:

“Ngày nay thì nhiều lý do này lý do khác làm cho con người suy nghĩ nhiều quá, làm cho người ta tính toán nhiều quá, làm người ta ham muốn nhiều quá. Và từ đó thì bệnh tâm thể diễn ra, tức là bệnh từ tinh thần tác động vào làm cho thể chất bệnh.”     

Ngoại trừ tác động của những biến cố lớn ảnh hưởng đến đời sống con người, còn thì stress cứ tích tụ dần từng ngày một, thoạt đầu có khi người ta không nhận ra đang bị căng thẳng đầu óc do stress. Stress đến từ áp lực của gia đình, công việc, cuộc sống.

Ngày nay thì nhiều lý do này lý do khác làm cho con người suy nghĩ nhiều quá, làm cho người ta tính toán nhiều quá, và từ đó thì bệnh tâm thể diễn ra, tức là bệnh từ tinh thần tác động vào làm cho thể chất bệnh.   

Bác sĩ Trương Thìn


Bác sĩ Kelly Morton, chuyên gia nghiên cứu về Sức khỏe và Tôn giáo ở Anh quốc nhận định rằng: 

“Stress có mặt hầu như khắp nơi, xuất hiện ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Con người khó lòng tránh khỏi bị stress, và cũng không có sự lựa chọn nào khác. Chúng ta hãy đương đầu và tìm cách đối phó với stress. Đó là thái độ tích cực có lợi cho chúng ta nhất. Cho nên tôn giáo hoặc một yếu tố tinh thần nào đó cao hơn bản thân, hoặc một lý tưởng cao đẹp nào đó của cộng đồng, sẽ giúp chúng ta làm dịu đi những căng thẳng. Và nhờ vậy sẽ giúp cho cơ thể chúng ta giữ được trạng thái cân bằng.”  

Các chuyên gia sức khỏe luôn đưa ra lời khuyên, thường xuyên vận động thể lực để giúp giải tỏa những căng thẳng đầu óc, và nên chọn các thú giải trí lành mạnh để thư giãn. Phải chăng đó là lý do vì sao càng ngày càng có nhiều người tham gia các lớp Thiền hay tích cực luyện tập Yoga.     


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.